EVN phải rút kinh nghiệm việc tăng giá điện

Tuy có lý và không sai về mặt quy trình nhưng tại phiên họp bảo Chính phủ chiều 3/7, câu chuyện EVN bất ngờ tăng giá điện lần lượt được 2 vị Bộ trưởng nhắc tới và yêu cầu phải “rút kinh nghiệm”.

Tuy có lý và không sai về mặt quy trình nhưng tại phiên họp bảo Chính phủ chiều 3/7, câu chuyện EVN bất ngờ tăng giá điện lần lượt được 2 vị Bộ trưởng nhắc tới và yêu cầu phải “rút kinh nghiệm”.

Thiếu sót của ngành điện không nằm ở việc tăng giá bởi theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, giá điện và nhiều loại giá khác sớm muộn gì cũng phải “theo thị trường” và mức tăng 5% vừa rồi hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương.

Tuy vậy, cái “không khéo” của ngành điện, theo đại diện của Chính phủ chính là việc không làm tốt khâu tuyên truyền, công khai lý do tăng giá.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng ngành điện chưa khiến dư luận đồng tình khi tăng giá. Ảnh: N.Hưng

Đợt điều chỉnh được thực thực hiện sau một thời gian dài mà giá điện được dư luận quan tâm, trong khi “nhà đèn” vẫn một mực khẳng định “phương án tăng chưa được tính tới”. Rồi quyết định bất ngờ được đưa ra, nhắm đúng vào thời điểm lạm phát vừa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng khiến dư luận bất ngờ. Thêm vào đó, đến giờ ngành điện cũng chưa đưa ra lý giải nào về cơ sở tăng giá, ngoại trừ thông báo sẽ tăng giá phát đi tối 29/6 - chưa đầy 2 ngày trước đợt tăng.

Cách làm như vậy, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam là chưa tốt về mặt tuyên truyền, bởi một chính sách, dù đúng cũng cần một giải thích cụ thể, rõ ràng để tạo đồng thuận. Quan điểm đó cũng được Bộ trưởng Thông tin & truyền thông - Nguyễn Bắc Son chia sẻ tại buổi họp báo. Theo ông, trong những lần điều chỉnh tiếp theo, bản thân EVN và Bộ Công Thương cần “rút kinh nghiệm” để người dân và doanh nghiệp có thể đồng tình.

Trong điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, một câu hỏi lớn được dư luận đặt ra là việc tăng giá điện có thể tác động lớn đến giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho sản xuất. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định “tác động là không lớn”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, đối với các ngành sản xuất thì chi phí tiền điện nhiều nhất cũng chỉ chiếm khoảng 10% (hóa chất, luyện kim…). Như vậy, nếu tăng giá điện 5% thì tác động nhiều nhất vào giá thành cũng chỉ khoảng 0,5%. “Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có thể linh hoạt, điều chuyển giờ sử dụng điện thì tác động thậm chí còn ít hơn”, Thứ trưởng Minh cho biết.

Bên cạnh câu chuyện của ngành điện, tại phiên họp báo chiều 3/7, đại diện Chính phủ cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ về định hướng điều hành trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt nhưng sản xuất và tăng trưởng còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình thế như vậy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết mục tiêu tăng GDP của năm nay vẫn được Chính phủ giữ ở mức khoảng 6%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Thị Minh cho biết giải ngân đầu tư công sẽ đạt trung bình 22.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hưng

“Tuy nhiên, sẽ không có chuyện điều hành giật cục. Không phải thấy tăng trưởng những tháng đầu năm thấp mà ồ ạt bơm tiền, gây lạm phát cho những năm sau”, người phát ngôn Chính phủ khẳng định. Về lạm phát, Bộ trưởng Đam khẳng định CPI năm nay sẽ đảm bảo ở mức một con số (khoảng 8%) và tiếp tục giảm trong những năm sau.

Để đảm bảo các cân đối này, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là giải ngân vốn đầu tư công trong những 6 tháng cuối năm. Đại diện Chính phủ thừa nhận hoạt động này trong những tháng đầu năm (thậm chí đến tháng 5) vẫn còn chậm. Tuy nhiên, diễn biến từ tháng 6 trở đi đã có nhiều chuyển biến tích cực: “Riêng giải ngân trong tháng 6 bằng hai phần ba của 5 tháng trước đó”, Bộ trưởng Đam cho biết.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng mức giải ngân từ ngân sách trong 6 tháng đầu năm là 81.000 tỷ đồng, trong khi vốn trái phiếu Chính phủ là hơn 10.000 tỷ. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, tổng số vốn cần giải ngân còn lại của 2 khoản này là trên 132.000 tỷ (tương đương 22.000 tỷ đồng mỗi tháng). Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh, Bộ Tài chính đang tính toán các biện pháp để khẩn trương giải ngân nguồn vốn này, góp phần thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

Trả lời tại buổi họp báo xung quanh việc một số ngân hàng tiếp tục thu phí ATM “chui”, bất chấp chủ trương chưa thu trong năm nay, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết đã nhận được phản ánh này và sẽ tiến hành kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện các nhà băng có thực hiện thu phí, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Theo VNE



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.