Nghiêm cấm giáo viên dọa nạt, quát mắng trẻ: Không nên cấm "suông"

Trong "Hướng dẫn nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo" mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành có một điểm được dư luận đồng tình là cấm giáo viên (GV) dọa nạt, quát mắng học sinh. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là: Ai sẽ là người giám sát và giám sát như thế nào?

>> Bộ GD - ĐT cấm giáo viên quát mắng trẻ em

Giáo viên lo...

Đây không phải lần đầu bộ GD-ĐT ra lệnh "cấm" này, mà "lệnh cấm" đã có từ cuối năm 2007, sau nhiều vụ bạo hành học đường gây phẫn nộ trong dư luận. Hướng dẫn này nhấn mạnh thêm biện pháp "quản" GV, khiến nhiều phụ huynh như trút được gánh nặng, nhưng lại đẩy sự thấp thỏm lo lắng về phía GV.

Chị Nguyễn Thị Lan - GV mầm non xã An Đồng (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: "Không thể coi quát mắng, dọa nạt trò nhỏ là một phương pháp, nhưng trong một số trường hợp, nó lại có những hiệu quả giáo dục nhất định. Theo tôi, thay đổi phương pháp cần có quá trình lâu dài và sự kết hợp từ hai phía là gia đình và nhà trường". Cô giáo Lê Thu Hiền - GV Trường Tiểu học Ninh Giang (Hải Dương) thì bày tỏ: "Tất nhiên, không có GV nào thắc mắc về quy định của Bộ, nhưng thực tế trong khi đứng lớp, GV cần có một công cụ để giữ trật tự. Nếu như một cây thước kẻ, một lời nói có tính chất nghiêm cấm trẻ làm những điều không tốt cũng bị quy vào hành động dọa nạt thì thật làm khó cho các cô".

Trẻ mầm non chưa ý thức được việc bị quát mắng, thậm chí đánh đập (Ảnh Thái Bình)

Cô Đặng Thị Bích Nga - GV Trường Mầm non Hương Sen quận Gò Vấp (TP. HCM) cho rằng, quy định của Bộ GD-ĐT rất mông lung, nhưng nếu không có quy định này thì GV dễ có thể nặng tay với học sinh. Một số GV khác cho rằng, quy định của Bộ GD-ĐT nếu không nói rõ sẽ khiến cha mẹ học sinh "vin vào đó để bắt bẻ cô giáo".

Cần nâng cao nghiệp vụ sư phạm

Chị Bùi Thị Minh, mẹ của 2 trẻ học lớp mẫu giáo lớn và lớp 3 ở xã Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Đến lớp đón con sớm, tôi cũng thấy các cô đập thước ầm ầm xuống bàn để giữ trật tự. Thực sự là mình cũng khó nói, nếu cô dùng cái thước đó để giữ trật tự, nhưng ai mà biết được cô không dùng cái thước ấy để đánh trẻ?".

Chị Nguyễn Thị Yến - phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Yên Thế (Bắc Giang) tâm sự: "Quy định này giúp chúng tôi yên tâm hơn khi gửi con em mình đến các trường mầm non. Nhưng ai sẽ giám sát các cô thực hiện quy định này? Các cháu mầm non, thậm chí tiểu học cũng vẫn còn rất nhỏ, chưa có ý thức về việc tố cáo hành vi không đúng của GV".

Nhiều phụ huynh khác thì cho rằng, ngành GD quá "thiên về chữ nghĩa". Việc cấm GV dọa nạt, quát mắng trẻ là đúng, nhưng hệ thống GV ở VN, nhất là GV mầm non rất yếu về tâm lý sư phạm. Khi đứng lớp, ngoài việc quát tháo trẻ thì nhiều GV không còn biện pháp nào khác để giữ trật tự, và sâu xa hơn nữa là phương pháp giáo dục trẻ càng lúng túng. "Tôi thấy rất ít khi GV trò chuyện, hỏi han các cháu, mà chỉ thấy cô nói giọng kẻ cả, dạy dỗ, thậm chí dọa cháu về điểm số, về hạnh kiểm... Như vậy thì trẻ sẽ không cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương. Tôi nghĩ nên có phương pháp để giáo viên yêu nghề, yêu trò, lúc đó không cần lệnh cấm thì GV cũng không ứng xử như vậy" - chị Vũ Thị Hải Anh, có con đang học tại Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nói.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Thu Hà - PGĐ Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng: "Cần đặt công tác nâng cao nghiệp vụ sư phạm và đạo đức nghề nghiệp cho nhà giáo. GV cần yêu trẻ như con, có nghiệp vụ tốt mới có khả năng đứng lớp bằng cả cái tài và cái tâm mà không cần đến dọa nạt, quát mắng...".

Quy định của Bộ GD-ĐT là đúng đắn và tất cả các hành vi dọa nạt, quát mắng hay thiếu trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ đều bị cấm. Quy định này đã phổ biến đến các GV. Bên cạnh đó, các phụ huynh và học sinh cũng sẽ là một kênh giám sát để các GV thực hiện nghiêm túc quy định của bộ GD-ĐT.

Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM

Theo Nguyễn Thiêm - Võ Đức Phúc - Hồng Phúc



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.