Chia sẻ về cách ôn thi, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Oanh - Giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, nhiều năm gần đây, thí sinh được mang Atlat vào phòng thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý. Theo quy chế áp dụng từ năm nay, thí sinh vào phòng thi không được mang Atlat Địa lý.

Đề thi tham khảo môn Địa lý năm nay có đổi mới về cấu trúc và định dạng câu hỏi. Bài thi gồm 3 phần: 

Phần I: Trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, gồm 18 câu: 4,5 điểm.

Phần II: Trắc nghiệm đúng/sai, gồm 4 câu, 16 lệnh hỏi: 4 điểm.

Phần III: Trắc nghiệm trả lời ngắn, gồm 6 câu: 1,5 điểm. 

Theo giáo viên, đề thi tham khảo môn Địa lý năm nay bao hàm kiến thức nhiều hơn (có kiến thức phần chuyên đề), vì thế, để đạt điểm mong muốn, học sinh cần có phương pháp học đúng, nhất là trong giai đoạn nước rút hiện nay.

Học bằng Atlat Địa lý, bản đồ, lược đồ ảo

Theo cô Nguyễn Thị Oanh, trong quá trình ôn luyện, thí sinh nên học từ Atlat Địa lý, bản đồ, lược đồ rồi ghi vào đầu (ảnh ảo) để hình dung vị trí, lãnh thổ của đất nước cũng như vị trí, giới hạn của các tỉnh, vùng, miền... từ đó hiểu được ý nghĩa của các đối tượng địa lý này, đồng thời tạo mối liên hệ giữa chúng. Đây cũng là một thách thức đối với học sinh.

Ảnh chụp Màn hình 2025 03 31 lúc 10.03.11.png
Không được mang Atlat vào phòng thi tốt nghiệp môn Địa lý, thí sinh cần có chiến thuật ôn thi để đạt điểm cao. Ảnh minh họa

Ngoài ra. học sinh cần ghi nhớ những số liệu quan trọng, như diện tích, dân số, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên, tỉ lệ dân đô thị của cả nước… và so sánh các chỉ số này giữa các vùng kinh tế.

Để làm tốt các lệnh hỏi về biểu đồ như “chọn biểu đồ thích hợp”, học sinh cần nắm và hiểu được từ khóa yêu cầu đề bài như cơ cấu, quy mô, tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ… và thời gian thể hiện để chọn biểu đồ đúng. Ví dụ, biểu đồ thích hợp nhất thể hiện tốc độ tăng trưởng lớn hơn hai năm chọn biểu đồ đường, nhỏ hơn ba năm chọn biểu đồ cột... Với lệnh hỏi “đặt tên đúng cho biểu đồ”, học sinh cần chú ý đến đơn vị trên biểu đồ, đơn vị là giá trị tuyệt đối thì biểu đồ đó thể hiện quy mô, giá trị…. (không chọn đáp án có từ cơ cấu và tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ...). 

Nắm chắc kỹ năng tính toán 

Học sinh phải có kỹ năng tính toán tốt để làm các câu hỏi phần III (trắc nghiệm tính nhanh). Nên đọc kỹ câu hỏi để hiểu đúng yêu cầu đề bài, nhớ công thức, áp dụng tính toán chính xác. Cần lưu ý yêu cầu về đơn vị và làm tròn kết quả. Nhiều em hay nhầm lẫn khi đổi đơn vị về diện tích và khối lượng.

Kỹ năng phân tích câu hỏi trắc nghiệm

Học sinh cần tích lũy kỹ năng phân tích câu hỏi trắc nghiệm. Năm nay, đề thi lần đầu xuất hiện câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai với một số dạng thường gặp về: Tư duy địa lý, bảng số liệu, biểu đồ... Trong đề tham khảo của Bộ GD-ĐT, phần II có 3 câu dạng tư duy địa lý, 1 câu trong các dạng còn lại.

Mỗi dạng câu hỏi, học sinh cần có các giải pháp xử lý khác nhau. Ví dụ, với dạng câu hỏi tư duy: Bước 1, đọc kĩ câu hỏi tìm từ khóa, nắm chính xác nội dung thông tin và nội dung hỏi (chú ý từ khóa liên quan). Bước 2, xác định nội dung kiến thức Địa lý liên quan, dựa vào thông tin trích dẫn, nội dung lệnh hỏi xác định chủ đề được đề cập. Bước 3 xác định tính đúng/sai của lệnh hỏi.

Phần câu hỏi này tối đa đạt 4/10 điểm và cũng dễ mất điểm nhất nên các em phải thận trọng. 

Lỗi sai hay mắc

Cô Oanh cũng chỉ ra một số lỗi sai thí sinh hay mắc trong quá trình làm bài khi không được mang Atlat vào phòng thi như: Nhầm lẫn về vị trí, sự phân bố các đối tượng địa lý, so sánh đặc điểm các vùng, miền; Hạn chế kiến thức về địa lý tự nhiên, kinh tế xã hội, biểu đồ, số liệu dẫn đến làm bài thi khó khăn...

Chiến thuật làm bài thi

Theo cô Oanh, khi nhận đề, học sinh không nên lập tức làm bài, cần nhìn xem đề thi có đủ số trang, có bị mờ không, các trang có cùng mã đề? Nếu có vấn đề, cần phán ánh với giám thị phòng thi ngay.

Sau đó, thí sinh đọc đề thi, theo định hướng đánh giá năng lực bản thân để cân nhắc nên chọn phần thi nào làm trước. Nếu chắc kỹ năng tính toán, các em nên làm phần III trước (câu hỏi trắc nghiệm tính nhanh) vì lúc này khá tỉnh táo, sẽ ít nhầm lẫn.

Với câu hỏi có tính vận dụng cao để phân loại học sinh giỏi, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức thực tế qua thời sự, sách báo và liên hệ thực tế. 

Ngoài phân bố thời gian hợp lý cho bài thi, trong quá trình làm bài, thí sinh cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để quay lại sau, tuyệt đối không bỏ trống đáp án.

Theo VietNamNet