Nguyên nhân nhiều người nhận lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng

BHXH Việt Nam cho hay, bên cạnh những trường hợp có lương hưu cao 20-30 triệu đồng/tháng, thậm chí có người còn hưởng mức gần 125 triệu đồng/tháng, vẫn còn nhiều người hưởng mức lương hưu thấp.

Mức đóng thấp, thời gian đóng ngắn

Theo BHXH Việt Nam, những người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg; cán bộ xã không chuyên trách; người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn mức đóng BHXH ở mức thấp nhất… có mức lương hưu thấp.

BHXH Việt Nam lý giải, mức lương hưu thấp nhất tập trung vào nhóm những người nông dân ở Nghệ An tham gia chương trình thí điểm đóng BHXH cho nông dân.

Nguyên nhân nhiều người nhận lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng-1
Người dân nghiên cứu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đến năm 2009, khi BHXH nông dân Nghệ An được chuyển đổi sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg, nhiều trường hợp tiếp tục tham gia "lưới" an sinh qua hình thức BHXH tự nguyện.

Khi nghỉ hưu, do có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hằng tháng thấp, có thời điểm chỉ là 10.000 đồng/tháng, nên các trường hợp này có mức lương hưu thấp.

Ngoài ra, cán bộ xã không chuyên trách cũng thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng BHXH chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn.

Đồng thời, theo quy định khi nghỉ hưu, nếu trường hợp không có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc (không bao gồm thời gian đóng BHXH theo diện người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn), có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở.

Năm 2021, mức lương hưu bình quân của nhóm cán bộ xã không chuyên trách là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.

Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH (do người tham gia lựa chọn) thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Trong thực tế, BHXH Việt Nam cho biết, phần lớn người dân lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực. Trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng để đóng BHXH tự nguyện.

Thực tế, đại đa số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng BHXH đến khi đủ 20 năm để đủ điều kiện về thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu. Do mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH ngắn nên mức bình quân của nhóm này thấp.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động đóng BHXH bắt buộc do còn thiếu thời gian đóng BHXH để có lương hưu đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp, vì vậy mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp theo.

Doanh nghiệp "lách luật", lao động... thiệt thân

Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, nhiều doanh nghiệp "lách luật" thực hiện đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động.

Nguyên nhân nhiều người nhận lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng-2
Mức đóng BHXH cao, thời gian tham gia dài sẽ có lương hưu cao (Ảnh minh họa: BHXH).

Tại một số đơn vị, thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động luôn ở mức thấp nhất, dẫn đến mức lương hưu bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị N. (sinh năm 1962) có thời gian tham gia BHXH là 20 năm 3 tháng, tỷ lệ hưởng lương hưu là 61%. Tuy nhiên, bà N. có đến 2/3 thời gian quá trình tham gia BHXH với mức tiền lương thấp. Cụ thể, có nhiều năm, mức tiền lương đóng BHXH của bà N. chỉ từ 300.000-400.000 đồng/tháng...

Khi nghỉ hưu vào tháng 5/2017, bà N. có mức lương là 1.074.586 đồng. Trải qua lần điều chỉnh lương hưu, đến tháng 6/2023, số tiền hưu mà bà N. nhận được tăng lên là 1.600.300 đồng.

Qua thực trạng trên cho thấy, mặc dù tỷ lệ % lương hưu khá cao nhưng do mức đóng thấp; thời gian đóng BHXH ngắn, tình trạng người lao động nghỉ hưu trước tuổi nhiều... dẫn đến mức hưởng bình quân hiện nay của nhiều người lao động còn thấp.

Hiện nay, Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) lao động của doanh nghiệp có tính chất thường xuyên, ổn định, như: hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà… pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH.

Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.

Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Ngoài ra, cần nghiên cứu để hài hòa 3 loại thu nhập của lao động và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập của họ làm căn cứ đóng BHXH. Từ đó, sẽ tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của lao động để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả, tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho họ khi nghỉ hưu.

Theo dantri.com.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/an-sinh/nguyen-nhan-nhieu-nguoi-nhan-luong-huu-chi-hon-1-trieu-dongthang-20230630162042134.htm

lương hưu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.