Anh câu con cá diễn ba gang,

Đem lên Hòn Gió thăm nàng (l)

Bệnh tình mau mạnh, kết đàng nghĩa nhân.

Trong bài ca dao này có vẻ như phải là con cá diễn ba gang, giống như ba điều kiện thách cưới mà ông vua cuối triều Hùng Vương ra giá với hai gã đàn ông tranh nhau làm phò mã Sơn Tinh, Thủy Tinh. Phải là con cá diễn, mà phải dài ba gang kia.

Lần đầu tiên tôi được ăn con cá diễn dài có một gang, thấy thịt nó cũng chẳng ra làm sao, dù cho có trừ hao độ tươi của con cá mua ở chợ Bình Điền với con cá ba gang chàng nọ câu ở biển, chừng 20 – 30%. Nhưng…

Thử tính mà coi cái Hòn Gió, nơi anh chàng lên thăm nàng, nó là nguồn con sông Bàn Thạch, theo ghi nhận của ông Ph.D (tiến sĩ) Trần Tịnh trên trang web Saigon Times, nó cao tới 1.264m, cách cửa biển Đà Nông, nơi sông Bàn Thạch đổ ra biển, ít gì cũng 30 cây số. Nhưng ông Tịnh không gọi Hòn Gió, mà gọi đó là Hòn Dù. Rồi còn chưa kể đoạn từ biển câu cá vào đến bờ. Tính ra con cá của anh chàng nọ thời xưa cũng tươi cỡ con cá của chợ Bình Điền thời tốc độ bây giờ.

Ông thuyền trưởng Khánh ở Lagi, Bình Tuy, trầm ngâm hồi tưởng. Nhớ mất hồi lâu, rồi hỏi lại: “Có phải con cá diễn nó hồng hồng, giống con cá dìa nhưng to hơn?” Ông phang thẳng: “Cá này không ngon lắm. Hồi xưa ở biển Lagi ra khơi chừng mười lý đến mười lăm lý là câu được nó. Bây giờ không thấy nữa, chắc hiếm nên nó nổi tiếng”.

Ở Lagi ông Khánh phải đi mất mười lý, thì ở Phú Yên, dẫu biển có trù phú lắm (vì cái điểm này mà Đào Duy Từ mới tư vấn cho chúa Nguyễn chọn nơi đây làm vùng đất thang, mộc) anh chàng si tình cũng phải chèo thuyền mất vài lý mới câu đặng con cá diễn ba gang. Mà chèo thuyền thì không lấy gì mau cho lắm so với ghe máy thời này, rồi có khi anh chàng si tình nọ còn phải chèo ngược sông ba chục cây số, hoặc vượt đường đồi núi, để đem lên Hòn Gió thăm nàng.

Cá diễn từ trong ký ức thuyền trưởng Khánh nặng chừng một ký đến ký rưỡi. Con cá diễn tôi được ăn lần thứ hai dài cỡ hai gang rưỡi, thì lại khác một trăm tám chục độ so với con cá một gang. Và cũng chỉ là con cá mua ở chợ Bình Điền, ông chủ quán Hải Hòn Chồng cho biết. Cá diễn lớn có lớp da dày, nấu ngót ăn da vừa béo, thịt vừa dai, thật ngon. Vậy là cá diễn của ông Khánh thuyền trưởng chắc cũng chừng một gang.

Có thể tác giả làm câu ca dao trên – có khi chính là anh chàng si tình nọ – nói đúng. Còn ăn như thế nào để trở thành thực phẩm chức năng giúp “bệnh tình mau mạnh” thì chịu chết, vì cho đến giờ này, tôi thực sự cũng không biết cách ghi chính tả đúng là cá diễn hay cá viễn.

Thế là đành hỏi Google. Nhưng Google lần này bó tay, tìm cá diễn thì ra bốn câu ca dao ở đầu bài, tìm cá viễn thì ra bài vè về cá dài 118 câu và cá viễn nằm ở câu 83:

[…]

cá hố, cá lăn.

cá căn, cá viễn,

rô biển lép xơ.

cá bơ, chim rắn,

[…]

ít ra bài vè này cũng khá hơn Từ điển bách khoa Việt Nam. Nhưng buồn một nỗi không có chỗ nào giải thích về lý lịch con cá. Nên không biết nó thuộc loài nào, dưỡng chất ra sao.

Hay có khi cô nàng đang bị bệnh kia cảm cái nghĩa của chàng vác con cá diễn thật ngon do đích thân chàng câu và lựa đúng cỡ cá ba gang, rồi lặn lội dặm đường gian nan lên thăm bệnh nàng, sức đề kháng và sức mạnh của tình yêu giúp nàng khỏi bệnh để kết đôi đàng nghĩa nhân.

Cũng có khi chàng là một “ông lười biếng ở trên biển” ẩn danh, có lần đi hái thuốc gặp nàng, phải lòng, nghe tin nàng bệnh, bèn câu cho đặng con cá diễn ba gang nấu cháo thuốc đổ cho nàng…

Chịu.

Nhưng dẫu gì, bạn cũng nên thử ăn con cá diễn ba gang một lần, ăn nấu ngót, ăn chưng tương, ăn hấp xì dầu, với đa dạng rau mùi xứ ta, để biết cái sự ngon tiềm ẩn trong con cá để làm nên bài ca dao trên. Bài ca dao ca ngợi cái công anh chàng lặn lội biển xa kiếm cho được con cá rồi còn phải trèo đèo vượt suối để đem cá lên tặng người yêu. Đủ thấy cái ngon của cá.

Theo Như Trần