Sĩ tử sụt cân, mất ngủ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Trong khi Hoàng Anh học 11-12 giờ/ngày, Thu Trang lại lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đến mất ăn, mất ngủ.

Sĩ tử sụt cân, mất ngủ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT-1

Căng thẳng, lo lắng là cảm xúc của nhiều thí sinh trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

1h, Hoàng Anh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) vẫn tập trung giải đề thi thử môn Toán. Một tháng nay, số ngày đi ngủ trước 1h của Hoàng Anh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Chỉ còn vài ngày, kỳ thi chính thức diễn ra. Em lo lắm. Dù đã đến giai đoạn nước rút, em vẫn có cảm giác còn nhiều kiến thức chưa học, nhất là môn Toán", Hoàng Anh chia sẻ.

Không riêng Hoàng Anh, căng thẳng, lo lắng là cảm xúc của nhiều thí sinh trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ôn thi 10-12 giờ/ngày

Năm nay, Hoàng Anh dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Kỹ thuật cơ điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Nam sinh cho biết mức điểm chuẩn ngành học này năm trước lên đến 26,33. Vì vậy, Hoàng Anh đặt ra mục tiêu phải đạt 27 điểm khối A00.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Hoàng Anh chỉ tự tin kiến thức 2 môn Vật lý và Hóa học. Với môn Toán, em rất lo lắng bởi mới nắm chắc 8 điểm, trong khi mục tiêu đặt ra là 9.

"Những lần thi thử, tổng điểm 3 môn của em chỉ xấp xỉ 27, có lần dưới 26, nên càng giai đoạn nước rút, em càng căng thẳng", Hoàng Anh nói.

Cùng với nỗi sợ, thời điểm này, thời gian học của Hoàng Anh cũng tăng lên. Nam sinh vẫn tham gia 2 lớp học thêm (4 buổi/tuần), còn lại, em dành mọi thời gian rảnh để tự học.

"Thời gian học hiện tại của em lên đến 11-12 giờ/ngày. Do không quen dậy sớm, em tận dụng thời gian học vào ban đêm. Có hôm, em thức đến 2-3h để giải đề", Hoàng Anh chia sẻ.

Không học nhiều như Hoàng Anh nhưng Thu Trang - học sinh lớp 12 tại Hà Nội - cũng học tới 9-10 giờ/ngày. Từ giữa tháng 6, Trang đã nghỉ các lớp học thêm. Em dành tối đa thời gian cho việc tự học.

Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, Trang cho biết đầu năm lớp 12, em mới chuyển từ khối D00 sang khối C00. Bắt đầu lại từ đầu, dù rất cố gắng, Trang vẫn cảm thấy môn Lịch sử không phải thế mạnh của em. Chính vì vậy, nữ sinh không tránh khỏi căng thẳng khi ngày thi đã cận kề.

"Những ngày đầu làm thử bài kiểm tra, em chỉ đạt trung bình 4 điểm. Hiện tại, dù mức điểm đã nâng lên 7, em vẫn cảm thấy bản thân không tiến bộ nhiều, kiến thức vẫn còn hổng", Trang nói.

Nữ sinh cho biết trong vòng một tháng trở lại đây, em đã sụt 4 kg. Dù cố gắng ăn nhiều hơn để có sức khỏe, cân nặng của Trang cũng chỉ tăng vài lạng rồi sụt cân nhiều hơn. Không những thế, Trang cũng rơi vào tình trạng khó ngủ.

"Khoảng 0h, em sẽ tắt đèn đi ngủ. Tuy nhiên, vì lo và căng thẳng quá, em cứ trằn trọc mãi. Hết nhẩm lại bài, em lại tưởng tượng ra kết quả thi không như ý", Trang chia sẻ.

Sĩ tử sụt cân, mất ngủ trước kỳ thi tốt nghiệp THPT-2

Giai đoạn nước rút, Thu Trang vẫn lo nhất môn Lịch sử bởi đây không phải môn học thế mạnh của em. Ảnh: NVCC.

Áp lực từ nhiều phía

Trao đổi với Tri thức trực tuyến, Trang cho biết căng thẳng, áp lực không chỉ đến từ bài vở. Nhiều tháng nay, nữ sinh đối mặt với cả áp lực chọn ngành, nghề cũng như kỳ vọng của bố mẹ.

Từ lâu, Trang đã yêu thích kinh doanh. Dù mới học cấp 3, em đã tập tành buôn bán quần áo, hoa handmade. Tuy nhiên, gia đình lại muốn Trang theo đuổi nghề nghiệp ổn định và định hướng em theo học sư phạm.

"Bố mẹ, người thân kỳ vọng rất nhiều vào em, kỳ vọng vào một công việc ổn định. Bên cạnh đó, em cũng sợ nếu học kinh tế, em không đủ năng lực. Vì vậy, em sẽ đăng ký học sư phạm", Trang nói.

Tuy nhiên, nữ sinh tự đánh giá điểm chuẩn vào các trường đại học đào tạo sư phạm lại khá cao, em lại xác định mục tiêu muộn, vì vậy, cơ hội đỗ hẹp hơn so với thí sinh khác. Vừa rồi, em đã nộp thêm hồ sơ xét tuyển theo phương thức học bạ để tăng cơ hội cho bản thân.

Trong khi đó, có mục tiêu ngay từ ban đầu, Hoàng Anh lại vấp phải áp lực đồng trang lứa. Nhiều năm liền là học sinh giỏi và giữ vững phong độ suốt 3 năm THPT, nam sinh sợ đến khi biết kết quả, điểm của em lại thấp hơn bạn học, khiến bố mẹ, thầy cô thất vọng. Lúc ấy, có lẽ, chính em cũng thất vọng về bản thân.

Không những thế, nỗi lo về học phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hoàng Anh áp lực. Năm học tới, mức học phí chương trình Kỹ thuật cơ điện tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội dao động 26-29 triệu đồng. Nếu đỗ vào trường, đây sẽ là số tiền không nhỏ đối với gia đình em khi phải lo cả chí phí sinh hoạt, ăn ở...

Vì vậy, sau khi thi xong, Hoàng Anh sẽ cân nhắc thêm một số trường khác. Bên cạnh đó, cậu cũng dự định đi làm thêm ngay từ năm nhất để phụ giúp bố mẹ.

Theo Zing


thi tốt nghiệp THPT


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.