Nhân rộng điều kỳ diệu mang tên Nick Vujicic

Hàng triệu khán giả Việt Nam đã theo dõi truyền hình trực tiếp buổi giao lưu đầu tiên của người không tay, không chân Nick Vujicic, để được truyền cảm hứng từ anh. Và chắc chắn cũng hàng triệu trái tim rung lên khi nhìn hình ảnh 24 tấm gương người khuyết tật Việt Nam được tôn vinh về ý chí và nghị lực trong chương trình giao lưu với Nick.

Hàng triệu khán giả Việt Nam đã theo dõi truyền hình trực tiếp buổi giao lưu đầu tiên của người không tay, không chân Nick Vujicic, để được truyền cảm hứng từ anh. Và chắc chắn cũng hàng triệu trái tim rung lên khi nhìn hình ảnh 24 tấm gương người khuyết tật Việt Nam được tôn vinh về ý chí và nghị lực trong chương trình giao lưu với Nick.

Có những người nằm trên xe lăn không đủ sức nâng chiếc cúp tôn vinh, có những người khiếm thị phải nhận biết chiếc cúp bằng sự nhạy cảm ở ngón tay. Cả Nick “thật”, và những  “Nick Việt Nam”, đều là một thông điệp nhắc nhở, thúc giục cho xã hội và cộng đồng.

Thổi bùng ngọn lửa nghị lực sống

Đón Nick ở sân bay Tân Sơn Nhất  chiều 22.5 không phải là rừng hoa, biển người hay băng rôn rầm rộ như thường thấy ở các cuộc tiếp đón các diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc. Dòng người lác đác lặng lẽ chờ đợi vài tiếng đồng hồ, cũng  không kịp thấy anh mệt mỏi lên thẳng xe ôtô về khách sạn.  Thế nhưng, anh là niềm hy vọng và điều kỳ diệu của cả thế giới.

Nhìn hình ảnh Nick ngồi thừ trên chiếc ghế sofa sau chuyến bay dài ở phòng VIP sân bay, ít ai nghĩ rằng sau đó vài giờ, Nick sẽ có mặt tại buổi giao lưu với các  gương nghị lực VN tại TP.Hồ Chí Minh.
“Vẻ đẹp của bạn ở ngay vẻ ngoài vốn có. Điều chúng ta cần là lòng yêu thương, yêu thương bản thân mình  và yêu thương mọi người. Tôi muốn nói rằng giá trị của các bạn  không  nằm ở  những gì chúng ta  đã làm  hay không làm được. Các bạn có thấy có cái cây nào trên trái đất hoàn hảo không? Có loài cỏ nào trên trái đất hoàn hảo? Mỗi loài cây và cỏ đều đã có sự đặc biệt của chúng” - Nick tự giới thiệu về mình như vậy trong buổi giao lưu “Chào Việt Nam” tại TPHCM tối 22.5.

Với Nick, có hai cách lựa chọn để sống: Một là trút giận vì những điều mình chưa có, hai là biết ơn những điều mình đang có. Và anh luôn chọn lòng biết ơn với cuộc đời, với gia đình, với mọi người xung quanh. Nhiều người nghĩ, anh đến từ Australia - một đất nước phát triển - thì những người khuyết tật (NKT) như anh hẳn có chính phủ lo rồi, nhưng không phải. Người Australia cũng phải tự giúp nhau. Vì thế, Nick khuyên người VN hãy hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau để tạo ra sức mạnh đoàn kết, bởi ai cũng muốn mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Câu chuyện của Nick khiến nhiều người phải bừng tỉnh khỏi giấc mộng vật chất, quyền lực, với câu hỏi, cuộc đời mình nên dành cho điều gì, dù lớn lao hay bé nhỏ, để không bị khuyết tật  trong tâm hồn?

Và những “anh hùng thầm lặng”

So với Nick huyền thoại, thì những “Nick” của Việt Nam không hề được nhiều người biết đến, họ là những “anh hùng thầm lặng” trong đời thường, nhưng cũng đã kịp làm nên nhiều kỳ tích cho cộng đồng. Mẫu số chung của họ chính là vượt qua thử thách của số phận, không hề than thân đau khổ, mà  tìm cách “tạo phép màu cho người khác”.

Giây phút gặp gỡ xúc động giữa Nick Vujicic và dịch giả Bích Lan. Ảnh: vũ thịnh

Câu chuyện của những “Nick” Việt đã làm xúc động nhiều người. Nguyễn Thị Thu Thương mắc căn bệnh xương giòn dễ gẫy bẩm sinh, chỉ có thể nằm và vận động bằng cách lăn mình. Thế nhưng, cô gái có thân hình bé nhỏ này không chịu sống lay lắt mà học được nghề làm các sản phẩm thủ công, tự nuôi sống mình, rồi thành lập nên trung tâm đồ thủ công mỹ nghệ  dành cho những NKT, và giờ cô giúp cho 20 công nhân là NKT ở nhiều tỉnh có việc làm, lạc quan trong cuộc sống.

Một tấm gương khác là “hiệp sĩ mù” Đặng Hoài Phúc - người mở TT tin học Sao Mai dành cho người khiếm thị, để họ có thể bước vào thế giới máy tính như tìm thấy ánh sáng của đời mình. Cho đến nay, hầu hết những người mù đều có thể sử dụng phần mềm, bộ đọc tiếng Việt của anh để thụ hưởng các tiện ích trên mạng.

Cũng là một “hiệp sĩ” công nghệ thông tin, nhưng cuộc đời ngắn ngủi  của Nguyễn Công Hùng - một trong những tấm gương được vinh danh trong đêm giao lưu đã để lại niềm tiếc thương và mến phục trong cộng đồng. Ngoài TT tin học nhân đạo, anh còn thành lập TT Nghị lực sống, xây dựng các chương trình vì cộng đồng. Tin anh ra đi trong một chuyến đi ở miền Tây đầu năm nay khiến nhiều người đau xót bởi vì từ lâu, Nguyễn Công Hùng đã trở thành biểu tượng của một tấm gương của ý chí. “Trên cơ thể mình chỉ có cái đầu hoạt động và con tim đập nhẹ, một bàn tay mấp máy nhấp chuột, còn dường như mọi thứ đã chết, nhưng chỉ cần như vậy thôi thì cuộc sống vẫn là điều tươi đẹp” - Nguyễn Công Hùng từng chia sẻ về cuộc sống như thế.

Giúp mình, giúp người chưa đủ, nhiều gương ý chí Việt đã tự thử thách mình, vượt qua những rào cản mà ngay cả người bình thường lành lặn cũng còn chưa làm được. Nguyễn Sơn Lâm hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đào tạo Tỏa sáng, một diễn giả chuyên nghiệp và là chuyên gia trong lĩnh vực truyền động lực và khai phá tiềm năng con người. Thành tích của anh khá đáng nể: Tốt nghiệp cả 2 trường đại học với thứ hạng cao, say mê bóng đá, văn chương, chưa hết, Lâm là người đầu tiên chinh phục đỉnh Fanxiphan bằng nạng gỗ. Anh chia sẻ: “Tôi không bao giờ nhìn vào những khó khăn của mình mà học cách đối mặt với nó”.

Còn rất nhiều “Nick” VN khác nữa tự truyền cảm hứng sống cho mình và cho những người có hoàn cảnh bất hạnh khác. Điều kỳ diệu của Nick không dừng lại ở một quốc gia nào, và có thể nhân rộng ra thành những đốm lửa nhỏ của tình yêu thương. Và câu chuyện của Nick thật, hay Nick Việt, cũng đều là sự nhắc nhở rằng, NKT rất cần sự chia sẻ, chung tay của xã hội. Không phải những chính sách cho NKT ở Việt Nam không có, vấn đề là thực hiện chính sách đó như thế nào, thái độ của xã hội, cộng đồng thế nào, để NKT không thấy mình đơn độc.

Theo Lao động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.