Kỳ lạ bé trai 5 tuổi chỉ nặng 3kg ở Quảng Ngãi

Tròn 5 tuổi, song bé Đinh Văn K'Rể (ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ cao 50cm, nặng 3kg nên dân làng thường gọi là "Cậu bé tí hon".

Tròn 5 tuổi, song bé Đinh Văn K'Rể (ở xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) chỉ cao 50cm, nặng 3kg nên dân làng thường gọi là "Cậu bé tí hon".

Anh Đinh Văn An (cha của K'Rể) kể, do nhà cách xa trung tâm xã Sơn Ba nên hai con trai anh lần lượt chào đời ở nhà bà mụ trong thôn Gò Da. "Đứa đầu sinh ra cao lớn bình thường, đến nay đã 7 tuổi. Đứa thứ hai lúc ra đời bé hơn gang tay, đến nay 5 tuổi chỉ nặng 3kg, cao 50cm, cả ngày chỉ ăn được vài muỗng cơm", anh An kể.

Anh Đinh Văn An ôm con trai tí hon đi trong làng Gò Da, xã Sơn Ba. Ảnh: Trí Tín.
Anh Đinh Văn An ôm con trai tí hon đi trong làng Gò Da, xã Sơn Ba. Ảnh: Trí Tín

Do cơ thể tí hon nên hàng ngày bé K'Rể thường nằm trong địu vải của cha lúc lên nương rẫy hoặc dạo chơi khắp bản. Bé chưa biết nói, chỉ khóc, cười, đi chập chững vài bước là trượt ngã. "Ban đầu dân làng thấy con mình ai cũng tránh xa, giờ thì quen rồi, thương nó nhiều lắm", chị Đinh Thị Pia (mẹ K'Rể) bộc bạch.

Bé K'Rể quanh quẩn bên đôi chân của cha mình. Ảnh: Trí Tín.
Bé K'Rể quanh quẩn bên đôi chân của cha mình. Ảnh: Trí Tín

Theo các bác sĩ chuyên khoa Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, thông thường trẻ em khi đến 5 tuổi cao trung bình 110cm, nặng khoảng 18kg. Qua thăm khám cho bé K'Rể, các bác sĩ chuyên khoa Nhi ở các bệnh viện khu vực miền Trung nhận định, nhiều khả năng bé sinh ra bị rối loạn nội tiết, thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp trạng bẩm sinh...

Dù đã tròn 5 tuổi nhưng bé K'Rể chỉ cao 50 cm, nặng khoảng 3 kg. Ảnh: Trí Tín.
Dù đã tròn 5 tuổi, nhưng bé K'Rể chỉ cao 50cm, nặng khoảng 3kg. Ảnh: Trí Tín

Các chuyên gia y tế cho biết, tỉ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính 1/4.000-1/10.000 trẻ sinh sống. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em. Dấu hiệu thiếu hoóc môn tăng trưởng là trẻ phát triển chiều cao ít hơn 4 cm một năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì. Trẻ cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trước tuổi dậy thì mới có thể mang lại hiệu quả.

Bệnh suy giáp trạng bẩm sinh là bệnh nội tiết khi tuyến giáp trạng của trẻ sơ sinh không sản xuất đủ hormone đáp ứng nhu cầu chuyển hoá và quá trình sinh trưởng của cơ thể. Nguyên nhân có thể là tuyến giáp trạng phát triển bất thường, một lỗi bẩm sinh trong chuyển hoá giáp trạng, hay thiếu iốt.

Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Dũng, Chủ tịch xã Sơn Ba cho biết, nhiều lần chính quyền tạo điều kiện đưa cháu đi khám ở các cơ sở y tế nhưng gia đình nghĩ con mình quá bé nhỏ là do ảnh hưởng chất độc da cam nên để vậy đến nay. Trước hoàn cảnh đáng thương của cháu bé, xã đã kiến nghị huyện xem xét hỗ trợ nhằm giúp đỡ gia đình anh An vơi bớt khó khăn.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.