Mẹ hắn không có chồng. Hắn mang nỗi buồn của một đứa con hoang bơ vơ không bè bạn. Lần đầu tiên tôi gặp hắn là khi tôi đang ngồi trên bức tường đổ sau trường học giữa làng. Trông thấy tôi hắn cúi gằm cái mặt xuống đất và lầm lũi đi như con rùa già nua mệt mỏi. Tôi nhìn theo cho đến khi cái bóng lom khom xiêu vẹo ấy khuất hẳn sau đám tre xanh uốn cong những cành lá xuống mặt đường. Tôi không khinh bạc nhưng cũng chẳng dám chơi với hắn bởi đám trẻ con trong làng chẳng một đứa nào chấp nhận một đứa con hoang làm đồng bọn.
Hắn lầm lũi một mình chấp nhận số phận bất hạnh ấy. Nhà hắn ở cuối làng nơi có con sông Đò chảy qua, thường có những đám trẻ con chăn trâu tụ tập ở đấy hay những anh đánh cá chiều chiều ngồi ở hàng nước của mẹ hắn để chờ tới giờ kéo cá lên. Nhưng hắn vẫn lầm lũi một mình. Hắn có gương mặt bầu bầu với đôi mắt to tròn và đôi hàng lông mày rậm rạp, đôi hàng lông mày ấy thường hay nhíu nhíu xuống mỗi khi có đứa chọc trêu. Mặc dù hắn không bao giờ nói một lời nào.
Lớn lên hắn đi bộ đội. Hắn mất hút khoảng một thời gian dài thì mọi người thấy hắn quay về làng trong một bộ dạng mới. Hắn cao hơn trước, to con hơn và đen lùi lũi. Hắn mặc bộ quần áo lính, đi cái giầy cổ cao và cái đầu tóc cắt húi cua theo phong cách nhà lính. Trông hắn có dáng vẻ của một anh lính thực sự nên đám trẻ trong làng mai mỉa gọi hắn là "anh Bộ". Hắn chỉ cười, gặp ai hắn cũng cười thật tươi như chỉ muốn làm những điều thân thiện. Nhưng vẫn chẳng ai có thiện cảm với thằng con hoang, mặc dù bọn trẻ con cũng hay líu nhíu theo chân và gọi hắn thật trìu mến: Anh Bộ.
Anh Bộ hình như trông có vẻ vui tính hơn trước, tốt bụng hơn trước và không còn lầm lũi như trước.
Nhìn hắn trần trục trục lăn lộn đánh cá ngoài sông tôi cảm thấy dâng lên trong lòng một niềm ngưỡng mộ, mặc dù chẳng có ai ưa gì hắn. Nhưng lỗi là ở mẹ hắn và một kẻ ăn cháo đá bát nào đó, hắn không đáng bị như vậy. Trong khi chúng tôi được tới lớp thì hắn lại ru rú ở mấy góc làng với những rặng tre xanh hay với những đứa trẻ con ngờ nghệch. Và giờ đây thì hắn đã trở về sau những ngày đi bộ đội, trông hắn cứng cáp hơn và có vẻ như hắn chấp nhận số phận như vậy nên vui hơn trước nhiều.
Hắn không còn nhíu đôi mày và cúi gằm mặt xuống đất mỗi khi đi ngang qua ai đó. Và hắn cũng không rỗi để lầm lũi lang thang trên những con đường mòn lởm chởm những đá sỏi, hắn mê con sông Đò hơn, mê góc làng tận cuối dòng sông nơi mẹ hắn ngồi bán nước cho những anh hàng chài.
Đã đôi lần tôi muốn tiến lại bắt chuyện với hắn. Nhưng không hiểu sao tôi cứ cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ làm sao. Hắn có cái vẻ ung dung của một hiền triết hay suy tư, tư lự cuộc đời. Hắn có cái dáng đường hoàng của một con người tử tế, ánh mắt đen và sâu của một người am hiểu cuộc đời. Mặc dù có đôi lần tôi muốn tiến lại và làm quen với hắn. Nhưng hắn vẫn là thằng con hoang không được bọn trẻ chấp nhận.
Mùa mưa đến mang theo cái lạnh ngai ngái một mùi hơi sương ẩm. Tôi gặp hắn một tay cầm lưới một tay nắm chặt rổ cá lóp ngóp lên bờ khi tôi ngồi bên mạn thuyền trên dòng nước sông Đò. Không hiểu tại sao tôi lại là người bắt chuyện trước:
"Nước lớn thế này mà vẫn bắt được cá cơ à?"
Hắn ngoảnh đầu về phía tôi, sau giây phút thẫn thờ, hắn đáp:
"Ừ... chẳng có việc gì để làm, đành ra đây chơi nước".
Tôi vẫn nhận thấy vẻ ngại ngùng trong giọng nói của hắn. Chẳng biết phải nói gì nữa, tôi bỗng trở nên ấp úng:
"Ừ, anh Bộ chăm chỉ thật".
Hắn chỉ cười. Khi thuyền cập vào bến, tôi vừa đặt chân lên bờ thì hắn chạy về phía tôi và chìa ra con cá to bằng bắp chân được xâu qua mang bởi một sợi dây tre nhỏ xíu. Hắn cười cười với tôi:
"Có con cá... thầy mang về mà nấu canh".
Tôi đứng sững một lát, chìa tay ra nắm lấy xâu cá rồi nhìn theo dáng hắn lom khom đi về phía nương ngô. Chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên tôi cảm thấy xót xa cho bà mẹ đã sinh ra anh Bộ cô đơn ở cuối làng, nơi có con sông Đò chảy qua. Cuộc đời có khi chỉ là những vòng luẩn quẩn, thời gian như sợi dây vô hình rối vò quấn quanh chân những kẻ anh tài.
Cách đó hai hôm về sau, trong lúc qua đò sang làng bên thăm đứa học trò bị ốm, tôi lại bắt gặp hắn đang lom khom ở dưới sông. Trông cái dáng vẻ của hắn tôi lại nghĩ đến các vị anh hùng trong tiểu thuyết kiếm hiệp với những tháng ngày lao lũ dưới bùn sâu chờ ngày định mệnh để vùng lên giúp nước cứu đời.
Làng quê tôi bình yên sau lũy tre xanh không có mùi binh đao khói lửa, cũng không tấp nập sầm uất như những chốn thị thành. Ai ai cũng dạy con những lời hay điều tốt, dạy phải học hành tử tế để làm thầy giáo, cô giáo... Chẳng có ai dạy con mình phải cố gắng để trở thành anh Bộ cả. Anh Bộ chỉ là thằng con hoang không được học hành tử tế, không được sống bình thường. Nhìn anh Bộ lam lũ dưới sông như một tay culi đang cặm cụi với công việc.
"Chào thầy, thầy đi đâu giữa lúc nước sông lạnh lẽo thế này?"
Hắn ngẩng đầu lên hỏi bằng một giọng cứng cáp và thân thiện hơn trước. Vẫn trong tư thế ngồi ấy, tôi mỉm cười:
"Tôi sang bên kia thăm đứa học trò bị ốm".
Trong làn sương lạnh chắc hẳn hắn không nghe thấy rõ tiếng tôi trả lời nên chỉ gật gật cái đầu tỏ ra nuối tiếc. Tôi phải đứng lên trên mạn thuyền hét thật to để cho hắn có thể nghe thấy:
"Trời lạnh lắm đó, anh Bộ không sợ bị cảm à?"
Lần này thì hắn nghe thấy. Hắn lắc lắc cái đầu rồi nói thật to:
"Có lẽ trời cũng không giết được thằng Bộ này đâu".
Tôi nghe chừng như có vị lờ lợ, xót xa trong câu nói của hắn. Tôi đứng lặng người cho tới lúc thuyền cập tới bờ bên kia mới sực nhớ ra chưa kịp cảm ơn anh Bộ về con cá hắn cho bữa hôm. Nhưng có lẽ sẽ không còn cơ hội nào để cho tôi kịp cảm ơn nữa. Bởi mấy hôm sau tôi tìm tới nhà hắn chơi thì được mẹ hắn cho biết, có giấy của cấp trên gọi, hắn tức tối khăn gói lên đường đã được mấy hôm.
Tôi lặng lẽ quay trở về trên con đường làng ẩm ướt những đống rơm mát dưới chân, những cọng tre nặng nề trĩu xuống như muốn trút những giọt sương trong trẻo cuối cùng. Những lời bàn tán nói chuyện xa xa đâu đó vọng lại những tiếng nặng nề, bập bõm: "Anh Bộ... thằng con hoang...".
Theo Đình Hiệp
Đời Sống Gia Đình