"Vết nứt ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai có trước khi thông xe"

"Đường nứt không chỉ có ở Việt Nam. Chúng ta không vội xem đó là vô trách nhiệm, hời hợt hay tiêu cực mà cần đợi kết luận", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói.

"Đường nứt không chỉ có ở Việt Nam. Chúng ta không vội xem đó là vô trách nhiệm, hời hợt hay tiêu cực mà cần đợi kết luận", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói.

Chiều 30/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ trả lời những vấn đề nóng được báo giới đưa ra. Trước câu hỏi "Có thoả đáng hay không khi Bộ Giao thông Vận tải đưa ra nguyên nhân gây vết nứt ở cao tốc Nội Bài – Lào Cai là do nền đất yếu?", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, vết nứt trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được phát hiện trước khi thông xe.

Theo ông Nên, hiện nhà thầu chịu trách nhiệm chính đang ráo riết xử lý vết nứt để chống thấm nước và xử lý lún bằng bù phụ mặt đường. Cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải đang thẩm định, kiểm tra lại, xem xét tìm nguyên nhân, lúc đó mới có kết luận chính xác.

"Đường nứt không chỉ có ở Việt Nam. Chúng ta nên nhìn nhận lại, không nên xem đó là vô trách nhiệm, hời hợt hay tiêu cực ngay mà cần đợi kết luận mới phán xét", ông Nên nói.

Vết nứt chạy dài hơn 70 m trên mặt đường cao tốc. Ảnh: Đoàn Loan

 
Trước đó vài ngày sau khi thông xe, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xuất hiện một số vết rạn nứt kéo dài hơn chục mét, chạy dọc theo cao tốc tại km83 đoạn từ Yên Bái về Phú Thọ.

Thông tin với báo chí sáng 24/9, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết, đây là điểm nằm trong đoạn tuyến có nền đất yếu, đã được tiên lượng trước và lắp dựng biển theo dõi đất yếu tại km82+500 đến km83+500. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam thực hiện. Quá trình thi công, nhà thầu đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu.

Một số vấn đề xã hội quan tâm cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và các thành viên Chính phủ giải đáp. Bình luận về động thái Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, việc này nếu xảy ra sẽ là động thái tích cực trong thực hiện mối quan hệ bình thường với Việt Nam. Việt Nam - Mỹ đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện, nên việc gỡ bỏ lệnh cấm vận nếu xảy ra là thể hiện sự tin cậy và hướng tới sự bình thường, toàn diện hơn trong quan hệ hai nước.

Thực tế, Việt Nam đang sử dụng một số vũ khí có xuất xứ từ Mỹ. Việc mua sắm, tu bổ, sửa chữa là nhu cầu có thật. Việc gỡ bỏ lệnh cấm, theo ông Nên, sẽ góp phần thuận lợi hơn cho Việt Nam trong thực hiện kế hoạch quốc phòng, an ninh.

Trước băn khoăn Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa dự kiến đấu thầu bản thảo cho các nhà xuất bản có thể làm tăng giá sách, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đây là vấn đề đang thảo luận chứ chưa kết luận. Hơn nữa, Nhà nước đã và đang có những chính sách hỗ trợ sách vở, lương thực, kinh phí học tập cho học sinh gặp khó khăn. Trong những năm qua không có tình trạng thiếu sách giáo khoa cho học sinh và sách giáo khoa vẫn đang là danh mục được duyệt giá của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, những ngày qua Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội đã làm việc với Bộ GD&ĐT. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang phải bàn bạc, lấy ý kiến nhiều lần để hoàn thiện. Tại phiên họp Chính phủ lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục tập hợp thông tin, các đề xuất, chọn phương án phù hợp nhất. Những việc Chính phủ thấy quá tầm sẽ báo cáo Quốc hội theo tinh thần đổi mới, tiếp tục cải cách.

Về chỉ số năng suất lao động Việt Nam theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore 15 lần; Nhật Bản 11 lần; Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan), ông Nên cho biết đây là câu chuyện được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến rất nhiều lần tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014 diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9.

Thủ tướng đã đặt câu hỏi: "Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Thực tế có phải như vậy không?".

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, năng suất lao động của một quốc gia được ILO tính theo công thức lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc. Như vậy, năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp.

Thứ trưởng Diệp cho hay, người Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thì năng suất không thua gì so với lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông thừa nhận với mức đầu tư theo chiều rộng như hiện nay thì năng suất lao động như đã thống kê là khá chính xác. Việc tái cơ cấu nền kinh tế hy vọng sẽ tạo được sự đổi mới.
 
Theo H.Thùy (VnExpress.net)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.