Mehndi - Nghệ thuật làm đẹp từ cổ xưa

Nghệ thuật vẽ trang trí trên cơ thể (body painting) mà ngôn ngữ Ấn gọi là mehndi là kiểu làm đẹp đang được ưa chuộng của phụ nữ phương Tây. Nhưng ít ai biết rằng cách đây vài ngàn năm, ở Ấn Độ đã rất thịnh hành phong tục này.

Mehndi theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là vẽ, quét. Ở Ấn Độ, mehndi được vẽ lên tay, chân và nhiều bộ phận khác trên cơ thể người phụ nữ với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, nâu, đen, xanh lá… Nghệ thuật mehndi ra đời khi con người phát hiện ra những tính năng tuyệt vời từ cây lá móng. Đó là một loại thảo mộc phổ biến ở các vùng nhiệt đới như: Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á… Khác với hình thức xăm mình (tatoo), mehndi không gây đau đớn cho người được vẽ, mà lưu lại trên da trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần. Các cô gái Ấn Độ thường xăm mình trong các ngày lễ quan trọng như: lễ cưới, Tết Diwali… và trở thành một nghi thức bắt buộc trong nhiều lễ hội. Trong văn hóa Ấn Độ, mehndi không chỉ là một kiểu trang điểm làm đẹp mà còn mang những ý nghĩa biểu tượng cho hạnh phúc, may mắn.

Ngày nay, nghệ thuật mehndi đã lan rộng và trở thành một xu hướng làm đẹp mới của phụ nữ khắp thế giới.

Dân tộc ưa trang sức nhất thế giới

Có thể nói Ấn độ là dân tộc ưa trang sức, trang điểm nhất thế giới. Người Ấn quan niệm rằng, phụ nữ luôn phải dùng trang sức và trang điểm, nếu không thì sẽ không được chồng yêu. Ở Ấn Độ, người nghèo cũng như người giàu đều thích đồ trang sức, nó không chỉ dùng để đeo mà còn để cất làm của hồi môn cho con gái khi lấy chồng. Họ giữ tài sản bằng cách đầu tư vào đồ trang sức. Nhờ đó mà nghề kim hoàn thịnh hành vào bậc nhất ở xứ này.

Bên cạnh mục đích làm đẹp, bảo vệ sức khỏe, việc đeo trang sức, về nguyên thủy, việc đeo trang sức, về nguyên thủy, thể hiện một ý nghĩa tôn giáo nhất định. Ngoài ra, trang sức, trang điểm còn là cách để phụ nữ Ấn Độ thể hiện mình đã có chồng, như việc đeo khuyên ở mũi hay chấm một nốt son giữa trán.

Tôn thờ tình dục

Bộ giáo lý về tình dục Kama Sutra (dục lạc kinh) chỉ là một trong hàng trăm tác phẩm mà người Ấn Độ sáng tác, bằng hình thức này hay hình thức khác để giáo dục về nghệ thuật ân ái. Từ hơn 3000 năm trước, ở Ấn Độ cổ đại, trẻ em đến trường đã được học môn tình dục học. Bộ sách Kama Sutra do nhà hiền triết Vatsyayana soạn vào thế kỷ IV Công nguyên được xem là bộ giáo khoa tình dục cổ nhất của nhân loại. Cuốn sách dày xấp xỉ 1000 trang miêu tả phong phú, đa dạng về đời sống tình dục, chỉ dẫn cụ thể và tỉ mỉ những tư thế khác nhau trong quá trình ân ái.

Trong con mắt của nhiều nền văn hóa khác, như thể là phóng đãng, dâm dục, đáng chê trách, đáng lên án. Người Ấn thì lại quan niệm tình dục là thiêng liêng và hoạt động tình dục là diễn tả lại sự hòa hợp thiêng liêng của các vị thần. Trong cuộc đời con người, người Ấn có một giai đoạn rất quan trọng: giai đoạn lập gia đình, sinh con đẻ cái. Người Ấn nổi tiếng ăn nhiều hành và những thức ăn rất nhiều gia vị kích thích cũng không ngoài mục đích bổ trợ cho đời sống dục tình.

Tục thờ bộ phận sinh dục có lẽ là một tín ngưỡng rất đặc trưng của dân tộc Ấn. Không ít những dân tộc khác trên thế giới cũng có hình thức thờ này nhưng chỉ duy nhất ở Ấn Độ, tục thờ dương vật tồn tại suốt từ thời Thượng cổ đến ngày nay mà không bị gián đoạn. Những đám rước dương vật (linga) và âm hộ (yoni) diễn ra thường xuyên trong các lễ hội Ấn Độ. Người ta thờ phụng sinh thực khí đó trong các đền thờ, có khi được dùng để đeo vào cổ, vào cánh tay. Đây là cách mà người Ấn cầu mong con đàn cháu đống, ước vọng về một cuộc sống gia đình nhiều con cái.

Những bài học tình dục rất thâm thúy mà Ấn Độ cổ đại đã dạy cho dân tộc mình vẫn có giá trị cho cả nhân loại trong thế kỷ toàn cầu hóa ngày nay.

Yoga – bí ẩn tâm linh và sức khỏe của Ấn Độ

Yoga, trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ có nghĩa là con đường thực hiện sự hợp nhất giữa linh hồn cá thể và các đấng tối cao.

Yoga được biết đến cách nay khoảng 4000 năm ở Ấn Độ. Năm 200 trước Công nguyên, Patanjali – một hiền triết Ấn Độ đã đề cập một cách có hệ thống về yoga trong tập kinh Yoga Sutras. Yoga ban đầu chỉ sự khổ hạnh, giới dục mà người tu hành tự chấp nhận để tinh thần trở nên trong sạch, hướng tới sự hiểu biết về năng lực siêu nhiên khi trút bỏ được mọi ràng buộc với xác thịt. Để đạt đến tuyệt đỉnh của yoga, môn sinh phải trải qua tám giai đoạn. Khi đó, người tu luyện yoga có thể thực hiện được nhiều khả năng siêu nhiên, thần kỳ như: đọc được ý nghĩa, làm chậm nhịp tim, tự chôn sống nhiều năm liền, giẫm lên than hồng, ba mươi năm liền nằm trên bàn chông… Ngày nay yoga là sự lựa chọn của hàng triệu người trên hành tinh để hướng đến sự tinh tường, minh mẫn cả thể chất lẫn tinh thần.

Bất kỳ một môn sinh nào của yoga cũng đều quen thuộc với những bài luyện tập, các asanas (tư thế) mang tên các loài thú như: rắn hổ mang, lạc đà, thỏ rừng, chim bay, rùa, khỉ… Khi họ thực hiện các tư thế khác nhau mô phỏng hoạt động của những con thú này, họ nhận thấy những hiệu quả tuyệt diệu mà các động tác ấy đối với thân thể và tâm trí.

Yoga có nhiều môn phái khác nhau, trong đó phổ biến và được nhiều người biết đến, tập luyện nhiều nhất là Hatha Yoga. Ha là “mặt trời”, Tha là “mặt trăng”. Hatha là sự kết hợp của những lực bổ sung nhau. Chẳng hạn khi ta luyện tư thế thu cơ thể vào thì sau đó cũng sẽ tập tư thế ngược lại - tư thế hướng đến sự vươn cơ thể ra. Đây là những bài tập kết hợp phương pháp thở nhằm đem lại sự cân bằng, mềm dẻo cho cơ thể, sự thư giãn, sáng suốt về tâm trí.

Yoga là một cách thực hành tuyệt diệu để ta trải nghiệm cái tôi bên trong. Nó khiến ta có thể lắng nghe tiếng nói của cơ thể mình, nhìn lại và chiêm nghiệm tất cả những cảm xúc: được – mất, vui – buồn, thăng hoa – hụt hẫng… Ngoài ra, yoga còn tỏ ra đặc biệt công hiệu trong giảm stress, giúp ngăn ngừa bệnh tim, hạ huyết áp, giảm đau nhức và tăng cường sức đề kháng, giữ cho hệ miễn dịch vững mạnh.

Những bài học từ yoga Ấn Độ đang được đón nhận và thực hành ở rất nhiều quốc gia, cả phương Đông lẫn phương Tây.

Theo