Xác tín chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Không chỉ các tài liệu của Việt Nam mà ngay cả nhiều tài liệu của phương Tây cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, như nhật ký trên tàu Amphitrite năm 1701, sách của Chaigneau...

Không chỉ các tài liệu của Việt Nam mà ngay cả nhiều tài liệu của phương Tây cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, như nhật ký trên tàu Amphitrite năm 1701, sách của Chaigneau...

“Các bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi. Lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam”. Đó là phát biểu của PGS-TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Khía cạnh lịch sử và pháp lý”, do trường này tổ chức ngày 27-4, ở TP Quảng Ngãi. Hội thảo thu hút 50 đại biểu là các học giả quốc tế, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới.
 

Các đại biểu thảo luận bên lề hội thảo

Trung Quốc tảng lờ

Tại hội thảo, các đại biểu  phân tích các khía cạnh của luật pháp quốc tế liên quan đến thụ đắc lãnh thổ và đi đến kết luận: Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là vi phạm luật pháp quốc tế.
 
Những công dân nhí vui chơi dưới cột mốc chủ quyền ở xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa - Khánh Hòa Ảnh: PHAN ANH

GS-TS Tạ Văn Tài, luật sư ở bang Massachusetts - Mỹ, cho rằng chủ quyền đất đai trên các đảo và đá tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố và thực thi với sự chiếm hữu, quản lý trong quá khứ là đúng luật quốc tế truyền thống đã có mấy trăm năm.

GS Tài cho biết ông đã từng trực tiếp chất vấn nhiều đại diện, luật gia của Trung Quốc về các hành động xâm chiếm, về lòng tham tài nguyên của họ tại biển Đông nhưng hầu hết đều tảng lờ, không trả lời.

Đường lưỡi bò phi pháp

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và quốc tế đều khẳng định từ nhiều thế kỷ qua, ít nhất là từ thế kỷ XVII, Việt Nam đã xác lập, thực hiện chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đây còn là những vùng đất vô chủ.

Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu thư tịch cổ Trung Quốc, nhấn mạnh: Phân tích tổng quan nguồn sử liệu Trung Hoa liên quan đến biển Đông của Việt Nam đều cho thấy trong tổng số sách khoảng hơn 200 tựa, thuộc 5 nhóm có chứa các sử liệu nghiên cứu lịch sử biển Đông, đều ghi nhận cực Nam Trung Hoa tại huyện Nhai, tỉnh Hải Nam ngày nay. Ba bức địa đồ tiêu biểu, phụ lục trong sách Nhất thống chí cuối đời Thanh, mang tính chính thống, cũng cho thấy cực Nam Trung Hoa chỉ đến khoảng vĩ độ 18.30 phút.

Trong lịch sử từ đời Hán đến Thanh, các quân chủ đại diện cho nhà nước Trung Hoa chưa từng xác lập chủ quyền đối với vùng biển Nam Hải và xác định hải giới ở cực Nam đảo Quỳnh Châu. Hơn nữa, sử liệu Trung Hoa đã thừa nhận các quần đảo trên biển Đông xưa kia thuộc vùng biển Giao Chỉ hoặc Chiêm Thành” - ông Quân dẫn chứng.

 GS Tài cho biết không chỉ các tài liệu của Việt Nam mà ngay cả nhiều tài liệu của phương Tây cũng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Như nhật ký trên tàu Amphitrite năm 1701, sách của Chaigneau (1769-1825)... đều ghi  nhận vua Gia Long xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816.

Các đại biểu bày tỏ quan ngại hành động leo thang, gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông với các nước láng giềng đang tạo ra mối lo ngại chung cho cả cộng đồng quốc tế. Ông Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, cho rằng Trung Quốc đưa ra đường lưỡi bò là trái luật quốc tế, đưa ra nhưng không giải thích gì về tính hợp pháp.

Biển Đông - vấn đề quốc tế

Các đại biểu nhất trí cho rằng hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)...

 Ông Subhas Kapila, cố vấn các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) của Ấn Độ, cho rằng tranh chấp trên biển Đông không còn là giữa Trung Quốc và các nước ASEAN láng giềng mà còn với cộng đồng quốc tế, những nước có lợi ích ở biển Đông. Vì vậy, các nước ASEAN phải thể hiện sự đoàn kết khu vực để mang lại lợi ích chung cho toàn  cộng đồng.

Theo NLĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.