Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….

Hãy nhớ rằng không phải ta cứ làm một sản phẩm rồi đưa ra thị trường là thành công, ta còn phải chấp nhận sự mổ xẻ và phản biện của khán giả, bởi họ là những người trực tiếp tiêu thụ những sản phẩm ta mang lại.

Khi Đen Vâu tung MV Đi giữa mùa hè, hàng triệu fan của anh trên khắp Việt Nam đã đón nhận nó bằng một sự hào hứng và phấn khởi tột độ. Một màn comeback máu lửa, sự kết hợp không ai nghĩ đến với "huyền thoại" Trần Tiến, tinh thần yêu thể thao bùng cháy trong từng thước phim.

Nhưng chỉ sau đó 1 đêm, những ý kiến trái chiều xuất hiện. Như một vết nứt, các góc nhìn về vấn đề ẩn sâu trong từng câu từ của bài hát lần lượt tuôn trào trong những cuộc tranh luận trên MXH. Người ta bắt đầu nói về lời rap ẩn ý khá nhiều đến bạo lực giới, "thượng cẳng chân hạ cẳng tay", và cho rằng bài hát đã tạo ra cảm xúc tiêu cực cho họ. Trong một xã hội hiện đại đề cao lối ứng xử văn minh, việc có những suy nghĩ mang thiên hướng bạo lực tới một người phụ nữ hay một đối thủ trên sân cỏ - là một điều nhạy cảm.

Tôi tin rằng Đen không có một chút mảy may nào muốn lan truyền thông điệp bạo lực hay xem nhẹ phái nữ trong tác phẩm của mình. Cũng giống như việc nghĩ Sơn Tùng M-TP không cố tình để gợi ý một giải pháp tiêu cực cho người trẻ đối mặt với trầm cảm trong There’s no one at all, đơn giản là cậu đã chọn sai một câu chuyện để kể. Thế nhưng, có một điểm yếu chí mạng của nghệ sĩ Việt hiện lên rất rõ qua 2 trường hợp này, đó là các nghệ sĩ đã đắm mình trong thế giới riêng của mình quá lâu và quên rằng mình cũng là những cá thể trong cộng đồng, cần nghe ngóng và chuyển biến theo sự thay đổi của tư duy xã hội. Sơn Tùng đã phải trả giá bằng việc gỡ bỏ hoàn toàn MV There’s no one at all. Còn Đen vâu, anh bắt đầu nhận về rất nhiều phản biện gay gắt với các sản phẩm của mình, điều mà cách đây 1 năm, có lẽ với anh là quá xa lạ.

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-1

Khi nhận thức của khán giả dần thay đổi…

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta có thể chứng kiến sự chuyển biến rõ ràng trong nhận thức của khán giả đại chúng. Mạng xã hội tạo nên những cuộc thảo luận mở về tất cả khía cạnh của đời sống, cũng là nơi mang đến nhiều luồng tư tưởng mới mẻ, kiến thức chuyên sâu về các vấn để tưởng như đơn giản. Ai cũng có thể chia sẻ quan điểm của mình về mọi thứ, dựa trên góc nhìn, trải nghiệm và hiểu biết cá nhân. Những khái niệm tưởng như khô khan được diễn đạt và tranh luận một cách dễ hiểu, đến từ nhiều tầng lớp như học giả, chuyên gia, sinh viên, học sinh,... Điều này trực tiếp phổ cập nhận thức mới mẻ về cuộc sống cho số đông công chúng, nâng sự hiểu biết và khả năng nhìn nhận vấn đề đa chiều, rồi từ đó lại tạo ra sự phản biện.

Nói đơn giản là: Nếu có clip một người phụ nữ đi đánh ghen tiểu tam, các mẹ bỉm sữa sẽ không ngần ngại nhảy vào cổ vũ "đáng lắm chị yêu ơi", "đánh nó cho em" - nhưng giới học thức sẽ nói rằng đó là một hành động cổ xúy bạo lực nơi công cộng, người hiểu về nữ quyền lại cho rằng "phụ nữ không nên đánh người phụ nữ khác vì sai lầm của đàn ông". Các mẹ bỉm sữa đọc đi đọc lại thấy cũng phải lắm, lâu dần, những ý kiến hình thành trong suy nghĩ các mẹ một luồng tư tưởng mới, văn minh và nữ quyền hơn: Nếu chồng mình ngoại tình, tội lỗi đầu tiên là của anh ta chứ không phải tuesday.

Hay giống như chuyện: Cô gái nọ up hình bikini lên mạng vì thấy mình xinh. Ngay lập tức cư dân mạng tràn vào comment. Ngày trước, người ta tha hồ bình phẩm, thậm chí chê bai ngoại hình của cô và rất có lẽ cô gái ấy sẽ xấu hổ mà gỡ hình xuống. Ở hiện tại, nếu chẳng may bạn comment cho rằng nhìn đùi cô hơi to, bụng cô hơi mỡ, chắc chắn cũng sẽ có comment khác nhảy vào nói rằng bạn thật vô duyên, và rất có lẽ bạn sẽ bị cô gái block không thương tiếc, sau đó đăng một bức hình khác kèm theo status: Haters gonna hate but I love my body ( Ai ghét cứ ghét nhưng tui yêu cơ thể của tui).

Trong suốt ngần ấy năm sử dụng MXH, cư dân mạng Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều trong tư duy bởi chính bản thân họ cũng đã học hỏi, va đập, thay đổi và trưởng thành. Họ bắt đầu có cái nhìn sâu sắc hơn về những hiện tượng đời sống, sự kiện xảy ra mỗi ngày, họ quan tâm đến vấn đề xã hội, tìm hiểu về chúng một cách đa chiều nhằm cải thiện chính thế giới quan của mình. Khán giả đã không còn là những người "cho gì nghe nấy" hay "nghe cho vui". Họ có thể phân tích, đối chiếu, góp ý và phản biện, với mong muốn tạo ra một cộng đồng lành mạnh hơn nữa cho hiện tại và tương lai. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự phát triển của một con người như: Quan điểm giới tính, nhân văn hay sức khỏe tinh thần.

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-2

Cũng bởi sự thay đổi đặc biệt này về tư duy của khán giả, mà Đen Vâu hay Sơn Tùng, hoặc nhiều nghệ sĩ khác nữa đã bất cẩn vấp phải sai lầm khi phiêu với sự sáng tạo và thế giới bay bổng của riêng mình.

Trong bản rap của Đen Vâu, anh khá hồn nhiên nói về việc mình sẽ trở thành một kẻ vũ phu nếu người yêu của mình chuyển kênh khi anh đang xem bóng đá, hoặc có ý kiến trái ngược với anh về kết quả trận đấu. Dù đã cẩn thận thì thầm "anh đùa đấy", nhưng rõ ràng đó là chưa đủ với những khán giả khó tính. Điều này đến từ việc họ cảm thấy một vấn đề khá nghiêm trọng như bạo lực giới lại được bình thường hóa thông qua việc cổ vũ bóng đá. Chẳng lẽ khi người đàn ông xem bóng đá cũng là lúc anh ta cho mình quyền được áp đảo người phụ nữ nếu cô ấy không đồng tình? Chẳng lẽ việc "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" có thể được thông cảm nếu nó diễn ra trong bối cảnh cổ vũ một trận bóng?

Tôi tin là anh Đen không nghĩ như vậy, và chắc chắn anh Đen cũng không bao giờ muốn khán giả của mình nghĩ như thế khi nghe nhạc của mình. Đen Vâu đơn giản chỉ rap dựa trên những suy nghĩ giản dị, rằng kể cả yêu đến mấy thì anh cũng sẽ cáu ra phết nếu em bất đồng quan điểm với anh trong bóng đá đấy! Nhưng cách diễn đạt ý và sự so sánh trong bài hát không hoàn toàn phù hợp với số đông khán giả, giờ đã là những người quan tâm đến bạo lực gia đình, bình đẳng giới và nữ quyền. Họ sẽ thấy dấu vết của một suy nghĩ gì đó sai sai ở đây, và họ quyết định lên tiếng.

Thật ra khán giả không lo lắng việc những lời rap đấy của anh Đen sẽ làm tăng tỉ lệ bạo lực giới trong mùa bóng đá. Họ đơn giản chỉ nhìn nhận đây là một thông điệp sai, một cách diễn đạt không phù hợp với tư tưởng hiện đại, và họ chỉ ra cái sai đấy để Đen Vâu cũng phải nhìn lại cách suy nghĩ của chính mình. Bởi nếu tác phẩm là tấm gương phản chiếu tâm hồn người nghệ sĩ, thì chẳng phải có những suy nghĩ cộc cằn như vậy - dù là có phần nói quá cho bài hát thêm kịch tính - cũng là một điều nên được chỉ ra và thay đổi?

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-3

Nghệ sĩ không thể chỉ sống trong thế giới của riêng mình

Nghệ sĩ sẽ luôn có lý do của nghệ sĩ, rằng chúng tôi sống với bản năng và cảm xúc của mình, rằng đừng trách chúng tôi vì chúng tôi chỉ là những người sống với đam mê mà thờ ơ chuyện thế sự. Suy nghĩ này không đúng, và không nên tồn tại ở một người nghệ sĩ giải trí, vốn được đông đảo khán giả ngưỡng mộ và hướng về. Ta đón nhận tình yêu thương và sự tin tưởng của khán giả, thì ta cũng phải trả lại cho khán giả sự trách nhiệm khi đưa những câu từ được nắn nót, tư tưởng đúng đắn và cảm xúc được gọt giũa cẩn thận để tránh lan tỏa những ý niệm sai lệch. Hãy nhớ rằng không phải ta cứ làm một sản phẩm rồi đưa ra thị trường là thành công, ta còn phải chấp nhận sự mổ xẻ và phản biện của khán giả, bởi họ là những người trực tiếp tiêu thụ những sản phẩm ta mang lại. Dù đó là một món ăn, một bộ phim hay một bài hát.

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-4

Nếu như anh Đen có một sự quan sát với dòng chảy của đời sống công chúng, hẳn anh sẽ nhận ra sự nhạy cảm khi nhắc đến những vấn đề về bạo lực giới, và sẽ có một sự tinh tế cân nhắc khi lựa chọn cách diễn đạt cảm xúc của mình. Thay vì để những suy nghĩ tràn ra một cách bản năng, Đen Vâu có thể chắt lọc và thể hiện chúng bằng một câu chuyện khác, với những lời lẽ khác. Đó là sự nhạy cảm cần có của một người làm nghệ thuật phục vụ khán giả. Sơn Tùng M-TP cũng vậy, khi tiếp cận một chủ đề nặng ký như sức khỏe tinh thần, nếu có sự đào sâu tìm hiểu và nhận ra đây là một thời điểm cực kỳ nhạy cảm với các phụ huynh trẻ nhỏ, Sơn Tùng buộc phải có sự điều chỉnh và một cách tiếp cận khác hợp lý hơn để nói về những vấn đề tâm lý và áp lực cuộc sống của người trẻ. Thay vào đó, Tùng lại cố kể câu chuyện đến hết mức giới hạn mình muốn kể chứ không đặt nó vào bối cảnh hiện tại và gạt bỏ đi cảm xúc của rất nhiều khán giả sẽ đón nhận nó. Và cậu phải trả giá, bởi khán giả đã không còn là những người chỉ biết nghe, biết xem, và đơn phương đón nhận sản phẩm. Điều đó tương tự với bất cứ ngành nghề nào mang đến những giá trị tinh thần. Bản thân tôi cũng sẽ không thể tồn tại trong công việc viết lách, nếu đặt quá nhiều sự cảm tính và những hệ tư tưởng cũ kỹ vào câu chữ của mình. Việc quan sát sự thay đổi và đa chiều trong suy nghĩ của khán giả là việc cần làm để chính người nghệ sĩ hay người làm nghề sáng tạo luôn hướng về phía trước, từ đó thật sự mang lại những giá trị tích cực cho người đón nhận nó.

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-5

Trên thế giới có vô số những trường hợp các bài hát phải nhận tuýt còi từ dư luận do những câu từ gây hiểu lầm, dù vô tình hay cố ý. Nổi tiếng nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây có lẽ là Blurred Lines, của Robin Thicke/ Pharrell Williams và T.I. Bài hát nghe qua có vẻ như là một bản nhạc vui vẻ, sôi động với lời lẽ lả lơi và gợi cảm, nói về lằn ranh mờ nhạt của một cô gái ngoan và hư khi gặp chàng trai mình thích thích. Chẳng ai nghĩ gì nhiều và thậm chí đây còn là một hit bự của năm 2013. Cho đến khi người ta bắt đầu đặt câu hỏi về câu từ trong bài: "Anh biết em muốn điều đó mà, dù em là gái ngoan". Với nhiều người, lời ca này đang lãng mạn hóa, bình thường hóa hành vi cưỡng bức, cổ vũ tình dục không đồng thuận, một sự mời gọi và cưỡng ép phụ nữ khi cô ấy đã tỏ thái độ không thích thú. Bài hát sau này đã bị gỡ xuống khỏi Youtube để dãn nhãn độ tuổi, và thậm chí còn bị ban ở rất nhiều sự kiện trên thế giới vì những câu hát ấy. Vào thời điểm đó, Robin Thicke cho rằng đây chỉ là một bài hát vui vẻ, với phần lời lẽ trêu chọc có thể gặp ở bất cứ bữa tiệc nào, nơi mà các cặp đôi tán tỉnh qua lại. Nhưng rõ ràng một bộ phận khán giả không cảm thấy thế. Câu chuyện này nghe quen quen phải không? Chúng ta vừa nói đến nó tức thì với anh Đen Vâu đó.

Mãi đến sau này, năm 2019, Pharrell Williams - nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng, cũng là người tham gia vào một verse trong Blurred Lines - thẳng thắn thừa nhận rằng anh đã cảm thấy xấu hổ với bài hát này. "Có một vài bài hát cũ của tôi, tôi sẽ không bao giờ viết hoặc hát nó lên ở thời điểm hiện tại. Tôi cảm thấy xấu hổ vì chúng, cũng đã mất rất nhiều thời gian để tôi trưởng thành và nhận ra điều này".

"Ban đầu, tôi không hiểu lắm. Có rất nhiều phụ nữ cũng thích và cảm thấy kết nối với năng lượng mà nó mang đến mà. Họ hát mấy câu đấy hoài nên tôi nghĩ, ‘Ủa, có gì mà liên quan đến cưỡng bức và quấy rối?"

"Rồi sau đó tôi nhận ra, có rất nhiều những người đàn ông sử dụng cùng loại ngôn ngữ đó để chiếm đoạt phụ nữ. Nó chẳng liên quan đến việc giải thích: ‘Đó không phải thái độ tôi muốn thể hiện, cũng không phải là cách nghĩ của tôi khi hát bài này.’ Chỉ đơn giản là nó gây ảnh hưởng thế nào đến phụ nữ. Và thế là tôi hiểu ra vấn đề. Tư duy của tôi được mở mang về những gì đã thật sự được truyền tải trong bài hát, và nó có thể khiến người nghe cảm thấy như thế nào".

Thật ra, nghệ sĩ Việt Nam đã sống trong bức tường thành kiên cố của "giới nghệ sĩ" quá lâu, khiến họ không có nhiều sự tương tác với đời sống xã hội, và từ đó không ít người "mù mờ" với những vấn đề đang diễn ra mỗi ngày. Đó là một điều nguy hiểm, bởi khán giả ngày càng đòi hỏi cao hơn trách nhiệm của người nghệ sĩ mà họ yêu quý, vậy nên người nghệ sĩ cũng không thể thờ ơ với giá trị mà khán giả quan tâm. Năm ngoái, chính nghệ sĩ quốc dân Hoài Linh đã phải nhận trái đắng với lùm xùm từ thiện. Dù ta đều hiểu rằng có nhiều biến cố xảy ra và nghệ sĩ Hoài Linh không hề có ý đồ xấu với số tiền ủng hộ miền Trung của người hâm mộ, nhưng một cách làm sai và thiếu minh bạch sẽ khiến khán giả cảm thấy tổn thương. Chưa kể, công chúng cũng đã có những kiến thức mới về chuyện từ thiện, vậy nên họ không còn thỏa mãn với cách làm cũ kỹ và không rõ ràng.

Đen Vâu, Sơn Tùng hay Hoài Linh, hay xa hơn mà tôi vừa nhắc đến là Pharrell Williams - tất cả đều là những nghệ sĩ trong quá trình hoạt động của mình, đã từng và sẽ có thể còn tạo ra giá trị và sức ảnh hưởng đến đời sống công chúng. Nhưng sau tất cả, họ vẫn là những con người đang khám phá dần những góc cạnh của cuộc sống, cũng đang trưởng thành, va vấp và lớn lên, để rồi điều chỉnh thái độ và cách nghĩ của mình về những gì đang diễn ra. Cũng giống như tất cả chúng ta, khi tranh luận một vấn đề, ta được mở mang về tư tưởng mới, quan điểm khác biệt. Nhờ đó mà thế giới quan của chúng ta sẽ mở rộng mỗi ngày, và càng lúc càng hoàn thiện hơn.

Các nghệ sĩ cũng đừng nghĩ về sự phản biện của khán giả như những luồng phán xét tiêu cực, mà hãy coi đó là cơ hội để soi chiếu lại con người mình, một cơ hội để khán giả giúp chính nghệ sĩ trưởng thành hơn, mở mang suy nghĩ và sự nhạy cảm với thời cuộc. Ngay sau khi nhận về ý kiến trái chiều, Đen Vâu đã lập tức gửi đi lời giải thích rất rõ ràng, chân thành về việc lời rap của anh đã vô tình khiến mọi người hiểu sai. Ta có thể thấy đây là một thái độ phản ứng cầu thị, văn minh và sẵn sàng đón nhận phản biện để hoàn thiện chính mình của người nghệ sĩ.

Ở chiều ngược lại, Sơn Tùng M-TP vẫn khiến khán giả cảm thấy khó hiểu khi sau lời xin lỗi ngắn ngủn, cậu tiếp tục quảng bá cho chiếc áo, cho bài hát bằng một thái độ chẳng hề khiêm nhường, dù biết rằng mình đã để lại khá nhiều sự bức xúc và thất vọng trong lòng khán giả. Có lẽ vì thế, mà thái độ của công chúng cho hai trường hợp này cũng cực kỳ khác nhau.

Nghệ thuật là phản chiếu, là tiếng nói lãng mạn của đời sống, vậy nên, càng cần hơn hết nghệ sĩ có sự nghe ngóng để từ đó, nghệ sĩ có thể cống hiến những tác phẩm không chỉ trung thực với cảm xúc của bản thân, mà còn đồng cảm với những gì khán giả đang trải qua từng ngày. Sẽ luôn có blurred lines - lằn ranh mờ nhạt - phân định giữa tâm hồn khoáng đạt của người nghệ sĩ và những giá trị đúng sai trong xã hội. Hay tình yêu và sự ủng hộ của khán giả đôi khi cũng rất gần với trách nhiệm mà họ trông chờ ở người nghệ sĩ của mình.

Từ Sơn Tùng đến Đen Vâu: Không phải cứ ra bài hát là sẽ được đón nhận….-6

Theo Trí Thức Trẻ


Đen Vâu

Sơn Tùng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.