Nhạc chế "Chú bé loắt choắt" gây phản cảm: Rapper xin lỗi, rút kinh nghiệm

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, rapper 2see cho biết anh rút kinh nghiệm sâu sắc sau những tranh cãi về bản rap "Chú bé loắt choắt", chế lại lời từ bài thơ "Lượm" nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu.

Gần đây, bản rap Chú bé loắt choắt (sản phẩm chế lại lời từ bài thơ Lượm) lan truyền trên mạng xã hội, gây tranh cãi vì phần lời vô nghĩa, nhảm nhí. Đặc biệt, bản rap này còn được phối thành điệu nhạc xập xình và được sử dụng với những hình ảnh hở hang, gây phản cảm trên TikTok. 

Nhạc chế Chú bé loắt choắt gây phản cảm: Rapper xin lỗi, rút kinh nghiệm-1

Những video "bắt trend" "Chú bé loắt choắt" tràn lan TikTok (Ảnh: Chụp màn hình).

Rapper nói gì về sự việc?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí vào sáng 26/4, rapper 2see (Duy Nguyễn) - người viết bản rap Chú bé loắt choắt - cho biết anh ghi nhận những góp ý của cộng đồng mạng. 2see cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến cố nhà thơ Tố Hữu và tác phẩm Lượm.

Rapper 2see cho biết anh viết bản rap với tính chất giải trí, "vô thưởng vô phạt" và đã ẩn trên kênh cá nhân từ khá lâu. Tuy nhiên, rapper không ngờ gần đây bài này được "đào" lại với bản remix do một bên khác thực hiện: "Khoảng 2 năm trước, khi xu hướng chế thơ đang được ưa thích mạng xã hội, tôi có theo trend và lượm lặt trên mạng để làm thành một bài nhạc. Nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ có người remix bài nhạc đó vào 2 năm sau để mọi việc đi xa thế này".

"Điều xảy ra với bản rap Chú bé loắt choắt là điều tôi không hề mong muốn. Tôi nghĩ nghệ sĩ cần lựa chọn chủ đề và ngôn từ phù hợp trước khi đăng một bài nhạc lên mạng. Mong rằng sau này sẽ không ai gặp phải trường hợp giống như tôi. Trước đây, tôi có những bản rap mang tính giáo dục về nhân quả và được khán giả hưởng ứng tích cực như Chuyến xe định mệnh. Hy vọng mọi người có cái nhìn tích cực hơn về cá nhân tôi. Tôi sẽ nghiêm khắc rút kinh nghiệm và cảm ơn những lời góp ý của mọi người", rapper 2see chia sẻ với phóng viên Dân trí. 

Nhạc chế Chú bé loắt choắt gây phản cảm: Rapper xin lỗi, rút kinh nghiệm-2

Rapper 2see cũng quay video xin lỗi sau vụ ồn ào liên quan đến bài rap "Chú bé loắt choắt" chế từ bài thơ "Lượm" (Ảnh: Chụp màn hình).

Thực hư nguồn gốc bản nhạc tạo trend TikTok

Về phần nhạc remix của bản rap Chú bé loắt choắt đang tạo xu hướng trên TikTok, nhiều thông tin cho rằng DJ FWIN (Sơn Trần) là người đã thực hiện bản phối này. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 26/4, DJ FWIN khẳng định anh không phải người đã phối lại bài rap Chú bé loắt choắt.

Vào tối 25/4, DJ FWIN cũng lên tiếng trên trang cá nhân, đính chính sự việc: "Gần đây có một số thông tin sai sự thật về tôi. Tôi khẳng định tôi không phải người remix, không phải người phối bản nhạc chế Chú bé loắt choắt. Tháng 11/2022, tôi vô tình nghe được bản nhạc này trên YouTube và lấy điện thoại quay lại, đăng trên TikTok. Lúc đăng lên cũng không gây chú ý nhiều. Nhưng đến tháng 4 gần đây thì một vài bạn lấy lại đoạn nhạc này để lồng nhạc, tạo trend TikTok. Đoạn video của tôi bỗng nhiên nhận nhiều lượt xem, bình luận. Tôi cũng nhận những tin nhắn kích động, tiêu cực".

Nhạc chế Chú bé loắt choắt gây phản cảm: Rapper xin lỗi, rút kinh nghiệm-3

DJ FWIN lên tiếng đính chính sự việc (Ảnh: Chụp màn hình).

DJ này cho rằng mọi việc đã đi quá xa và sẽ rút kinh nghiệm sau sự việc. "Tôi cũng chân thành xin lỗi đến mọi người, xin lỗi cố nhà thơ Tố Hữu vì đã không kiểm duyệt nội dung khi đưa lên TikTok", anh nói.

Khi những trend lố lăng trở nên đáng báo động

Trên mạng xã hội, khán giả đang rất bức xúc khi lời của bài thơ nổi tiếng bị chế thành sản phẩm nhảm nhí, ghép nhạc phản cảm tràn lan trên TikTok. Lời bản rap có nội dung: "Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi/ Gió đưa cành trúc thật "Prada"/ Trên mạng đang hot trend gì vậy ta...".

Tính đến sáng 26/4, bản nhạc remix và hastag "Chubeloatchoat" có gần 25 triệu lượt xem trên nền tảng TikTok. Trong nhiều bài đăng, người dùng ghép nhạc vào các video nhảy nhót, mặc áo dài nữ sinh đứng trên bàn học hoặc nhiều bối cảnh khác không phù hợp.

Một số phụ huynh có con em đang ở độ tuổi đi học cũng bức xúc khi các bản nhạc nhảm nhí xuất hiện trên TikTok khiến trẻ bắt chước xuyên tạc nội dung văn học. Đông đảo khán giả đề nghị TikTok cần kiểm duyệt, thanh lọc nội dung tốt hơn.

Chia sẻ quan điểm về sự việc, nhà văn Tống Phước Bảo (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) viết trên trang cá nhân: "Khi người trẻ tạo trend gây ra sự lố lăng, tạp nham và mất đi nét đẹp văn chương thì quả là cần phải báo động. Văn hóa với người trẻ càng ngày càng bị sự dễ dãi của cộng đồng mạng dẫn dắt". 

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng nhạc chế lan truyền trên mạng xã hội khiến công chúng "dậy sóng". Hồi tháng 10/2022, bản nhạc chế Nobita do Lê Dương Bảo Lâm trình bày trong chương trình Sàn đấu ca từ 2020 bị "đào lại" và trở thành giai điệu thịnh thành trên TikTok. Tuy nhiên, bản nhạc gây tranh cãi vì phần lời kỳ quặc với chi tiết "Nobita lấy Chaien" bị cho là phá hỏng hình tượng nhân vật hoạt hình trong truyện tranh nổi tiếng Doraemon đến từ Nhật Bản.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng bức xúc bày tỏ trên trang cá nhân: "Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng học sinh hoặc hội chợ nhưng bây giờ nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí gameshow về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với mình, đó là sự phỉ báng âm nhạc!".

 Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/van-hoa/nhac-che-chu-be-loat-choat-gay-phan-cam-rapper-xin-loi-rut-kinh-nghiem-20230426114758549.htm

TikTok

Rapper


Cảnh phim vô duyên của Thúy Diễm
Vào vai tiểu thư Mỹ Đình nhiệt tình vì bạn, Thúy Diễm gây tranh cãi với hình tượng ồn ào, xốc nổi trong "Trạm cứu hộ trái tim". Bên cạnh đó, cô còn bị đánh giá là kém duyên trong mối quan hệ giữa Nam và bạn gái.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.