Những ngày qua, “21/12”, “Ngày tận thế”, “Ngày phán xét” là những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên internet từ mọi quốc gia trên thế giới.
Tại Nga, hàng loạt phương tiện truyền thông đưa tin về “Ngày tận thế” tạo ra một làn sóng bất an, ngoại trừ các thương nhân. Không bỏ lỡ dịp may hiếm có, họ đã lợi dụng thậm chí còn tìm cách kích động sự sợ hãi của người dân để trục lợi.
Một số công ty ở Nga đang bán những bộ dụng cụ giúp đối phó trong trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, tại thành phố Tomsk ở Siberia, bộ dụng cụ như vậy bao gồm thẻ ID, sổ tay, cá hộp, một chai vodka, dây thừng, một miếng xà phòng. Với khoảng 30 USD, người mua còn có thể nhận được nến, diêm, đồ sơ cứu cũng như các trò chơi để giải trí.
Tại nhiều thành phố khác, các quán bar và câu lạc bộ đêm lại “chào
đón" "Ngày tận thế" theo cách vô cùng “khác người” khi quảng cáo về một
loại cocktail đặc biệt mang tên “Total Recall” - thức uống có cồn được
cho là sẽ khiến người sử dụng nhớ lại toàn bộ cuộc đời mình. Kỳ lạ là
chẳng biết hiệu quả của nó đến đâu nhưng lượng tiêu thụ mỗi ngày luôn ở
mức kỷ lục, vượt qua mọi loại đồ uống khác.
Cũng ăn theo sự kiện này, ngay thời điểm trước thềm năm mới, các công ty du lịch vội tung ra các tour du lịch.
Tại thành phố Nizhny Novgorod còn có tour “Ngày tận thế” (được cho là
chuyến đi cứu rỗi), tuy rất ngắn và mức giá khá đắt đỏ - 2.600 đến 5.000
USD - nhưng đều đã cháy vé. Hay với 79.000 USD cho mỗi cặp đôi, khách
sạn Mayakoba Rosewood ở Riviera Maya (Mexico) hiện cung cấp gói “The
Ultimate New Beginning”, bao gồm quá trình tẩy rửa linh hồn với pháp sư
người Maya và một tour đi bằng trực thăng cá nhân tới các điểm khảo cổ
học nổi tiếng. Tại khu resort JW Marriott ở Cancun, du khách có thể ghé
thăm các di tích cổ của Chichen Itza và trải nghiệm dịch vụ spa ở đây
dựa trên phương pháp trị liệu của người Maya.
Ở Mỹ, hàng loạt khách sạn trong thời điểm kinh tế khó khăn này cũng
tranh thủ “kiếm chác”. Với mức giá 666 USD, The Keating ở San Diego hiện
đang bán gói “End of the World” gồm một bữa ăn cuối cùng và các lớp học
hữu ích giúp bạn có thể sống lại sau khi trở thành… thây ma. Ngoài ra,
“nếu bạn trả trước tiền phòng sau ngày 21, bạn sẽ được giảm giá 40%”.
Kate Thompson, giám đốc bán hàng và marketing của khách sạn nói: “Giống
như một canh bạc, nếu thế giới không kết thúc, người bán sẽ được một món
hời lớn, nhưng nếu có, thì sẽ mất khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, nếu
mọi thứ bị hủy diệt thật thì tiền đâu còn là vấn đề quan trọng. Canh bạc
này dựa trên niềm tin rằng sự sống sẽ tiếp tục tồn tại”. Ông cho biết
mục đích của dịch vụ này là gây tò mò – đích đến của bất kỳ loại quảng
cáo nào.
Ngoài ra, trong bữa tiệc ở nhà hàng Margaritas (Mexico) tới đây sẽ có
một cuộc thi chủ đề “nếu bạn là người cuối cùng trên trái đất” với một
ứng dụng cho phép người dùng tạo ra những tấm bưu thiếp để chia sẻ với
bạn bè về giây phút cuối cùng trước khi từ giã trần thế.
Thuộc top những sản phẩm điên rồ nhất có thể nghĩ ra trước “Ngày tận
thế”, chính sách bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Apocalypse đã mang lại
hiệu ứng không ngờ. Năm 2012, Apocalypse tung ra gói bảo hiểm chỉ với 10
USD dành cho tất cả các kịch bản có thể diễn ra trong “Ngày tận thế”
như sự xâm lược của ngoài hành tinh, sự va chạm giữa các thiên thạch hay
sự đảo ngược của cực từ trên trái đất. Nghe như một trò đùa nhưng thực
tế, doanh thu bán hàng của Apocalyps lại không đùa chút nào. 2012 có thể
là năm mà nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng chắc chắn không phải là
Apocalyps.
Một phương án kinh doanh khác không kém phần hiệu quả là hình thức hẹn
hò trực tuyến, đánh vào tâm lý chẳng ai muốn kết thúc cuộc sống trong
khi vẫn cô đơn. Cùng khẩu hiệu: “Đừng đối mặt với tương lai một mình”,
các trang web như Survivalist Singles hay Kwink chuyên cung cấp dịch vụ
này với mức phí 5USD/tháng đã tăng vọt từ 400 thành viên vào cuối năm
2010 lên tới 1640 và tháng 3/2012 và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.