Gia đình dung dưỡng, pháp luật lần khân, mềm yếu khiến kẻ cắp chẳng sợ mà còn tăng cấp độ, bởi ông bà đã dạy "ăn cắp quen tay".
Hàng xóm của tôi mới làm nhà xong. Nhà mới giữ nguyên vẻ cổ kính của nhà cũ, mặt ngoài chỉ có chấn song sắt uốn chứ không bịt kín. Hôm còn dang dở, cứ chiều về thợ xếp dụng cụ vô thùng, để ở sân trước, rồi khóa cổng đi về.
Một hôm chủ nhà than: "Bực chết đi được. Chắc phải gắn camera chỗ này quá chị ơi. Thợ của em mất biết bao nhiêu đồ nghề rồi. Tụi trộm vặt thò tay qua song ăn cắp quá chừng".
Hôm qua, một người bạn tôi mở quán ăn ở Úc lại kể: "Toàn cỡ cha chú mà ăn cắp không chịu được. Cứ thịt bò của tiệm, chiều hết việc ai nấy nhét vô hộp cả ký bỏ giỏ mang về nhà. Bị nhắc nhở thì lườm nguýt, chê chủ tiệm ki bo".
Lại hôm khác, một người bạn khác kể, công ty anh cung cấp dịch vụ bảo vệ khá có tiếng. Lần nọ nhận bảo vệ cho hệ thống bán lẻ rất lớn kia, phát hiện nhân viên ăn cắp kinh hoàng. Họ ăn cắp có dây, thông đồng từ người đứng cash, coi kho, xếp hàng, đến tài xế. Thậm chí họ ăn cắp sạch những cái nắp cống (bằng gang) ở gần siêu thị: mắt trước mắt sau đá cái nắp lên giống như nó tự nhiên bị kênh lên, rồi chờ lúc vắng người dúi nó vào bụi rậm gần đó, đem bán cho ve chai.
Nếu là chủ của hệ thống bán lẻ nói trên, bạn sẽ làm gì? Đuổi hết sạch lũ ăn cắp đó, đào tạo người mới ha? Chứ dung túng làm gì bọn đó?
Thế mà không chứ lị. Quản lý của hệ thống bán lẻ nọ mời sếp của công ty bạn tôi đến, nói rất thành khẩn: "Nhờ tụi em nới nới ra cho bọn nó ăn cắp chút, chừng tỷ lệ nhiêu đây là được. Chứ bắt dữ quá, tụi nó nghỉ hết mình kẹt. Tuyển người mới phải mất thời gian đào tạo mới làm thuần thục được như người cũ, mà hễ thuần thục cái là chúng lại tổ chức ăn cắp y cũ. Công ty thiệt đơn thiệt kép em à!".
Năm ngoái mạng xã hội lan truyền câu chuyện ông sếp người Nhật biết thừa nhân viên (người Việt) ăn cắp nhưng vẫn "thoải mái" dùng họ, mà chỉ lặng lẽ bớt tiền thưởng lại để bù cho số bị ăn cắp. Vui cả làng! Xem ra chiêu này không phải chỉ của riêng ông mà đã thành bí kíp chung của không ít công ty có người Việt nữa rồi.
Khi đại diện công ty bảo vệ làm việc với một số nhân viên ăn cắp nọ, họ biện bạch rất giống nhau là "do công ty lương thấp quá, không ăn cắp thêm thì không đủ sống!"
Ơ kìa, cái lý lẽ tuyệt vời làm sao. Ăn cắp được coi là khoản phụ trội chính thức cơ đấy!
Trên phạm vi rộng rãi hơn và do thế-cũng nhục nhã hơn-người Việt bị chủ nhà la làng vì trộm vặt ở Nhật, Thái, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ... Ăn cắp liên lục địa, vận chuyển bằng máy bay, thành những tổ chức chuyên nghiệp có đầu ra đầu vào thường xuyên và "chính thống" bằng những trang bán hàng trên mạng. Ăn cắp phổ biến đến nỗi Việt kiều về nước phải nhắc nhau quấn kín valy hành lý lại bằng băng keo để tránh bị "moi ruột", ấy thế mà một ông tướng công an hẳn hoi đi công tác về vẫn bị mất cắp chiếc ipad tại hành lý gửi máy bay như thường!
Năm ngoái, trên diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn Lâm Đồng- ông Nguyễn Bá Thuyền kể: “Từ năm 1949 -1975 chỉ một ông quản gia quản lý dinh Bảo Đại nhưng không mất thứ gì, sau này bàn giao đầy đủ. Hiện nay, cán bộ quản lý các con dấu, nhưng tài sản vẫn hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân”.
Cũng vài tuần nay thôi, trên mạng xã hội chuyền tay nhau bí kíp chống ăn cắp của một anh chồng. Trưa đó, vợ chồng về nhà nghỉ trưa, chiếc xe tay ga khá đắt tiền khóa lại dựng dưới chân cầu thang khu tập thể. Đến giờ, vợ anh xuống lấy xe đi làm thì hoảng hốt chạy lên hỏi chồng sao xe dính máu tùm lum. Té ra, do lần trước đã bị cạy mất IC một lần nên anh chồng nghĩ ra chiêu độc: bắt vít chặt chiếc IC vào xe rồi gắn thêm bốn mảnh dao lam chung quanh. Khi tên trộm chụp tay vào giật chiếc IC ra thì dao lam sắc lẻm cắt luôn vào các đầu ngón tay.
Lại có người chia sẻ do bị mất gương chiếu hậu hoài hoài nên chủ chiếc xe hơi nọ cũng cài dao lam vào quanh gương bẫy trộm. Không lấy được gương xe còn bị thương, tên trộm này đập kính xe và cào xước xe để trả thù. Trên mạng xã hội, nhiều người lo sợ thay cho chủ chiếc xe tay ga nọ. Cuối cùng, người chủ tài sản cũng là nạn nhân, lại đâm ra sợ thằng ăn cắp.
Nói đi nói lại, nạn ăn cắp và nghịch lý người chủ sợ kẻ ăn cắp chỉ được dẹp hẳn nếu pháp luật trừng trị thích đáng kẻ ăn cắp. Và từ trước đó, giáo dục đã hằn vào vỏ não mọi công dân từ khi còn là đứa trẻ rằng: ăn cắp thì sẽ bị trừng phạt.
Nhưng pháp luật của chúng ta lần khân và mềm yếu quá đỗi. Ngay như vụ trộm chó hoành hành hàng chục năm nay ở khắp các vùng nông thôn, ấy vậy mà pháp luật cũng bối rối ngó quanh mãi thôi. Vì theo quy định, tội trộm cắp chỉ bị xử lý hình sự nếu tài sản trộm cắp có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. Một con chó cỏ đâu được đến giá ấy. Thế nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng là cả làng xông ra đánh chết kẻ trộm chó rồi viết đơn tập thể xin ngồi tù, mà lên tận diễn đàn Quốc hội cũng nói thật cấp bách rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Giáo dục thì ra sao? Người mẹ xúi con khai gian tuổi để được bớt tiền vé tàu hay tí táu tí mẻ mớ rau, trái cây mọc ven rào hàng xóm... đâu có phải chuyện lạ?
Thái độ cộng đồng thì sao? Hôm trước tôi suýt chết sặc với bài báo kể ở nhiều cơ quan nhà nước tại Hà Nội, các công chức mang nồi cơm điện đến đun nấu trong phòng làm việc và dẫn con về tắm giặt trong cơ quan rồi mới về nhà để tiết kiệm điện nước cho gia đình.
Thế đó. Chúng ta là những kẻ cắp, và chúng ta dung dưỡng kẻ cắp, chứ còn ai vào đây nữa?
Thôi thì, trong khi chờ các nhà làm luật tiếp tục phát triển, nâng cao và đẩy mạnh hiệu quả của pháp luật, trong khuôn khổ gia đình mỗi người, chúng ta hãy làm gương cho con cháu trước. Ăn cắp quen tay- ông bà dạy rồi. Chúng ta ăn cắp điện nước của công ngay trong cơ quan mình được thì làm gì có tư cách trách kẻ ăn cắp đôi mắt kính ở sân bay nước ngoài cơ chứ?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.