Đại dịch corona tàn phá thị trường du lịch lớn nhất thế giới

Để kiểm soát dịch cúm corona lây lan, loạt biện pháp hạn chế khách đến và đi từ Trung Quốc được áp dụng, giáng đòn nặng nề vào ngành du lịch đang phát triển thần tốc của nước này.

Để kiểm soát dịch cúm corona lây lan, loạt biện pháp hạn chế khách đến và đi từ Trung Quốc được áp dụng, giáng đòn nặng nề vào ngành du lịch đang phát triển thần tốc của nước này.


Sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm luôn luôn ảnh hưởng đến du lịch. Ngày nay, du lịch là ngành kinh doanh khổng lồ, chiếm 10,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 10% việc làm toàn cầu.

Ngành du lịch có sự tăng trưởng nhanh qua từng năm. Với số lượng chuyến đi quốc tế khởi hành đặc biệt mạnh mẽ trong quý đầu tiên của năm nay, Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc (UNWTO) dự đoán lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 sẽ tăng trưởng thêm 3-4%.

Tuy nhiên, đó là trước khi loại virus corona mới 2019-nCoV tấn công Trung Quốc và rất nhanh chóng bắt đầu lan sang phần còn lại của thế giới với gần 30 quốc gia có các ca nhiễm bệnh.

Chính quyền Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng thực hiện hành động kiểm soát dịch bệnh quyết liệt khi rút ra những bài học từ vụ dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, sự lây lan của loại virus corona mới này vẫn tạo ra các ảnh hưởng nặng nề, tàn phá ngành du lịch Trung Quốc cả nội địa và nước ngoài.
 

Đại dịch corona tàn phá thị trường du lịch lớn nhất thế giới-1
Ngành du lịch Trung Quốc chịu ảnh hưởng trực tiếp của sự bùng phát virus corona. Ảnh: Shutterstock.

Ngành công nghiệp nghìn tỷ USD trước đại dịch corona


Du lịch ở Trung Quốc là ngành phát triển nhanh chóng và dần trở thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa, tỷ lệ du lịch nước này tăng nhanh trong vài thập kỷ qua. Trung Quốc trở thành một trong những thị trường du lịch được theo dõi nhiều nhất và bận rộn nhất thế giới.

Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu giàu có và nới lỏng các hạn chế di chuyển cho người dân địa phương và du khách nước ngoài đều hỗ trợ cho sự bùng nổ du lịch này.

Theo Statista, tổng doanh thu của ngành công nghiệp du lịch Trung Quốc lên tới gần 563 tỷ USD vào năm 2016, tăng 15,2% so với năm trước. Năm 2018, đóng góp toàn diện của du lịch vào GDP của Trung Quốc là hơn 1.420 tỷ USD, chiếm 11,04% tổng GDP với số lượng khách nội địa đạt 141,2 triệu.

Du lịch nội địa


Theo UNWTO, năm 2017, trong số các điểm đến toàn cầu, Trung Quốc đứng trong top 10 về tổng số khách du lịch (xếp vị trí thứ 4 với 60,7 triệu khách).

Năm 2019, Trung Quốc đón 142 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu 127,3 tỷ USD, chưa kể doanh thu từ khách du lịch trong nước (theo China Mike).

Hầu hết du khách quốc tế đến Trung Quốc thường ghé thăm các thành phố ven biển và một số khu vực nội địa như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm, Thành Đô, Vân Nam và Tây An. Khi các tỉnh nội địa và phía tây của Trung Quốc phát triển, khách du lịch nước ngoài và trong nước ngày càng tăng. Những thắng cảnh như Trương Gia Giới đang thu hút nhiều du khách quốc tế.

Mặt khác, phần lớn doanh thu du lịch nội địa đến từ du khách trong nước. Người Trung Quốc thường thăm thú, du lịch ở các địa danh trong nước nhiều hơn thực hiện các chuyến đi nước ngoài.
 

Đại dịch corona tàn phá thị trường du lịch lớn nhất thế giới-2
Vạn Lý Trường Thành là điểm du lịch hút khách bậc nhất của Trung Quốc, kể cả khách nội địa và quốc tế. Ảnh: Avery Steadman.

Du lịch nước ngoài


Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất thế giới. Năm 2000, người dân đất nước tỷ dân chỉ thực hiện 10,5 triệu chuyến đi nước ngoài và giờ đây là hơn 150 triệu. Trong những năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%, theo CNN.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng dẫn đầu về tổng chi tiêu cho du lịch trên toàn thế giới. Theo UNWTO, gần 168 triệu khách du khách Trung Quốc đã chi 257,7 tỷ USD trong năm 2018. Mức chi này nhiều hơn gấp 5 lần thập kỷ trước đó.

Theo nghiên cứu từ PXCom, khi du lịch nước ngoài, người Trung Quốc chủ yếu chọn hình thức tour do công ty nội địa tổ chức. Họ có thể chi ít tiền cho chỗ nghỉ hay nhà hàng nhưng đầu tư rất nhiều để mua sắm.

Giữa tâm dịch, các hoạt động du lịch 'đóng băng'

Sự bùng phát virus corona xảy ra trong Tết Nguyên đán, một trong những mùa du lịch lớn nhất ở châu Á, khi hàng trăm triệu người Trung Quốc trở về nhà hoặc nghỉ lễ, cả trong nước và quốc tế. Nạn nhân trực tiếp và tổn thất nặng nề nhất của dịch bệnh này chính là ngành công nghiệp du lịch đang trên đà phát triển vượt bậc của Trung Quốc.

Do sự lây lan nhanh chóng của virus Vũ Hán, một số địa điểm du lịch Trung Quốc nổi tiếng trong cả nước đã bị đóng cửa từ sớm (lễ đón Tết Nguyên đán ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong cũng bị hủy bỏ).

Tại Bắc Kinh, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Vĩnh Hòa Cung, Cung vương phủ, Tử Cấm Thành và phần Bát Đạt Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành (nằm 64 km bên ngoài thành phố) đều đóng cửa. Khu nghỉ dưỡng Disney Thượng Hải và công viên Disneyland Hong Kong cũng ngừng hoạt động. Tại Hàng Châu, di sản thế giới của UNESCO, Hồ Tây cũng không cho phép du khách tham quan.

Tại tỉnh Hồ Bắc, nhiều cửa hàng địa phương, rạp chiếu phim và nhà hàng thức ăn nhanh trên khắp 5 thành phố bị đình chỉ kinh doanh. Những nơi công cộng ở Bắc Kinh yêu cầu mọi người phải đo nhiệt độ và thực thi các yêu cầu bảo vệ sức khỏe cá nhân như đeo khẩu trang...

Cùng với đó, nhiều chuỗi nhà hàng cũng tạm thời đóng cửa. Một số vùng của Trung Quốc thậm chí đóng cửa tất cả địa điểm du lịch ngay cả khi chưa có trường hợp nhiễm bệnh.
 

Đại dịch corona tàn phá thị trường du lịch lớn nhất thế giới-3
Du khách luôn bịt khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, đặc biệt là nhà ga, sân bay. Ảnh: Getty.


Trước tình hình dịch bệnh, chính phủ Trung Quốc quyết định dừng toàn bộ tour du lịch nội địa từ ngày 31/1 và tour quốc tế từ ngày 27/1. Các biện pháp này giúp kiểm soát dịch bệnh lây lan nhưng khiến ngành du lịch Trung Quốc đảo lộn.

Không chỉ vậy, theo SCMP, hàng chục quốc gia hạn chế người dân du lịch đến Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ du khách nhập cảnh. Hơn 30 hãng hàng không toàn cầu tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục khi tình trạng nhiễm virus corona tiếp tục tăng. Gần 10.000 chuyến bay bị hủy tính đến ngày 31/1, theo Cirium, nơi cung cấp dữ liệu và nghiên cứu về ngành du lịch.

Tác động của 2019-nCoV đến du lịch nặng nề hơn SARS


Lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 2/2003, SARS gây nỗi lo cho toàn cầu suốt 5 tháng sau đó. Các Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận 8.096 trường hợp nhiễm và 774 người tử vong tại 26 quốc gia là kết quả của đại dịch này.

Virus corona xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019 nhưng tổng số trường hợp nhiễm bệnh đã vượt qua SARS chỉ trong 2 tháng, mặc dù tỷ lệ tử vong thấp hơn. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dự đoán dịch cúm Vũ Hán sẽ còn kéo dài trong vài tháng.

SARS khiến tỷ lệ khách du lịch quốc tế giảm gần 9,4 triệu và tổn thất khoảng 30-50 tỷ USD. Năm 2003, vai trò của Trung Quốc là điểm đến du lịch và nguồn khách quốc tế có tác động không quá lớn. Thời điểm đó, nước này tiếp đón ít hơn 38 triệu khách và có khoảng 17 triệu người đi du lịch nước ngoài.

So sánh với năm 2019, Trung Quốc ước tính có 142 triệu du khách quốc tế. Người Trung Quốc thực hiện 5,5 tỷ chuyến trong nước và 134 triệu chuyến đi nước ngoài. Câu chuyện việc thiệt hại do đại dịch cúm corona đối với ngành du lịch sẽ còn ở mức độ lớn hơn.
 

Đại dịch corona tàn phá thị trường du lịch lớn nhất thế giới-4
Dịch cúm corona có thể kéo dài trong vài tháng và gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Trung Quốc. Ảnh: Getty.


Với việc Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố virus corona là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mối quan tâm toàn cầu, Gloria Guevara, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) lo ngại, sự leo thang này có thể gây ảnh hưởng và thiệt hại lâu dài đối với lĩnh vực này.

Vị nữ chủ tịch bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng việc hủy chuyến bay, đóng cửa sân bay thường có tác động kinh tế lớn hơn so với sự bùng phát bệnh dịch.

Tùy thuộc vào các hạn chế và cảnh báo được thực hiện trong bao lâu, tổn thất có thể dễ dàng tăng gấp bội so với năm 2003. Thiệt hại sẽ xuất hiện trong tất cả ngành công nghiệp khi chuỗi cung ứng du lịch liên quan đến mọi thứ từ nông nghiệp, thủy hải sản đến ngân hàng và bảo hiểm.

Ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các ngành công nghiệp cốt lõi như dịch vụ lưu trú, thực phẩm và đồ uống, vui chơi giải trí, vận tải và dịch vụ du lịch.

 

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/dai-dich-corona-tan-pha-thi-truong-du-lich-lon-nhat-the-gioi-post1043070.html

virus corona

Viêm phổi cấp


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.