Tủ lạnh là công cụ bảo quản thực phẩm vô cùng tiện lợi, giúp kéo dài thời gian sử dụng và hạn chế vi khuẩn. Tuy nhiên, không ít người lầm tưởng rằng để mọi thứ trong tủ lạnh là có thể “an toàn tuyệt đối”. Sự thật là một số thực phẩm dù vốn giàu dinh dưỡng nhưng nếu để lâu trong tủ lạnh lại có thể biến chất, sản sinh độc tố, gây hại nghiêm trọng cho gan – cơ quan giải độc lớn nhất cơ thể. Thậm chí, một số còn được xem là “đồng lõa” với tế bào ung thư. Dưới đây là 4 thực phẩm cần đặc biệt chú ý.

1. Thủy hải sản bảo quản quá lâu

Thủy hải sản như tôm, cá, mực... vốn giàu đạm và các vi chất thiết yếu nhưng nếu để lâu trong tủ lạnh, đặc biệt là trong ngăn mát, sẽ bắt đầu phân hủy và sinh ra histamine - một hợp chất gây dị ứng và ngộ độc.

4 thực phẩm vốn giàu dinh dưỡng nhưng để lâu trong tủ lạnh hóa thành “thuốc độc” hại gan, “kẻ đồng lõa” của ung thư- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Histamine có thể gây các triệu chứng từ nhẹ như ngứa, buồn nôn, chóng mặt cho đến nghiêm trọng như rối loạn tim mạch, co giật và sốc phản vệ. Không chỉ vậy, histamine cũng gây kích ứng gan, làm gan phải hoạt động quá tải để lọc độc, lâu dài sẽ suy giảm chức năng gan. Với thủy hải sản sống, nên dùng trong vòng 1 - 2 ngày nếu để ở ngăn mát và không quá 1 tháng nếu cấp đông. Với thủy hải sản đã nấu chín, chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ, kể cả khi bảo quản ở ngăn mát.

2. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Sữa, sữa chua, phô mai... là nguồn cung cấp canxi và protein dồi dào, rất tốt cho xương và hệ tiêu hóa. Nhưng đây cũng là nhóm thực phẩm dễ hư hỏng nhất nếu bảo quản không đúng cách hoặc để quá lâu trong tủ lạnh. Ví dụ, sữa tươi sau khi mở nắp chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ. Sau thời gian này, dù được giữ lạnh, vi khuẩn và vi sinh vật vẫn có thể sinh sôi, phá hủy các dưỡng chất và sinh ra độc tố. Ngay cả khi chưa mở nắp, để quá nhiều ngày, nhất là quá hạn cũng không dùng được nữa.

Những độc chất này khi vào cơ thể sẽ khiến gan phải hoạt động quá tải để giải độc. Về lâu dài, gan có thể bị tổn thương, suy yếu và dễ mắc bệnh. Vì vậy, hãy luôn chú ý đến hạn sử dụng, tình trạng bề mặt và mùi vị của các sản phẩm sữa trước khi dùng, đặc biệt là vào mùa nóng.

3. Trái cây để lâu trong tủ lạnh

4 thực phẩm vốn giàu dinh dưỡng nhưng để lâu trong tủ lạnh hóa thành “thuốc độc” hại gan, “kẻ đồng lõa” của ung thư- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bảo quản trái cây trong tủ lạnh là thói quen phổ biến để giữ độ tươi. Tuy nhiên, nếu để quá lâu, trái cây sẽ bắt đầu phân hủy, lên men và sinh ra các chất độc như aflatoxin - một chất cực độc đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo là tác nhân gây ung thư gan.

Đáng chú ý, không phải cứ cắt bỏ phần dập nát là an toàn, vì aflatoxin có thể lan ra toàn bộ quả, không nhìn thấy bằng mắt thường. Gan khi phải liên tục xử lý chất độc này sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan, thậm chí ung thư. Vì vậy, trái cây nếu có dấu hiệu mềm nhũn, có mùi lạ hay chuyển màu thì nên bỏ ngay, tránh tiếc rẻ mà rước bệnh.

4. Rau xanh đã nấu chín

Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày nhờ hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất phong phú. Tuy nhiên, sau khi nấu chín, rau xanh nếu để trong tủ lạnh quá lâu sẽ rất dễ sinh ra nitrit – một chất cực kỳ độc hại. Nitrit khi xâm nhập vào cơ thể có thể gây thiếu oxy, chóng mặt, buồn nôn và đặc biệt gây tổn thương gan nếu tích tụ lâu ngày.

4 thực phẩm vốn giàu dinh dưỡng nhưng để lâu trong tủ lạnh hóa thành “thuốc độc” hại gan, “kẻ đồng lõa” của ung thư- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nguy hiểm hơn, nitrit có thể kết hợp với các axit amin trong dạ dày tạo thành nitrosamine - một chất có khả năng gây ung thư. Việc hâm lại rau nấu chín tưởng như vô hại nhưng thực tế không tiêu diệt được các chất độc này. Vì vậy, rau xanh đã nấu tốt nhất nên ăn hết trong ngày, tránh để qua đêm, kể cả khi đã bảo quản kỹ trong tủ lạnh.

Theo Người đưa tin