Tranh cãi việc thí điểm đưa người nhậu say về nhà miễn phí

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Công an quận Hoàng Mai thí điểm việc ‘miễn phí đưa người nhậu say về nhà’ là việc làm nhân văn, cần nhân rộng nhưng cũng có không ít ý kiến nhận xét, làm như vậy sẽ cổ xúy cho những người thích ăn nhậu.

Những ngày gần đây, lực lượng chức năng của quận Hoàng Mai xuống từng quán bia, rượu, karaoke tuyên truyền về tác hại bia, rượu bằng hình thức phát tờ rơi, khẩu hiệu.

Bên cạnh đó, chính quyền quận Hoàng Mai còn vận động các quán bia, rượu thành lập tổ xe ôm đưa người quá chén về nhà. Thành viên tổ này chủ yếu là nhân viên nhà hàng hoặc kết hợp với hãng xe công nghệ luôn sẵn sàng đưa khách háng có biểu hiện say rượu, bia về nhà an toàn.

Công an quận Hoàng Mai cho biết, để mô hình trên đạt hiệu quả cao, không hình thức, đơn vị này đã duy trì nhiều tổ công tác phối hợp cùng công an các phường thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc.

Đến nay, lực lượng chức năng trên địa bàn quận Hoàng Mai đã dán tờ rơi và thành lập tổ xe ôm miễn phí đưa người say về tại 160 quán nhậu, trên địa bàn 14 phường.

Tranh cãi việc thí điểm đưa người nhậu say về nhà miễn phí-1
Lực lượng công an đến từng bàn nhậu tuyên truyền tác hại của rượu bia (Ảnh: Tuấn Anh).

Chia sẻ trên VietNamNet, bạn đọc Đỗ Văn Khoa cho rằng, uống bia rượu là một trong những thú vui khó bỏ của nhiều người. Tuy vậy, do chủ quan và nhiều nguyên nhân khác những người đã uống bia, rượu bia vẫn lái xe và gây ra nhiều tai nạn thương tâm.

Do vậy, anh Đỗ Văn Khoa, hoan nghênh việc làm đầy tính nhân văn của Công an quận Hoàng Mai. “Việc làm của Công an quận Hoàng Mai cần được khích lệ và cần có những biện pháp chặt chẽ hơn để thu được kết quả tốt”, anh Đỗ Văn Khoa nêu.

Còn bạn đọc Thanh Huy cho rằng, để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông do rượu, bia, lẽ ra các cơ quan của TP Hà Nội phải đề nghị các quán nhậu triển khai việc này từ lâu rồi. Bởi theo anh Thanh Huy, các quán nhậu thu lợi từ người vào ăn uống, nên phải có trách nhiệm chi một phần lợi nhuận lập tổ xe ôm đưa người say về.

Theo anh Nguyễn Quang Mỹ, mô hình đưa người nhậu say về nhà là tốt nhưng phải tính phí. “Nếu miễn phí sẽ làm cho một số người dựa dẫm và tạo thói quen xấu”, anh Nguyễn Quang Mỹ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo bạn đọc Đỗ Quang, mô hình đưa người nhậu say về nghe có vẻ nhân văn, nhưng có thể nó sẽ gây ra hiệu ứng ngược. “Như vậy có khác gì như cổ xúy cho chuyện nhậu say? Cần phải xử phạt hành chính để văn hoá uống cũng cần đi vào đời sống!”, anh Đỗ Quang nêu băn khoăn.

Cùng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc làm trên có vẻ nhân văn nhưng không hợp lý. Theo chị Minh, nếu người nào đó nhậu say thì tốt nhất là gọi người nhà đến đón hoặc bắt buộc họ thuê phương tiện chở về nhà.

Còn anh Hùng Đỗ nêu quan điểm: “Làm như vậy khác nào bảo khách cứ nhậu tới bến, khắc có người đưa về. Chi bằng đưa vấn đề ăn nhậu và say xỉn vào văn hóa ứng xử, hương ước của thôn bản, xã phường, các quy định, quy chế của các cơ quan, tổ chức”.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, không nên làm mô hình 'đưa miễn phí người nhậu say về nhà’. “Làm như vậy là lãng phí tiền cho mấy người thích ăn nhậu. Theo tôi, tốt nhất là cứ để mấy người nhậu say vào một phòng, chờ họ tỉnh rồi cho về hoặc gọi điện cho người thân đến đón”, anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/tranh-cai-viec-thi-diem-dua-nguoi-nhau-say-ve-nha-mien-phi-2054257.html?fbclid=IwAR2pXjtoezHol7Eu-xlFDjnQYCtrlPIiKe5o1cbcCUJgB0X35fYobOF5pCo

say xỉn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.