Cái chết êm ái cho trẻ nhỏ gây nhức nhối tại Bỉ

Các nhà lập pháp Bỉ đang tranh cãi gay gắt về dự thảo luật cái chết nhân đạo cho trẻ em chịu “đau đớn liên tục và tột cùng về thể chất và tinh thần mà không thể chữa".

Các nhà lập pháp Bỉ đang tranh cãi gay gắt về dự thảo luật cái chết nhân đạo cho trẻ em chịu “đau đớn liên tục và tột cùng về thể chất và tinh thần mà không thể chữa".
 
Trường hợp điển hình
 
Ella Louise nằm bất động trên giường. Khuôn mặt, cơ thể cô bé nhợt nhạt, yếu đuối vì căn bệnh quái ác. Các bác sĩ hoàn toàn bất lực trước trường hợp của em. Bố mẹ Ella Louise cũng không thể làm gì hơn ngoài việc nhìn đứa con gái bé bỏng chịu đau đớn trong những ngày tháng cuối đời.
 

Linda van Roy, mẹ bé Louise, là người ủng hộ quyền được chết của trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh CNN.

 
Hãng tin CNN cho biết, bé gái 10 tháng tuổi Ella Louise qua đời cách đây 2 năm tại bệnh viện Krabbe, Bỉ. Cô bé mắc phải căn bệnh đột biến di truyền hiếm gặp, gây tổn hại trực tiếp cho hệ thần kinh. Linda van Roy, mẹ cô bé, nhớ lại: “Trong thời gian ấy, họ bảo chúng tôi hạn chế đưa chất lỏng vào người con bé. Chúng tôi chẳng thể cho con ăn sữa hay bất cứ thứ gì. Cuối cùng, Louise chỉ còn da bọc xương và ra đi như vậy”.
 
Nói về những ngày tháng cuối đời của Louise, mẹ cô bé cho biết: “Con bé ra đi vào ngày thứ 3. Một ngày trước đó, chúng tôi vẫn nhận thấy sự đau đớn hiển hiện trên khuôn mặt con. Tận mắt nhìn con như thế, bạn sẽ tức giận tột cùng bởi sự bất lực của bản thân. Chúng tôi không thể giúp con bé ra đi thanh thản”.
 
Tranh đấu đòi quyền chết cho trẻ em mắc bệnh
 
Bỉ hợp pháp hóa cái chết nhân đạo từ năm 2002, cho phép chấm dứt sự sống của những người “đau khổ liên tục và tột cùng về thể chất và tinh thần mà không có cách nào giảm bớt”. Ban đầu, người ta đưa trẻ em vào danh sách hưởng cái chết nhân đạo nhưng cơ quan lập pháp của Bỉ đã gạt những đối tượng này ra.
 

Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo nằm ngoài diện hưởng cái chết nhân đạo của chính phủ Bỉ. Ảnh cắt từ video CNN.

 
Tuy nhiên, những trường hợp như bé Louise làm dấy lên nhiều tranh cãi về quyết định này. Người ta đang đề xuất dự thảo luật mở rộng quyền chết cho những người dưới 18 tuổi, người mắc bệnh nan y và không thể chịu đựng nỗi đau thể xác do những căn bệnh vô phương cứu chữa gây ra.
 
Dù những trường hợp như bé Louise không đủ điều kiện chết như dự thảo luật mới quy định nhưng mẹ cô bé tin rằng, trẻ em và những bậc phụ huynh có con mắc bệnh cần có thêm lựa chọn, trong đó có quyền được chết. “Chúng tôi muốn con cái mình có thể nói về cái chết nhân đạo. Nếu những đau đớn vượt quá sức chịu đựng của chúng, hãy để chúng tôi lựa chọn”.
 
Một số cuộc thăm dò cũng cho thấy, đa phần người Bỉ đồng ý với các nguyên tắc mở rộng, nhằm áp dụng luật cái chết nhân đạo cho trẻ em. Tuy nhiên, người ta đang tranh luận về điều kiện áp dụng cái chết êm dịu cho trẻ em, bao gồm cả độ tuổi tối thiểu cũng như vai trò của bố mẹ.
 
Kinh nghiệm từ Hà Lan
 
Trong bối cảnh dự thảo luật cái chết êm dịu cho trẻ em đang gây tranh cãi, người Bỉ có thể học hỏi kinh nghiệm của người Hà Lan, nơi pháp luật cho phép trẻ em trên 12 tuổi yêu cầu cái chết êm dịu dưới sự đồng ý của cha mẹ. Hơn 10 năm sau khi luật có hiệu lực, chỉ 5 trẻ em yêu cầu sử dụng biện pháp này.
 

Trẻ em trên 12 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo ở Hà Lan có quyền yêu cầu cái chết nhân đạo. Ảnh minh họa: Blogspot.

 
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, để trẻ em lựa chọn cái chết là điều không hợp lý. Y tá Sonja Develter, người từng chăm sóc 200 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, cho biết: “Lũ trẻ chẳng để ý tới cái chết. Mối quan tâm chính của chúng là gia đình. Thật khó đối với một đứa trẻ khi biết mình sắp ra đi nhưng lại không thể nói gì về điều đó với bố mẹ. Đó là điều mà bố mẹ chúng không muốn nghe”.
 
Develter xúc động kể lại: “Những đứa trẻ nói với tôi rằng, 'chết chẳng có gì là khó nhưng xin hãy chăm sóc bố mẹ tôi'”. Develter lo ngại, để cho một đứa trẻ lựa chọn cái chết êm dịu sẽ tạo ra những áp lực lớn lên chúng. Thậm chí, chúng sẽ cảm thấy mình là gánh nặng của bố mẹ và những người trực tiếp chăm sóc.
 
Theo Hồng Duy (Zing.vn)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.