'Khổ nhục kế' của tỷ phú Elon Musk

Elon Musk thường nói về sự hy sinh của chính mình cho công ty để thúc đẩy nhân viên làm điều tương tự. Tuy vậy, nhiều người không muốn chỉ sống vì công việc mà đòi hỏi sự cân bằng.

Khổ nhục kế của tỷ phú Elon Musk-1
Tỷ phú Elon Musk cho biết ông ít khi nghỉ ngơi. Ảnh: AP.

Kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp gần 30 năm trước, Musk là hiện thân của văn hóa làm việc hối hả tại thung lũng Silicon với những đêm ở lại văn phòng muộn, Wall Street Journal nhận định.

Musk thường xuyên nói về những khó khăn và sự hy sinh của chính mình để truyền động lực cho người khác. Điều này góp phần tạo nên văn hóa đòi hỏi với nhân viên ở các công ty mà ông điều hành, bao gồm Tesla và SpaceX. Giờ đây, văn hóa này đang được thử nghiệm ở cả Twitter.

Quan điểm về “cuộc sống vì công việc” của Musk đi ngược lại phong cách ưa thích làm việc tại nhà của thế hệ nhân viên trẻ hơn - vốn đang tranh luận về mức độ một người nên hy sinh cho công việc.

Người chỉ biết đến công việc

Theo quan điểm của Musk, nhân viên cần hy sinh nhiều. Ông Musk mới đây tuyên bố làm việc tại nhà là điều “sai trái về đạo đức”, gây ra làn sóng phản đối trên mạng xã hội từ những người không muốn quay trở lại văn phòng để giữ lịch trình cá nhân linh hoạt.

Đây không phải là suy nghĩ của riêng Musk. Meta, công ty mẹ của Facebook, hồi tuần trước cũng quyết định yêu cầu nhân viên dành nhiều thời gian ở văn phòng hơn. Nhiều công ty lo ngại làm việc tại nhà sẽ khiến năng suất và khả năng làm việc nhóm sụt giảm.

Hồi tháng 5, Musk cho biết ông thường cố gắng tập trung vào một công ty mỗi ngày - tuy vẫn có thể làm việc của công ty khác. Tỷ phú này cho biết thời gian làm việc của ông đã tăng lên tới hơn 120 giờ/tuần sau khi mua lại Twitter.

“Một ngày của tôi rất dài và phức tạp, như các bạn có thể tưởng tượng”, ông nói.

Trước đó, ông nói với CNBC rằng ông chỉ nghỉ 2-3 ngày mỗi năm. “Tôi làm việc 7 ngày mỗi tuần nhưng tôi không trông chờ những người khác làm vậy”, vị tỷ phú cho biết.

Khổ nhục kế của tỷ phú Elon Musk-2
Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi về một nhân viên Twitter ngủ ở văn phòng hồi cuối năm 2022. Ảnh: Twitter/Marca.

Tuy vậy, Musk dường như vẫn truyền đi thông điệp rằng ông muốn nhân viên của mình cống hiến gần như vậy.

Khi mới mua lại Twitter, Musk yêu cầu nhân viên cam kết dành nhiều thời gian để làm việc hết mình nhằm tái định hướng mạng xã hội này theo sở thích của vị tỷ phú - điều ông cũng từng nói để thúc đẩy nhân viên Tesla làm việc.

Đơn kiện của một số nhân viên Twitter mới đây tuyên bố Musk ra chỉ thị biến phòng họp trong văn phòng của Twitter tại San Francisco thành phòng ngủ cho nhân viên. Musk cũng muốn xây một phòng tắm ngay cạnh phòng mình để “không cần đánh thức đội ngũ an ninh và đi nửa tòa nhà để tắm giữa đêm”.

Twitter không phải công ty đầu tiên khiến Musk vất vả như vậy. Hồi năm 2021, ông từng tuyên bố công việc tại Tesla “chiếm hai phần ba tổng số điều đau khổ trong cuộc sống, tính cả mặt cá nhân lẫn công việc”.

“Ông ấy thích những người làm việc rất chăm chỉ, kể cả với cái giá là sự chịu đựng cá nhân”, ông Jim Ambras, người từng làm việc với Musk tại Zip2 - công ty khởi nghiệp đầu tiên của Musk - nhớ lại.

Musk thường xuyên ca ngợi những người sẵn sàng hy sinh tất cả vì công ty. Trong một cuộc phóng vấn hồi năm ngoái, ông đã bày tỏ ngưỡng mộ các nhân công Trung Quốc về tinh thần này.

“Họ không chỉ làm việc đến đêm. Họ làm việc đến 3 giờ sáng. Họ thậm chí không rời nhà máy, trong khi ở Mỹ mọi người cố gắng tránh phải đi làm”, ông nói.

"Tôi muốn hoàn cảnh của mình tệ hơn bất cứ ai khác"

Cách đối xử của ông Musk với nhân viên đôi khi khiến ông bị coi là thiếu lòng trắc ẩn. Ví dụ, giữa đợt sa thải hàng loạt của Twitter đầu năm nay, Haraldur Thorleifsson - một nhân viên của công ty - viết cho ông Musk trên Twitter rằng ông không thể tiếp cận với máy tính công ty.

“Tuy nhiên, lãnh đạo nhân sự của ông không thể xác nhận rằng tôi còn là nhân viên hay không. Phải chăng nếu có đủ người retweet (đăng tải lại - PV), ông sẽ trả lời tôi ở đây?”, Thorleifsson viết.

Musk trả lời rất gay gắt. “Người này (vốn bản thân đã giàu) không thực sự làm việc”, vị tỷ phú viết. “Tôi không thể nói rằng tôi tôn trọng điều này”.

Khổ nhục kế của tỷ phú Elon Musk-3
Văn hóa làm việc từ các công ty do Musk sở hữu đang được đem đến Twitter. Ảnh: AP.

Trên thực tế, Thorleifsson mắc chứng loạn dưỡng cơ và nổi tiếng ở Iceland vì những hoạt động với người khuyết tật. Ông gia nhập Twitter sau khi công ty của mình bị Twitter mua lại. Sau khi nhận ra sự việc, Musk đã phải xin lỗi.

Thói quen ngủ khác lạ của Musk cũng là điều ông thường nhắc đến như một trong những thách thức trong công việc. Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal tại nhà máy của Tesla ở bang California (Mỹ) năm 2018, Musk chỉ vào chiếc gối bên cạnh và cho biết ông thường ngủ dưới gầm bàn.

“Tôi đã không rời nhà máy trong ba ngày”, ông nói. “Nếu trông tôi hơi thiếu gọn gàng, đó là lời giải thích”. Trong thời gian đó, ông thậm chí từng trả lời phỏng vấn New York Times vào lúc 3h sáng để nói về những nỗ lực của mình.

“Nguyên nhân tôi nằm trên sàn không phải do tôi không thể đi sang bên kia đường và vào khách sạn, mà bởi vì tôi muốn hoàn cảnh của mình tệ hơn bất cứ ai khác trong công ty. Mỗi khi họ thấy khó chịu, tôi muốn bản thân mình còn tệ hơn”, ông giải thích với Bloomberg sau đó.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/kho-nhuc-ke-cua-ty-phu-elon-musk-post1437229.html

Elon Musk


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.