Thời
tiết Sài Gòn đang vào mùa mưa, thế nên chẳng có gì là lạ khi các món ăn
nóng hổi như cháo lòng, đồ nướng, phá lấu lại được nhiều người ưa thích
đến vậy.
1. Cháo lòng, cháo huyết
Cháo
lòng hay cháo huyết, cháo mực… là món ăn vặt, ăn phụ rất phổ biến của
người Sài Gòn. Rất dễ bắt gặp những xe cháo lòng, cháo huyết đẩy rong ở
mọi ngóc ngách trong Sài Gòn với giá chỉ khoảng 10.000 đồng/ tô, nhưng
cũng có nhiều nơi, tô cháo lòng lên đến ba bốn chục nghìn là chuyện bình
thường.

Cháo
lòng muốn ngon nhất thiết phải ăn thật nóng. Hạt cháo được nấu nhừ,
phần gạo và nước cân bằng để cháo không lõng bõng nước, cũng không quá
đặc dễ làm người ăn bị no, nhanh ngán. Hạt gạo nấu cháo cũng phải rang
sơ qua cho thơm, bát cháo dọn ra bao giờ cũng phải có đầy đủ hành ngò,
hành phi, tiêu, đủ đầy màu sắc và thơm lừng. Sài Gòn hay mưa vào giờ
chiều, giờ tan tầm, lúc ấy nếu tá túc vào một hàng cháo nào đấy, vừa trú
mưa vừa húp tô cháo ngọt lịm, với lòng heo giòn sật quả thú không gì
bằng.

Nếu
muốn ăn cháo lòng ngon, bạn có thể ghé quán cháo 170B trên đường Võ Thị
Sáu, quận 3. Đây là quán cháo lâu năm và nổi tiếng đắt xắt ra miếng,
giá 40.000đồng/ tô, lòng heo sạch sẽ; Quán cháo lòng, cháo huyết ở hẻm
153 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 với gu cháo của quán là cháo
lỏng, ít gạo; Quán cháo có thâm niên gần 20 năm trên đường Trần Bình
Trọng, quận 5, giá 15.000 đồng/ tô (từ ngã tư Nguyễn Trãi – Trần Bình
Trọng rẽ vào 15m hước về đường An Dương Vương).
2. Phá lấu
Phá
lấu là món ăn vặt rất được ưa chuộng ở Sài Gòn, từ giới học sinh đến
nhân viên văn phòng, thậm chí một số người trung niên cũng thích nhâm
nhi phá lấu chiều tan tầm hay dùng phá lấu làm mồi nhắm lai rai. Phá lấu
Sài Gòn nhất thiết phải có “màu”. Cái màu của phá lấu là từ màu điều,
từ một chút bột ngũ vị hương, màu cam cam vàng vàng lấn hết cái màu lòng
bò tái nhợt khiến món ăn có sức hấp dẫn thị giác ngay từ cái liếc mắt.
Và phá lấu lòng bò nấu đúng gu miền Nam cũng nhất thiết phải có nước cốt
dừa, vị béo ngậy và thơm lừng dù đứng cách nồi phá lấu cả mét, khi húp
thìa nước thì vị mặn mòi lấn át hết, nhưng một tí sau thì cái ngọt hậu
của nước dừa bắt đầu lan tỏa.

Phá
lấu cũng là món ăn nhất thiết phải dùng nóng, nóng bốc khói, nóng phải
thổi phù phù kẻo bỏng lưỡi. Vắt vào chén phá lấu một quả tắc (quất) cho
nước dùng có chút chua thanh, bớt ngấy, lặt vào vài đọt rau răm cho
thơm, rồi bắt đầu bẻ rốp miếng bánh mì giòn, chấm vào nước dùng rồi
thưởng thức. Cái thú khi ăn phá lấu là việc được thưởng thức từng miếng
lòng bò giòn giòn, sần sật… chấm với nước mắm me chua chua pha ớt, dưới
trời chiều mưa rỉ rả. Quả thiết hiếm người Sài Gòn nào có thể cưỡng lại
sức hấp dẫn của món ăn này vào mùa mưa.

Địa
chỉ ăn phá lấu ngon: Khu cổng sau của trường THPT Marie Curie, quận 3
có đến 3,4 xe bán phá lấu với cả phá lấu bánh mì và mì gói phá lấu. Phá
lấu ở đây gu nấu ngọt, có hành phi và bán giá học sinh nên rất phải
chăng. Muốn ăn “cao cấp” hơn, có thể đến quán phá lấu Chú Ba trên đường
Dương Đình Nghệ, quận 11. Phần phá lấu ở đây bao giờ cũng đầy ắp, nấu
theo gu người Hoa nên có vị mặn nhiều hơn. Một phần ăn từ 15.000 đồng
trở lên.

3. Súp cua
Dù
mưa hay nắng, súp vẫn là món ăn vặt số một của người dân Sài Gòn, nhưng
món ăn này được dùng vào mùa mưa lại đặc biệt ngon hơn. Chiều mưa, nhìn
trời bắt đầu chuyển màu xám xịt, gió bắt đầu rít lên từng cơn lạnh
buốt, nhiều người chỉ mong có ly súp cua nóng nghi ngút khói rồi nhẩn
nha húp từng thìa cho ấm lòng. Súp cua ở Sài Gòn tiếng là “cua” nhưng
thường được nấu với rất nhiều thịt gà xé, với thịt càng ghẹ được xé
nhuyễn, giò, tiêu và thêm bột bắp hay bột năng cho thêm sánh.

Người
ăn súp cua quý nhất là cái trứng cút trong ly súp, trứng cút đơn giản
lắm, chỉ là cái trứng đã được luộc, xong bóc vỏ cho vào nấu cùng súp,
vậy thôi mà khi ăn cắn đôi cái trứng cút, cái độ nóng ngầm của nó làm ta
suýt bỏng lưỡi, cái bùi bùi dai dai của lòng trắng lòng đỏ, lại khiến
người ăn thích thú, mê mẩn, thòm thèm mỗi độ chiều về. Súp cua có thể
tìm mua ở khắp mọi nơi trong Sài Gòn. Có người bán súp trên xe máy, kê
một cái thùng chuyên dụng ở sau xe rồi chạy rong ruổi qua các ngõ hẻm
hay dừng trước cổng trường học.

Dĩ
nhiên súp cua cũng có “bình dân” và “sang chảnh”. Súp cua lề đường chỉ
từ khoảng 10.000 – 15.000 đồng/ ly, có bán ở bất kỳ bất kì cổng trường
cấp 2, cấp 3 nào vào giờ tan tầm. Còn nếu muốn ăn ngon, chất lượng, bạn
có thể đến hàng súp cua có thâm niên 20 năm trên đường Pasteur đoạn vừa
rẽ từ Nhà Thờ Đức Bà vào. Súp ở đây có hẳn một miếng chả cua to đùng, có
trứng bắc thảo, có thanh cua Nhật…. giá từ 20.000đ/chén rất chất lượng;
Súp cua Hạnh có rất nhiều chi nhánh như ở khắp Sài Gòn nổi tiếng với
lượng thịt cua trong chén rất đầy đặn. Một chén súp tại đây dao động từ
17.000 – 34.000 đồng/ tùy chén lớn nhỏ, súp thì ít nhưng thịt cua rất
nhiều; Quán súp Bông ngay góc đường Nguyễn Văn Thủ - Mạc Đĩnh Chi, quận
1, có giá tương đối bình dân, quán rất nhỏ nhưng nấu vị ngọt thanh,
nhiều lựa chọn cho khách dùng.
4. Đồ nướng
Không
phải tự dưng mà người dân Sài Gòn thích hẹn hò nhau đi ăn vặt, nhất là
vào mùa mưa thì cái thú ăn vặt lại càng quyến rũ. Ngồi nhâm nhi món này
món kia, nói chuyện phiếm, đó là một cách để mang lại niềm vui cho một
ngày bận rộn của người Sài Gòn. Người Sài Gòn nói “đi chơi” tức là phải
có “đi ăn”. Gần như món ăn vặt nào cũng có thể ăn nhanh, ăn tranh thủ
được, nhưng nếu ăn đồ nướng nhất định phải rề rà, từ tốn, nhai chậm để
mùi khói, vị cháy cạnh của món nướng lan tỏa trong khoang miệng, xoa dịu
cái lạnh ẩm ướt của ngày mưa rào.

Thú
vui của việc ăn đồ nướng mùa mưa, một phần nằm ở việc có bạn bè quây
quần bên bếp lửa tỏa khói, giành nhau chí chóe một miếng thịt bé tí cháy
cạnh, sự ấm cúng đó cũng đáng quý như bữa cơm gia đình vậy. Món nướng ở
miền Nam đặc biệt thích ướp thật thấm vị, ướp mặn mòi và phải có sả, có
tỏi băm, không nhiều cũng phải có ít. Một khi đã gọi là đồ nướng, xiên
nướng…thì gần như cái gì ít thịt mà dễ nhâm nhi, tỉ mỉ lẩy ra cái ngon
trong cái xương xẩu đều được đem đi nướng. Ví như chân gà nướng muối ớt –
một món ăn vặt rất đậm chất Sài Gòn, sụn gà nướng, ếch nướng, lòng heo
lòng gà nướng…

Đồ
nướng muốn ăn ngon có thể đến quán Hỏa ở đường Vĩnh Khánh quận 4, nổi
tiếng với món ếch nướng Campuchia, sụn gà nướng… giá từ 50.000đồng/
phần. Bình dân hơn có quán nướng 1/10 nằm trên đường Hoàng Diệu quận 4,
giá từ 40.000 đồng/ phần đầy thịt thà hơn, nên gọi món bạch tuộc nướng.
Nếu thích kiểu nướng sẵn, chỉ cần ăn thôi, thì quán xiên nướng nằm trong
hẻm 565 đường Nguyễn Trãi quận 5 là một lựa chọn bình dân với giá từ
30.000 đồng đủ loại từ cá viên cho đến phá lấu, thịt heo ướp…
Theo MASK