Càng gần đến ngày diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không khí trên khắp cả nước càng rộn ràng. Nếu như ở đầu cầu TP.HCM là sự quan tâm dành cho hoạt động tổng hợp luyện diễu hành, các chương trình nghệ thuật kỷ niệm thì ở Hà Nội, dòng người lại hướng về Quảng trường Ba Đình để chụp những bộ ảnh thật đẹp chào đón ngày lễ quan trọng của đất nước. 

Người dậy từ 5h sáng, người vượt gần 100km đi chụp ảnh

Trong những ngày này, Quảng trường Ba Đình trở thành địa điểm được nhiều người trẻ quan tâm. Nhiều bạn nữ chọn trang phục là áo dài trắng, tay cầm nón lá, cờ Tổ quốc hoặc hoa loa kèn hòa cùng những nụ cười rạng rỡ tạo nên không khí náo nhiệt. 

image001.jpg
image002.jpg
Nhiều người mặc áo dài trắng và cầm cờ Tổ quốc đi chụp ảnh

Nhưng để có những khoảnh khắc chỉn chu và xinh đẹp nhất, ai nấy đều dành nhiều thời gian chuẩn bị. Có người dậy từ 5h sáng, có người trang điểm 4 tiếng và cũng có người vượt gần 100km lên Hà Nội để chụp ảnh. 

Phương Anh (sinh viên năm 3, ĐH Công nghiệp Hà Nội) dậy từ 5h sáng. Cô cho biết dù dậy sớm nhưng do quãng đường di chuyển dài, từ Nhổn (Hà Nội) và bị tắc đường nhẹ nên lúc cô có mặt tại Quảng trường Ba Đình thì mọi người đã tập trung đông và chụp ảnh rất nhiều. 

Về chuẩn bị, Phương Anh thuê áo dài hết 150k, tự trang điểm và nhờ bạn chụp ảnh nên không tốn tiền thuê phần này. Theo cô nàng, chụp ảnh trong tiết trời nóng bức thế này thì điều quan trọng nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, khóa nền chắc tay, tóc tai cố gắng gọn gàng nhất để không bị bay hoặc bết do mồ hôi. 

image003.jpg

Chia sẻ của các cô gái khi chụp ảnh ở Quảng trường Ba Đình những ngày này

Ngọc Mai (26 tuổi, quê Hưng Yên) cũng dậy từ 5h30 để chuẩn bị và có mặt tại Lăng Bác lúc 8h sáng. Đến khoảng 11h trưa, cô và người bạn đi cùng vẫn đang chụp ảnh ở đây. 

“Chụp hình chỉ là một phần thôi, còn lại mình muốn được tận hưởng cảm giác mọi người đều mang trên tay lá cờ Tổ quốc, cùng làm một điều gì đó giống nhau và rất đặc trưng của Việt Nam. Một bộ ảnh bình thường thi lúc nào mình cũng có thể chụp được, nhiều concept khác nhau nhưng dịp này thì chắc chắn sẽ rất hiếm có trong đời” - Ngọc Mai nói. 

anh 4.jpg
Ngọc Mai
Đôi bạn Huyền (21 tuổi, ĐH Thăng Long) và Uyên (21 tuổi, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, Nam Định) dậy từ 6h để trang điểm, làm tóc mất 4 tiếng đồng hồ và có mặt tại địa điểm chụp lúc 10h sáng. Trong đó Uyên còn đi từ Nam Định lên Hà Nội từ ngày hôm trước. 

Cặp đôi Long (quê Hải Dương) và Tố Quyên (đến từ Quảng Trị) có mặt tại Lăng Bác lúc 9h30. Tố Quyên cho biết mình chuẩn bị trang điểm từ 7h30 phút, đánh nền 30 phút để phòng tránh nắng nóng làm ảnh hưởng nhan sắc. 

Trong khi đó, áp lực của Long là chụp ảnh đẹp cho người yêu: “Mình cũng muốn có ảnh đẹp cho bạn gái nhưng trời nắng quá, không nhìn rõ đẹp hay không nên hy vọng có ảnh đẹp mang về”. 

anh 5.jpg
Long và Tố Quyên
Ngày thường không thích “đụng hàng”, ngày lễ lại tự hào khi ai cũng mặc áo dài

Nhưng điều thú vị nhất trong không khí chụp ảnh ở Quảng trường Ba Đình chính là sự tự hào của các “nàng thơ” với tà áo dài. Bình thường ai cũng ngại “đụng hàng”, không thích người khác mặc trang phục giống mình nhưng bây giờ thì… lạ lắm.

Phương Anh nói: “Nếu những lần chụp hình khác đi cà phê, đi chụp ảnh trên phố Phan Đình Phùng,... mà chẳng may bị trùng trang phục với ai đó thì mình cũng không vui lắm. Nhưng hôm nay thì ngược lại, cảm giác rất vui và tự hào. 

Áo dài truyền thống hay cờ Tổ quốc đều là hình ảnh rất đẹp, mình và các bạn chọn trang phục như vậy là đang hướng về Tổ quốc, hướng về những giá trị truyền thống. Điều này vô cùng tuyệt vời với chúng mình”.

Đây cũng là cảm giác của Huyền bởi chính bản thân cô cũng muốn có những khoảnh khắc ý nghĩa ở đây như bao người. Còn Uyên - người bạn của cô thì hơi bất ngờ nhẹ, không chỉ với không khí rộn ràng này mà còn với chính bản thân mình: “Thực ra con gái thường không thích ‘đụng hàng’ đâu nhưng đứng giữa không khí này, nhìn xung quanh mình lại thấy hạnh phúc. Cảm giác rất lạ, vừa vui vừa tự hào”.

anh 6.jpg
Uyên (trái) và Huyền (phải)
Cũng chọn áo dài trắng, nón lá, tay cầm cờ Tổ quốc, Ngọc Mai nói ngắn gọn nhưng cũng là điều mà nhiều người đang nghĩ đến trong những ngày này: “Mình cảm thấy thật tự hào vì là người Việt Nam!”.

Ngoài áo dài trắng, một số bạn trẻ lựa chọn trang phục ý nghĩa khác như áo Đoàn, quần áo người lính và khăn rằn. Bình (Hà Nội) là một trong số đó. 

Cô tâm sự: “Năm nào mình cũng chụp 2 - 3 bộ ảnh với áo dài rồi nên bây giờ muốn thay đổi một chút, chọn quần áo chiến sĩ. Tổng thể tiền thuê quần áo, mũ và khăn của mình chỉ 65k. 

Những bức ảnh sẽ giúp mình lưu giữ kỷ niệm trong các dịp lễ lớn thế này. Để sau này nhìn lại, mình có thể nhận ra: ‘À lúc đó mình cũng tham gia vào không khí đó, có những khoảnh khắc tuyệt vời đó’”

anh 7.jpg
Bình chọn quần áo chiến sĩ và khăn rằn
anh 8.jpg
Có người lại mặc áo Đoàn
image009.jpg
image010.jpg
image011.jpg
image012.jpg
Song áo dài vẫn là trang phục được nhiều người lựa chọn
image013.jpg
Chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Quảng trường Ba Đình gặp "chiến sĩ nhí"
image014.jpg
image015.jpg
Nhiều cặp đôi cũng hòa vào không khí chụp ảnh ở Lăng Bác
image016.jpg
image017.jpg
image018.jpg
Góc đường Độc Lập - Điện Biên Phủ cũng được nhiều người check-in
image019.jpg
Một số khoảnh khắc đặc biệt khác tại Quảng trường Ba Đình:

Theo Người đưa tin