Huế với nhiều người dân Việt Nam đó là những cô gái mặc áo dài tím đội nón lá đi dọc cầu Tràng Tiền thơ mộng bên dòng Hương Giang, là những món ăn dân dã làm đắm say lòng người, là những kiến trúc cổ đẹp đến mê hoặc. Là vùng quê mà nhà thơ Tố Hữu phải thốt lên một câu thơ như xé lòng mỗi khi nhớ về quê hương mình: "Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên".
Quê cha tôi ở Huế nhưng từ bé đến lớn tôi lại được nuôi dưỡng ở Đak Nông - miền Tây Nguyên đất đỏ mà chưa một lần được về thăm quê. Tôi chỉ biết đến quê hương qua giọng nói trọ trẹ mà ba vẫn còn giữ được sau bao năm đi xứ. Và đi đến đâu ba đều tự hào mình là người Huế, là người con của đất cố đô với bao giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chính vì vậy mà lần đầu tiên đến Huế, tôi muốn đi khắp nơi, khám phá hết mọi ngóc ngách của vùng đất này để bù đắp lại những ngày tháng thiếu quê hương. Nơi đầu tiên tôi đến là chùa Thiên Mụ - di tích lịch sử đã trải qua 400 năm dâu bể cuộc đời, là niềm tự hào của người dân bản xứ thơ.
Trải qua bao cuộc bể dâu...
Trải qua một hành trình dài trên sông Hương, tôi mới đến được chùa Thiên Mụ. Bước chân đầu tiên đặt lên đất chùa khiến lòng người thanh tịnh, những mệt mỏi dường như bỏ lại sau lưng khách hồng trần. Theo lời giải thích của chị chủ thuyền - người làm nghề lái đò trên sông Hương 20 năm, dù du khách thập phương đi đâu, về đâu thì khi ghé lại chùa Thiên Mụ đều có cùng cảm giác ấy. Cảm giác nghe tiếng chuông chùa làm thức tỉnh một cõi tâm linh mà dường như đã bỏ quên trong cuộc mưu sinh giữa dòng đời.
Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ 17, đất nước vô cùng bạo loạn do sự phân tranh của nhà Lê - Trịnh - Mạc. Năm 1558, Chúa Nguyễn Hoàng vì muốn bảo toàn lực lượng đã xin vua cho vào trấn thủ ở Thuận Hóa (Thuận Hóa bao gồm ranh giới các tỉnh:Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Khi đi ngang qua Thừa Thiên Huế, người nghe được lời sấm truyền với nội dung sẽ có một minh chúa xuất hiện và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng hỗn loạn do sự tranh quyền đoạt lợi. Chính vì thế, Chúa Nguyễn cho người xây dựng chùa Thiên Mụ, ghi dấu cho sự khởi đầu của một vương triều sắp ra đời và cũng là để tuân theo mệnh trời.
...Vẫn uy nghiêm hùng vĩ
Chùa Thiên Mụ chính thức thành lập vào năm 1601. Cho dù trải qua khá nhiều biến cố lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, chùa vẫn sừng sững uy nghiêm hùng vĩ một góc trời. Nhìn rất xa, từ trên thuyền du ngược sông Hương, du khách sẽ nhìn thấy bóng dáng uy nghi của ngọn tháp Phước Duyên - biểu tượng của chùa Thiên Mụ. Tháp hình bát giác cao 21m, bao gồm bảy tầng. Con số bảy được xem là con số may mắn theo quan điểm của nhà Phật, đem lại sự trường tồn, vĩnh cửu. Bên trong mỗi tầng tháp đều thờ nhiều bức tượng Phật mà du khách có thể theo những bước cầu thang để tham quan.
Toàn bộ kiến trúc của chùa có ý nghĩa đặc biệt. Nhìn từ trên cao, vùng đất xây chùa có hình dáng như vị thần Kim Quy, một trong tứ linh của trời đất bên cạnh Long, Lân, Quy, Phụng mang lại điềm lành, may mắn. Hơn thế nữa, Thần Kim quy lại quay đầu ra uống nước sông Hương, đấy chính là vị trí linh thiêng. "Địa linh" sẽ sinh ra "nhân kiệt" phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước thịnh vượng phồn vinh.
Ngoài điện thờ chính là điện Đại Hùng, chùa còn có các gian điện ở phía sau, nơi tu luyện phật pháp của các nhà sư. Cuối đường là khu mộ thờ trụ trì chùa - hòa thượng Thích Đôn Hậu, một nhà sư hết lòng vì đạo, lúc sinh thời thì xuất thế chuyên tâm lĩnh ngộ Phật pháp, khi đất nước lâm nguy vẫn sẵn sàng nhập thế để giúp đời. Chính vì thế, khi người viên tịch, các vị cao tăng quyết định cho xây dựng khu mộ tháp để người mãi là tấm gương đạo đức soi sáng cho Phật tử noi theo.
Bước đến cổng chùa, du khách như chìm trong không gian thiền của đạo Phật. Tiếng gió hát bên sông, tiếng thông reo xào xạc nghe như tiếng lòng, chiêm nghiệm quá khứ xa xưa để trân trọng hiện tại, để thấy cuộc sống vẫn tươi đẹp làm sao...
Dấu xưa tích cũ
Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) được Chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng từ năm 1601. Trong khuôn viên chùa vẫn còn lưu lại hai tấm văn bia ghi lại quá trình hình thành và trùng tu lại chùa Thiên Mụ do Chúa Nguyễn Phúc Chu và Vua Thiệu Trị cho ghi lại.
Ngoài ra, chùa còn giữ được một hiện vật vô cùng giá trị đối với lịch sử Phật giáo nước nhà. Đó là chiếc xe ô tô mà "trái tim bất tử" - cố hòa thượng Thích Quảng Đức, đã dùng lần cuối cùng trước khi tự hỏa thiêu để phản đối chính sách phân biệt tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Theo Nguyên Trang