Giữa cơn lốc trà sữa, Sài Gòn vẫn có một xe chè Tàu 60 năm, mỗi đêm bán trăm ly

Mở hàng vào cái giờ "trái khoáy" từ 7h tối đến 0h sáng, xe chè Lâm Vinh Mậu nườm nượp khách ghé qua.

Mở hàng vào cái giờ "trái khoáy" từ 7h tối đến 0h sáng, xe chè Lâm Vinh Mậu nườm nượp khách ghé qua.

Chỉ ngăn cách bởi một con đường Hàm Nghi ngắn ngủi, bên kia đường phía toà nhà Bitexo cùng khu phố Nguyễn Huệ ồn ào rực rỡ là một khu phố trà sữa nổi danh Sài thành với hàng chục thương hiệu cùng có mặt. Bên này đường, khu phố Nguyễn Thái Bình lại im lìm yên ắng với chỉ vỏn vẹn một xe chè Tàu với ánh đèn leo lắt chẳng cần biển hiệu nhấp nháy.

Vậy nhưng, giữa những cơn lốc trà sữa đang khuấy đảo thành phố nhộn nhịp phồn hoa nhất cả nước này, xe chè Tàu Lâm Vinh Mậu mỗi đêm vẫn đón hàng trăm lượt khách ghé qua, yên lặng nhấm nháp ly chè đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.

Xe chè kiểu người Hoa với những đường nét chạm trổ bám màu thời gian.

Chủ quán là một người đàn ông trung niên hiền hậu từ tốn, cũng là đời thứ hai được truyền nghề bán chè ở xe này.

Xe chè đặc biệt này nằm trên con phố Nguyễn Thái Bình, đoạn gần giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sở dĩ có cái tên chè Tàu đêm bởi ở đây bắt đầu bán từ 7h tối đến 0h sáng mỗi ngày.

Không đèn hiệu rực rỡ, cũng chẳng buồn chen ra gần mặt đường cho khách qua lại dễ bề quan sát, xe chè cứ nấp vào một góc vỉa hè, "trốn" kỹ đến nối ai không để ý sẽ chạy lướt qua lúc nào không hay.

Khách đến quán đa phần đều là "mối ruột", đã ăn một lần là cứ thế về sau không thể không quay lại, dắt thêm dăm ba người bạn, rồi cứ thế cứ thế đông dần theo năm tháng. Bởi như nhiều người thú nhận "Sài Gòn có nhiều loại chè, nhưng đã thèm cái thứ chè thanh mát, ngọt nhạt, thơm vị thảo mộc thì ăn chỗ này rồi, không ra chỗ khác được nữa".

Lần đầu đến quán, nhiều người phải choáng ngợp đôi chút vì số lượng những nguyên liệu lạ mắt, hấp dẫn, đôi khi khó gọi tên.

Nếu chè miền Nam ngọt lịm, chè Bắc thanh thanh thì chè của người Hoa lại mang đến một sắc thái mới trong hương vị từ các loại thảo mộc tự nhiên.

Vừa chậm rãi mà cẩn trọng chọn lựa nguyên liệu, múc từng ly chè cho khách, chú Sơn, nguời đàn ông đã ngoài 50 tuổi lại hiền hậu kể lại câu chuyện về xe chè với một sự tự hào không che giấu. "Xe chè này có tuổi đời đã hơn 60 năm. Ngày xưa do người chú tôi tên Lâm Vinh Mậu, ông lưu lại từ Trung Quốc sang đây, bán chè từ năm 1958. Sau này khi ông ra nước ngoài rồi, tôi cùng một người anh em tiếp quản lại xe chè. Gắn bó với nó cũng được thêm hơn 20 năm rồi. Nhiều người Hà Nội thích ăn chè này lắm, họ nói với tôi lần nào vào Sài Gòn cũng phải chạy ra đây ăn một cốc mới yên tâm bay về".

Bắt đầu bán từ những năm 1958, đây là một trong những xe chè đêm lâu đời nhất Sài Gòn.

Vì được bán ở trung tâm Quận 1, chè Tàu ở đây có giá nhỉnh hơn mặt bằng chung, thường từ 25.000 đồng/cốc nhưng ai ăn cũng cảm thấy xứng đáng. Theo lời chú Sơn chia sẻ, nguyên liệu nấu chè đều phải chọn hàng loại 1, ngon và chất lượng nhất. Mỗi ngày riêng việc tự ninh nấu các loại chè cũng mất từ 6-7 tiếng đồng hồ.

Quán bán đủ loại chè Tàu thông thường như chè hột gà, sâm bổ lượng, nhãn nhục, hạt sen, củ sen, đậu xanh phổ tai, bạch quả, hạnh nhân... Mỗi thứ chè lại kèm theo các loại nước riêng nhưng đều có chung đặc điểm là vị ngọt thanh rất mát, không bị gắt như nhiều loại chè khác.

Những quả trứng được ngâm trong nước trà, cho ra món trà hột gà độc đáo

Không có thực đơn, khách đến quán tuỳ tiện gọi món theo thói quen hoặc nhờ chủ quán giới thiệu, lựa chọn giúp.

Tồn tại đã hơn nửa thế kỷ, số lần được "lên báo" cũng nhiều không đếm xuể, mỗi đêm bán không dưới trăm ly, vậy nhưng khi đã đến quán, kéo một chiếc ghế ngồi xuống, thực khách vẫn thể chậm rãi thưởng thức từng thìa chè với những câu chuyện đêm khuya thân tình giản dị của người đàn ông chủ quán chứ không hề phải nhăn mặt với cảnh tượng xô bồ ồn ã hay "chảnh choẹ" như những hàng quán nổi tiếng khác.

Có lẽ cũng chính vì vậy, mà những ai đã một lần ăn chè tại đây, thì khó lòng không quay lại.

Theo Khám phá


chè Tàu

trà sữa

món chè ngon


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.