Tân chuyển về chỗ trọ được hơn một tháng. Khu đất chỗ Tân ở bị ngăn cách khỏi xóm trọ bằng một bãi đất trống nên không ồn ào. Tân đang cần yên tĩnh để học thi nên anh chẳng mong gì hơn thế.
Hình như bà Năm chủ nhà không muốn Tân đi nên giao kèo thuê được ký trong tích tắc. Đồ đạc của cậu sinh viên chỉ có một va-li toàn sách, quần áo và nồi niêu lỉnh kỉnh. Tân sắp xếp, quét dọn chúng một ngày là chỗ ở mới đã tinh tươm.
Cách không xa chỗ Tân ở là một khu đất bỏ hoang và sâu phía trong có một nghĩa địa. Buổi tối, người yếu tim nhìn ra phía đó cũng thấy sởn gai ốc nhưng Tân không ngại. Anh chỉ hơi tò mò về căn nhà nhỏ luôn đóng cửa im ỉm, nằm cách căn mình đang thuê một hàng rào cắm xiêu vẹo. Đó là nhà của một ông lão lập dị.
Buổi chiều, thùng mì gói dự trữ hết nhẵn. Cơn đói cồn cào khiến anh phải chạy ra quán cóc ở khu nhà gần đó. Vừa thấy Tân, bà bán hàng nhìn chằm chằm:
- Cậu là người ở đâu đến?
- Dạ, cháu đi học ở thành phố...
- Hèn gì, cậu ta ở xa không biết mới dám đến chỗ đó trọ. Cậu thiệt là gan cùng mình.
Tân ngạc nhiên hỏi ngay:
- Sao bác lại nói vậy?
Bà chủ quán nhanh miệng kể:
- Cậu không biết gì sao, cái căn nhà kế bên nhà cậu là của ông lão gàn dở. Ai ở gần ổng trước sau gì cũng xảy ra chuyện cho coi!
Mấy bà kế bên nghe thấy cũng vội vã góp chuyện. Theo lời kể của mọi người, ông lão quái dị kia đến cất nhà ở bãi tha ma này đã từ lâu lắm. Không ai biết ông ta từ đâu đến, làm nghề gì. Cứ sáng sớm, ông ra khỏi nhà đến nhá nhem tối mới về. Ông ta không giao thiệp hay tiếp xúc với bất kỳ ai. Có lần, một thằng nhỏ xóm đá quả bóng lọt vào căn nhà của ông. Nó đánh bạo leo rào vào lấy. Nhưng khi chạy ra, mặt nó tái mét, cắt không còn giọt máu. Người lớn hỏi mãi nó mới kể khi vào, căn nhà tối om, quả bóng hình như rơi xuống gầm giường. Nó bò xuống lấy thì nắm phải vật gì mềm mềm động đậy. Bỗng những ánh mắt xanh lè như ma trơi phát ra từ bóng tối, sợ quá tung cửa chạy.
Từ đó, không còn ai dám bén mảng đến gần bãi đất trống ấy nữa. Đó cũng là lý do Tân thuê được căn nhà với giá rẻ mạt như vậy...
Trước những điều nghe được, Tân thầm nghĩ: "Tất cả chỉ là do những người dân ở đây vẫn còn tin dị đoan, ma quỷ. Vả lại, ở đây gần cả tháng, mình đâu có thấy sự gì lạ. Nhưng dù sao, cẩn thận vẫn hơn!".
Tối đó, Tân đang chìm trong giấc nồng, bỗng một tiếng động khiến Tân choàng tỉnh. Ban đầu, âm thanh nghe giống như mấy con chuột hay rúc trên gác mò ra kiếm ăn. Tiếng rên ư ử ngày càng lớn dần. Tân bắt đầu hồi hộp. Anh nhìn qua khe cửa, từ phía bên kia, ánh đèn le lói vẫn hắt ra.
Hít một hơi thật sâu, Tân lấy lại bĩnh tĩnh rồi nghe ngóng. Anh nghe tiếng mở cửa, cánh cửa gỗ kêu ken két. Bóng ông lão lướt qua màn đêm, nhẹ nhàng không một tiếng động. Nhờ luồng ánh sáng từ trong nhà hắt ra, Tân thấy ông ta ôm một vật gì đó và đi về hướng khu nghĩa địa. Tân quyết định đi theo ông lão để tìm hiểu cho ra lẽ.
Dù đêm nay có trăng nhưng mây vẫn vần vũ trên đầu, tất cả chìm trong một màn đêm ma quái. Chàng trai bám lấy ông lão đang đi khập khiễng phía trước. Những gò đống và đất nhão dưới chân Tân vất vả lắm mới không bị vấp ngã. Nhưng ông già cứ xăm xăm tiến về phía trước. "Rõ ràng ông ta thường xuyên ra đây", Tân thầm nghĩ.
Bỗng dưng ông ta dừng lại đột ngột. Cái bao được hạ xuống, một vật gì màu đen phóng ra, kêu lên một tiếng thảm não như tiếng khóc trẻ con. Tân lạnh gáy, hai chân bắt đầu run.
Ông lão ngồi xuống trên một cái mả đất và cất tiếng hát. Giọng hát nhừa nhựa, nấc từng hồi nghe tha thiết, buồn bã. Bất ngờ Tân thấy những vật gì động đậy, kéo đến ngày càng nhiều bám lấy ông lão. Trong bóng tối, những ánh mắt xanh lè, quái dị và di động.
Bất ngờ mây tan dần, mặt trăng nhô ra, hắt lên một quầng sáng khắp khu nghĩa địa. Ông lão quay lại. Tân giật mình không biết nấp vào đâu. Ánh mắt lão chạm thẳng vào mắt anh. Lần đầu tiên, Tân thấy rõ ràng khuôn mặt ông già. Anh thét lên một tiếng rồi bỏ chạy thục mạng. Anh vấp phải một cái mả, ngã vật ra, đầu đập mạnh xuống đất không biết gì nữa.
Tỉnh lại, Tân thấy mình đang nằm tựa đầu vào một tảng đá lớn, đầu vẫn nhức buốt vì cú ngã. Khắp người Tân mồ hôi vã ra như tắm, anh run bần bật.
Trong ánh sáng đó, Tân thấy rõ tròng mắt trắng dã, khuôn mặt dị dạng xấu xí khủng khiếp của lão nhìn thẳng vào mình: "Thật khủng khiếp, không chừng lão giết mình mất, lão đang làm những việc ám muội tại đây!", nghĩ thế Tân gượng đứng dậy.
- Này, cậu định đi đâu đó?
Một giọng khó nghe vang trong đêm thanh vắng. Tân hoảng hồn quay lại, chính là ông lão, ngay bên cạnh Tân. Tân ú ớ:
- Tôi...
- Cậu cứ ngồi đó nghỉ một lát, ta không ăn thịt cậu đâu mà sợ...
Song hai từ "ăn thịt" lại càng làm cho Tân nổi da gà. Ông ta tiếp:
- Cậu theo dõi ta nãy giờ?
- À, cháu chỉ...
- Chắc cậu cũng nghĩ ta là kẻ xấu xa chứ gì?
- Người bình thường ai lại ra nghĩa địa giờ này.
Tân đánh bạo nói.
- Cậu không hiểu đâu...
Ông lão chỉ thở dài rồi ngồi sụp xuống đất, tay mân mê những sinh vật đang quấn dưới chân.
Những con vật đen thui đó, giờ Tân mới bình tĩnh nhìn rõ là những con mèo hoang. Chúng bám lấy chân ông già tỏ vẻ thân thiết. Một con mèo đánh bạo đến gần Tân. "Meo...meo...", nó cất tiếng kêu thảm não y hệt tiếng của một đứa con nít. "Vì chúng mà ông ta ra đây giờ này ư?", Tân thầm nghĩ.
- Các con lại đây! Ông cho ăn.
Ông già âu yếm gọi chúng bằng con. Rồi ông trút bao tải ra nào là bánh mì, cơm, cá vụn. Lũ mèo xúm lại tranh nhau ăn.
- Chắc cậu thấy ngạc nhiên vì ta nuôi lũ mèo này phải không?
Tân khẽ gật đầu.
- Chúng là lũ mèo hoang, lạc loài, không gia đình như ta đây. Chúng không bao giờ chê ta xấu xí hay kinh sợ ta. Chúng cũng sẽ không bao giờ bỏ ta mà đi cả... Chắc cậu đã thấy khuôn mặt ta rồi nhỉ?
Tân gật đầu.
- Vậy ta cũng chẳng cần giấu giếm nữa.
Ông lão lấy cái mũ sùm sụm ra khỏi đầu. Một lần nữa, Tân lại giật mình. Khuôn mặt ông có nhiều vết sẹo ngắn dài chạy ngang lớp da nhăn nhúm, kéo lệch về một bên như bị bỏng. Đặc biệt là đôi mắt có vẻ ma quái, xếch lên như mắt mèo, chỉ thấy hai tròng mắt trắng dã. Rõ ràng, khuôn mặt này có thể khiến những người yếu bóng vía chết khiếp.
- Tại sao khuôn mặt ông lại ra nông nỗi này?
Tân ấp úng hỏi rồi chợt nhận ra mình thật độc ác. Thế nhưng ông lão đáp rành rọt:
- Nếu cậu không sợ lão già này, ta sẽ kể cho cậu nghe.
Trong màn đêm thâm u, giọng ông lão đều đều, trở về quá khứ của đời mình nhiều năm về trước.
Gần ba mươi năm trước, dân giang hồ ở thành phố này đều biết danh Ba Tàng. Hắn là dân tứ xứ trôi dạt, không cha mẹ, không gia đình. Trời không thương nên ban cho hắn khuôn mặt của một tên bất lương.
Khuôn mặt hắn nhọn và dài, điểm trên đó là hai con mắt đáng sợ. Chúng ti hí, nhìn chỉ như một nét mảnh nhưng xếch ngược lên như mắt mèo hoang với hai tròng mắt trắng dã. Những nơi hắn tới xin học nghề hay xin việc, người ta đều né tránh hoặc xua đuổi hắn như đuổi tà. Họ dè bỉu không chút e ngại: "Kẻ nào ti hí mắt lươn, trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người".
Sau đó, hắn may mắn được theo một gánh xiếc với công việc là làm "bia" cho người ta phóng dao. Vài năm sau, vì khó khăn, gánh xiếc giải tán. Chỗ dung thân của hắn cũng không còn. Với chút võ nghệ học lỏm, Ba Tàng bắt đầu lập băng nhóm rồi dần trở thành một tay anh chị sừng sỏ có tiếng ở những bến cảng.
Cho đến một ngày định mệnh nọ, một băng đảng khác bất ngờ kéo đến trả thù. Khi ấy, hắn đang ốm nên không chống cự được những nhát dao xối xả. Lũ đàn em bỏ mặc hắn chạy tán loạn. Mình mẩy đầy máu, hắn cố lết tới một gầm cầu rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, hắn thấy mình đã nằm trong bệnh viện.
Lẽ ra, hắn đã chết nếu không được một người đàn bà bán hàng rong sống dưới gầm cầu cứu giúp. Chính cô đã cứu và chăm sóc hắn suốt những ngày lâm nạn. Lần đầu tiên, có người gọi hắn bằng những tiếng "anh" bình dị chứ không phải "mày tao" hay những lời chửi rủa. Đó cũng là lần đầu tiên có một bàn tay cho hắn tô cháo, chén nước chứ không phải là những cú đấm đá, những cái tát.
Hắn ứa nước mắt nhìn người đàn bà khoảng bốn mươi tuổi, thấp bé và hiền hậu. Cô ta tin Ba Tàng là người tốt và không xét đoán hắn qua vẻ bề ngoài. Cô chỉ biết hắn là một người đàn ông dịu dàng. Và rồi Ba Tàng quyết tâm làm lại cuộc đời. Hai con người khốn khổ quyết định nương tựa vào nhau mà sống.
Hai vợ chồng tìm một nơi thật xa ở ngoại thành để tránh xa bọn đàn em và ân oán cũ. Hắn làm thợ hồ, bốc vác, thậm chí đủ mọi nghề.
Ngày biết vợ mang thai là ngày hắn hạnh phúc nhất. Hắn làm việc cật lực chờ đón đứa bé ra đời. Vậy mà trời cũng không thương. Chỉ còn cách ngày sinh dăm bữa, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi ngôi nhà.
Khi hay hung tin, hắn đang bốc vác gần đó lao như điên về nhà. Bất chấp ngọn lửa đang bùng lên dữ dội, hắn lao vào cứu vợ. Đám lửa táp vào khuôn mặt hắn bỏng rát, đau đớn nhưng hắn cũng mặc.
Vợ hắn được đưa vào bệnh viện nhưng đã chết ngay trên bàn mổ, chỉ cứu được đứa con. Sau nỗi đau cùng cực, nhìn khuôn mặt đứa con trai còn đỏ hỏn thiếu sữa khóc ngằn ngặt, hắn nghiến răng thầm nhủ: "Mình phải sống, vì con".
Một tin dữ nữa ập đến khiến hắn như quỵ ngã. Bác sĩ chẩn đoán thằng bé bị mắc hội chứng Down. Hắn đưa con đi khắp nơi để chữa trị nhưng vô vọng. Hắn chấp nhận làm bất kỳ nghề nặng nhọc, thấp hèn nào để sống qua ngày và nuôi con.
Hai cha con đùm bọc nhau sống lay lắt hết công trình này đến công trình khác. Nhiều lần nhìn thằng bé nhặt nhạnh mấy thứ ở bãi rác chơi, hắn quặn lòng. Nhưng tiền đâu mua đồ chơi cho con. Hắn lấy đất sét, tập tành nặn cho nó con gà, con chó, rồi hạnh phúc khi nghe con cười những tiếng cười khanh khách...
Vậy mà sau một cơn bạo bệnh, thằng bé chết trên tay hắn khi mới tám tuổi. Trước khi chết, nó còn ôm chặt trong lòng chú ngựa hắn đã tỉ mỉ nặn bằng đất sét.
Khi đó, người đàn ông mất con hoàn toàn suy sụp. Trong cơn điên loạn hắn đã chạy mãi, chạy mãi và ra tới bãi tha ma này. Nhìn con kênh nước đen ngòm như cuộc đời mình, hắn định nhảy xuống tự vẫn. Bỗng có một vật gì âm ấm, mềm mềm níu lấy chân hắn.
Trong đêm, ánh mắt xanh lập lòe của con mèo như nhìn hắn van lơn, thân thiết. Rồi cả một đàn mèo kéo đến, chúng chạy nhảy xung quanh. Chao ôi, người đàn ông ấy ngồi sụp xuống và khóc như một đứa trẻ. Hắn bị cả cuộc đời này ruồng rẫy, chì có loài thú hoang ở bãi tha ma này biết hắn còn cần tình thương... Đêm đó, hắn quyết định ở lại chốn này với bầy mèo và sẽ làm chuyện gì có ích cho những kẻ cô đơn, bất hạnh như mình.
Trong ánh sáng mờ ảo của bình minh, Tân thấy đôi mắt ấy đã dịu trở lại. Ông lão kết thúc câu chuyện của mình bằng một tiếng thở dài. Sau đó, ông ngỏ ý muốn Tân đi cùng đến một nơi. Anh nhẹ nhàng gật đầu.
Chiều nay, thi xong môn cuối, Tân vừa về tới nơi đã thấy cả xóm bu kín con kênh. Cái bao quen thuộc nằm lăn lóc trên bờ. Chen vào đám đông, Tân thấy ông lão đang nằm trên đất, toàn thân ướt sũng. Đứng bên cạnh đó một bà mẹ đang ôm đứa bé khóc thảm thiết.
Thì ra thằng bé nghịch dại, lội xuống con kênh lấy trái banh. Không ngờ nước lớn, thằng nhỏ hụt chân, chới với. Lũ bạn hốt hoảng hét ầm lên chạy về báo người lớn.
Khi người ta kéo đến đây đã thấy thằng nhỏ ở trên bờ, mặt cắt không chút máu chỉ về phía ông lão đang nằm ngất lịm. Người ta không ngờ ông lão họ kinh sợ bấy lâu đã lao xuống kênh cứu đứa bé. Người ta còn ngạc nhiên hơn khi khuôn mặt xấu xí của ông dưới chiếc mũ được phơi bày. Song không ai còn lên tiếng bàn tán gì.
Tân vội ngồi thụp xuống cùng hai người nữa cõng ông lão về căn nhà nhỏ. Cả xóm kéo theo.
Khi cánh cửa được mở ra, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng. Hoàn toàn không như những gì họ đã tưởng tượng. Căn nhà ngăn nắp và cũng chẳng có gì quái dị. Một chiếc giường con kế bên một chiếc kệ nhỏ có những bức tranh với những nét vẽ nguệch ngoạc và vài quyển tậo học trò. Trên kệ tủ đầy những bức tượng hình thù bằng đất sét.
Tân đỡ ông lão nằm xuống giường. Ai nấy đều dạt ra. Những người phụ nữ thường tụ tập nói xấu ông giờ đây chỉ nép vào một góc nhà, cúi gằm mặt im lặng.
Ông không nói gì, chỉ nhẹ nhàng kêu Tân lại dặn dò. Ông đã yếu lắm. Đến tối, ông lão nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Ngày đưa ma, cả xóm đều đến đưa ông về cuối khu nghĩa địa. Đêm ấy, mọi người đều nghe tiếng mèo thê thiết ở cuối bãi hoang, hệt như tiếng trẻ con khóc.
Khi cánh cửa sắt của trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi mở ra, Tân lại nhớ lần đến đây cùng ông lão sau đêm đầu tiên đụng mặt.
Sáng đó, anh e dè bước theo ông lão vào đây dù chưa hiểu chuyện gì. Khi hai người vừa vào, mấy đứa nhỏ trông thấy ông đã chạy ùa ra, reo đón. Ông nhanh nhẹn lấy trong bao ra những món đồ chơi bằng đất sét chia cho chúng.
Suốt mười mấy năm nay, ngày nào ông cũng vào trung tâm này, làm những việc lặt vặt. Ông chơi với lũ trẻ, cho chúng ăn, giúp chúng vệ sinh... Ở đây, bọn trẻ và mọi người thân thương gọi ông là "ông Ba".
Người đàn ông sống đến cuối cuộc đời đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong từng lời nói ngô nghê của những đứa trẻ thiếu thốn tình thương. Ông muốn giúp bọn trẻ sống tốt trong quãng đời còn lại. Trong vòng tay lũ trẻ, ông như sống lại với nỗi khát khao được làm cha. Nhận được những bức tượng con gà, con thỏ do ông tỉ mẩn làm, mấy đứa nhỏ thi nhau tô vẽ bằng những nét cọ nguệch ngoạc. Chốc chốc, lại có đứa chạy tới, ôm chầm lấy ông hôn. Ông cười hạnh phúc, ánh mắt dịu dàng và nói chuyện với chúng như với những đứa trẻ bình thường.
Ông còn kiên nhẫn dạy chúng đọc, viết, hát những bài hát trong đó có cha, có mẹ. Ông muốn chúng tin rằng, luôn có mái ấm dành cho chúng ở đâu đó trong cuộc đời này.
Sáng nay, khi Tân mang đến những món quà cuối cùng như tâm nguyện của ông lão, bọn trẻ nhìn anh ngẩn ngơ. Chúng níu lấy tao áo anh và ngọng nghịu cảm ơn khi anh phân phát mấy bức tượng. Tân lấy tay dụi mắt.
Anh vẫn còn bùi ngùi khi nhớ lúc ông lão hấp hối. Trước khi ra đi, ông đã nắm chặt lấy tay Tân thều thào: "Nếu con trai ta còn sống, nó cũng bằng con. Con trai...".
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Tân thấy dòng lệ đùng đục rơi xuống từ hốc mắt trắng dã của ông lão. Anh nhận ra cuộc đời này mới kỳ lạ làm sao. Những kẻ bên lề cuộc sống như những dây leo oằn mình trong cơn bão, tìm đến nhau, bám víu lấy nhau để vươn lên. Người này trao tình yêu thương cho người kia để sống.
Tân trở về căn gác cũ, anh quyết định ngày mai sẽ chuyển đi. Đêm ấy, khi dọn đống sách vở, như quán tính anh liếc nhìn ra ngoài cửa sổ. Trăng sáng lắm, hắt bóng xuống dòng kênh đen. Phía bên kia bãi đất hoang, văng vẳng những tiếng mèo kêu nhớ thương, ai oán.
Theo Ngọc Vân