Nữ sinh đạt tổng kết 9,3 bị xếp loại trung bình có bất công?

Câu chuyện nữ sinh lớp 8 ở TP.HCM có điểm tổng kết cuối năm 9,3 vẫn bị xếp loại trung bình vì không đạt môn Thể dục thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Câu chuyện nữ sinh lớp 8 ở TP.HCM có điểm tổng kết cuối năm 9,3 vẫn bị xếp loại trung bình vì không đạt môn Thể dục thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.

Nhiều ý kiến nêu vấn đề liệu có bất công khi học sinh được nhận xét giỏi, ngoan bị xếp loại trung bình?

TS Nguyễn Thị Hảo - Phó trưởng khoa Quản lý Giáo dục, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM - cho biết cách đánh giá, xếp loại của nhà trường hoàn toàn đúng theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT.

"Theo điều 13, khoản 6, Thông tư 58, em này không đạt môn Thể dục, tức là chỉ ở mức yếu, nên kết quả xếp loại phải hạ xuống mức trung bình", TS Hảo giải thích thêm.

Thầy Dương Bình Trọng - Hiệu trưởng trường THCS Nhật Tân, Hà Nam - cũng khẳng định học sinh đạt điểm tổng kết 9,3 vẫn xếp loại học lực trung bình là đúng.

Thầy Trọng dẫn Thông tư 58 về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT và cho biết học sinh xếp loại học lực giỏi khi đạt các yêu cầu: Trung bình 2 môn Văn, Toán từ 8,0 trở lên, các môn còn lại điểm trung bình từ 6,5 trở lên. Các môn khác như Âm nhạc, Mỹ thuật phải ở mức đạt (Đ).

"Nữ sinh đạt tổng kết 9,3 bị hạ xuống hai bậc, xếp loại học lực trung bình là hoàn toàn đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT", thầy Trọng nói.

Nu sinh dat tong ket 9,3 bi xep loai trung binh co bat cong? hinh anh 1
Bảng điểm tổng kết 9,3 của nữ sinh có học lực trung bình. Ảnh chụp màn hình.

 Thể dục là môn quan trọng

Là môn học bắt buộc trong nhà trường nhưng Thể dục cùng Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn được coi là môn phụ. Số tiết học ít, môn Thể dục bị chính giáo viên và học sinh “ngó lơ”, không coi trọng. Tư tưởng môn phụ khiến các em có thái độ học tập không tốt, không cố gắng luyện tập.

Lê Trần Oanh (sinh viên ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) chia sẻ từ lúc học phổ thông nhiều bạn chỉ tập qua loa môn Thể dục rồi ngồi nói chuyện cho hết tiết. Giờ Âm nhạc, Mỹ thuật, nhiều bạn lấy bài tập môn khác ra làm.

Khi vào đại học, nhiều sinh viên “choáng" trước áp lực của môn Giáo dục thể chất. Không ít bạn ra trường không đúng hạn vì không qua môn này, chưa kể số tiền đóng học lại không nhỏ.

Lê Văn Khoa (cựu sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: “Lý do mình phải học lâu hơn thời hạn là không qua nổi môn Giáo dục thể chất, cứ thi là trượt, nộp tiền học lại nhiều lần”.

TS Nguyễn Thị Hảo cho rằng giáo dục trong nhà trường giúp các em phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Trong đó, vai trò của trí dục và thể dục như nhau, không nên xem nhẹ môn nào. Thầy cô vì muốn học sinh được xếp loại cao mà "vớt" cho các em là biểu hiện của căn bệnh thành tích.

Thể dục thể thao đúng cách giúp ích rất nhiều cho việc học văn hóa trên lớp. Nhưng lâu nay, cả thầy và trò đều làm ngược lại, ưu tiên các môn văn hóa.

Cũng theo TS Hảo, ở Việt Nam, điều kiện cơ sở vật chất để thầy và trò học tập rất khiêm tốn, nếu không muốn nói lạc hậu. Không được coi trọng dẫn đến không được đầu tư, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Các em muốn học nhiều môn thể thao tự chọn, phù hợp thể trạng của mình nhưng điều kiện sân bãi nghèo nàn, thiếu giáo viên...

Đã 'thấp còi' còn lười thể dục

Các nước trên thế giới rất coi trọng rèn luyện thể chất cho học sinh.Tại Pháp, tầm quan trọng của môn học này ngang với văn chương, khoa học. Giờ học thể dục ở trường có những trò chơi vận động thú vị.

Trẻ em, học sinh được khuyến khích luyện tập những môn thể thao yêu thích. Đến trung học, các bạn trẻ của Pháp được tập luyện từ 2 đến 3 môn thể thao. Lên đại học, dù không bắt buộc, phần lớn sinh viên đều đăng ký chơi thể thao giải trí hoặc chọn thể thao là môn học tự chọn.

Thể thao còn được xem là “chìa khóa vàng” mở cánh cửa của tương lai tại nhiều nước trên thế giới. Ở những nước xây dựng mô hình thể thao chuyên nghiệp ngay từ môi trường học đường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, những bạn trẻ giỏi thể thao thường có đường vào đại học thênh thang hơn: Được tuyển thẳng, miễn giảm học phí…

Trong khi đó, thể chất của người Việt vốn “thấp bé, nhẹ cân”, nhiều bạn trẻ lại coi việc rèn luyện thể dục, thể thao như “cưỡi ngựa xem hoa”.

Viện dinh dưỡng quốc gia từng cho biết người Việt Nam thấp nhất khu vực châu Á. Theo các chuyên gia, ngoài yếu tố khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng, một nguyên nhân cơ bản là do lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày.

Các chuyên gia cho rằng rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoài ra, hoạt động thể dục, thể thao còn giúp các em tự tin, giao tiếp tốt hơn.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.