Vì sao Monaco lại trở thành điểm đến hấp dẫn cho những cầu thủ hàng đầu thế giới? Việc họ bỏ tiền ra chiêu mộ các siêu sao sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bóng đá Pháp? Và liệu có công bằng không khi họ phải hứng chịu những án phạt?
Có một số thống kê thú vị về Monaco, một công quốc bé nhỏ đến mức gần như khôi hài. Trong khi chỉ có 35.427 dân, Monaco đã thu hút người của 125 quốc gia trên thế giới tới sinh sống. Tỉ lệ thất nghiệp là 0%, thuế thu nhập cá nhân là 0% và số ông chủ đội bóng người Nga đang gây chuyện với quan chức bóng đá Ligue 1 là Một.
Đó chính là Dimitri Rybolovlev, một đại gia Uranium được tạp chí Forbes xếp hạng 119 trong số những người giàu nhất thế giới. Năm 2011, ông Rybolovlev thể hiện lòng biết ơn với công quốc bằng cách mua lại đội bóng của vùng này, A.S. Monaco. Ngay lập tức, những bản hợp đồng đắt giá nhất châu Âu liên tục được đưa về sân Stade Louis II.

Ông chủ Dimitri Rybolovlev của Monaco
Những ông chủ lắm tiền nhiều của nước ngoài chẳng hiếm trong thế giới bóng đá: Roman Abramovich ở Chelsea, Sheikh Mansour ở Man City hay Quỹ đầu tư Qatar ở Paris Saint-Germain. Nhưng Monaco hoàn toàn khác.
Rybolovlev không những có thể trả lương cực cao cho các cầu thủ, cho họ cơ hội được giao lưu với những VĐV thể thao hàng đầu thế giới tại một trong những vùng đất đẹp đẽ, giàu có nhất thế giới. Hơn tất cả, ông có thể giải phóng họ khỏi thứ “gông cùm” có tên là thuế thu nhập cá nhân.
Điều này quá tuyệt diệu, nó sẽ khiến các cầu thủ thu nhập hàng triệu euro mỗi năm hết sức hài lòng. Và nó cũng khiến các đội bóng khác ở Ligue 1 rơi vào thế bất lợi. Trong khi một cầu thủ không phải nộp thuế cá nhân ở Monaco, thì đồng nghiệp của anh ta ở Pháp sẽ phải chịu mức thuế kỷ lục 45%. Nhiều ca sĩ, diễn viên Pháp thậm chí đã từ bỏ quốc tịch, “đào tẩu” sang Monaco vì không muốn trả gần một nửa thu nhập của mình cho chính quyền.
“Thành thật mà nói, bạn có thể cho rằng điều đó không công bằng, rằng mọi người phải bình đẳng,” một quan chức chính phủ ở Monaco cho biết. “Luật thuế ở Monaco có nhiều điểm khác biệt, vì thế nên mọi chuyện đều khác thường.”
LĐBĐ Pháp đã không ít lần phàn nàn về chế độ đặc biệt mà A.S. Monaco được hưởng. Nhưng giờ đây, khi thấy họ đã trở lại Ligue 1 và choáng váng chứng kiến họ liên tục bỏ tiền tấn chiêu mộ các ngôi sao – Joao Moutinho, James Rodriguez từ Porto và Falcao từ Atletico Madrid – cuối cùng thì những vị “ăn trên nằm trốc” đã phải hành động.
Tháng 3 năm nay, một quyết định được đưa ra, yêu cầu các đội bóng Ligue 1 phải đặt trụ sở tại Pháp và phải chịu thuế của chính quyền Pháp. Tất nhiên, mục tiêu duy nhất của quyết định này là A.S. Monaco.
Giải thích về điều này, chủ tịch LĐBĐ Pháp Frederic Thiriez cho biết: “Monaco hiện đang ở giải đấu cao nhất của nước Pháp. Vậy nên đội bóng phải tuân thủ luật pháp Pháp, đặc biệt là những điều liên quan tới thuế thu nhập. Tất cả các đội bóng ở Ligue 1 cần được đảm bảo cạnh tranh công bằng.”
Thiriez cũng chỉ trích chính sách chuyển nhượng bất hợp lý của Monaco. Họ đã không chiêu mộ các cầu thủ Pháp, những người sẽ phải nộp thuế cho chính quyền Pháp ngay cả khi họ sống ở Monaco. Họ cũng bỏ vài trăm triệu euro chiêu mộ những cầu thủ ở nước khác, khiến cho các đội bóng trong nước không có cơ hội “làm giàu” nhờ tiền bán cầu thủ.

James Rodriguez và Joao Moutinho ra mắt Monaco
Chẳng bất ngờ gì, A.S. Monaco không hài lòng với quyết định của LĐBĐ Pháp. Đội bóng cũng không chấp nhận được yêu cầu của các vị quan chức khi họ buộc “đại gia” này phải trả 200 triệu euro cho các CLB khác để được quyền… ở lại Monaco. “Đúng là tống tiền,” một nguồn tin cho hay. “Monaco sẽ không bao giờ chấp nhận những yêu cầu đó.”
Và đúng như vậy. Ít lâu sau, Monaco tố cáo những hành vi mà họ coi là “chèn ép, lợi dụng, uy hiếp” của LĐBĐ Pháp lên tận Tòa án tối cao. Họ cho rằng những yêu cầu của BTC Ligue 1 đã vi phạm nhiều điều khoản trong luật pháp Pháp và châu Âu, và cũng không tôn trọng công ước về thuế đã được ký kết giữa chính phủ Pháp và vương triều Grimaldi của Monaco.
Phán quyết chính thức chưa được đưa ra, nhưng bầu không khí ảm đảm đã bắt đầu bao trùm Ligue 1. Vài đội bóng lớn như Lyon, Marseille bắt đầu cảm thấy lo lắng khi Monaco sẽ cạnh tranh suất dự Champions League với họ, đã yêu cầu LĐBĐ phải tẩy chay Monaco nếu họ không chuyển trụ sở về Pháp. Những đội khác thì cảm thông cho một CLB có nhiều ngôi sao, đủ sức thu hút hàng vạn khán giả và đem lại lợi nhuận lớn cho nền bóng đá của đất nước hình lục lăng.
Nhưng đến đây, rắc rối lại nảy sinh. Không ít chuyên gia cho rằng việc các cầu thủ đẳng cấp thế giới tụ tập ở Monaco là một điều hết sức ngớ ngẩn. SVĐ Stade Louis chỉ có sức chứa 18.500 người, và thậm chí khi mở cửa tự do thì cũng chưa bao giờ có nhiều hơn 10.000 CĐV hò hét trên sân.
“Vấn đề là họ đâu có văn hóa cổ động viên,” nhà báo Philippe Auclair viết. “Tám chục CĐV của đội bóng sẽ rất tức giận khi tôi nói điều này, nhưng Monaco là một CLB giả tạo. Những CLB khác được lập ra từ những hội thanh niên chơi thể thao, hay hội công nhân cùng chung một cộng đồng. Mà Monaco thì có cộng đồng gì chứ? Toàn các ngôi sao lắm tiền và những kẻ trốn thuế.”

Hoàn toàn sai, CĐV Monaco khẳng định. Trước hết, họ đã có lịch sử gần 100 năm, và cũng đã giành được nhiều vinh quang. Năm 2004, họ lọt vào tới chung kết Champions League, chỉ để thua Porto. Khi Pháp vô địch World Cup, có 4 thành viên ĐTQG khi đó đang khoác áo Monaco.
“A.S. Monaco đã gia nhập LĐBĐ Pháp từ năm 1919, và một khoản thời gian dài chúng tôi đã có nhiều đợt đầu tư lớn cho bóng đá Pháp,” Rybolovlev nói. “Đội bóng đã đóng góp nhiều cầu thủ cho ĐTQG Pháp, và cũng rất vinh dự khi đại diện cho Ligue 1 ở đấu trường châu Âu. Vì những lý do trên, tôi không hiểu nổi vì sao các quan chức bóng đá Pháp lại không chịu thừa nhận Monaco.”
Trả lời phỏng vấn sau trận chung kết Europa League, chủ tịch UEFA Michel Platini tỏ ra khó hiểu khi ông nói về tình hình của Monaco: “Tôi thấy hơi kỳ quặc một chút. Cứ như thể bóng đá Pháp luôn yêu thích Monaco, miễn là họ ở Ligue 2.”
Jerome de Bontin, cựu chủ tịch A.S Monaco cho rằng đội bóng chưa hẳn là có ưu thế. Dù sao đi nữa, Monaco cũng chẳng thể hy vọng gì vào tiền vé vào sân, vậy nên họ có được lợi ở những khoản khác cũng chẳng sao. Ông khẳng định việc LĐBĐ Pháp tỏ ra lo ngại trước Monaco chỉ đơn giản là vì ghen ghét và nghi ngờ.
“Chính quyền cánh tả của Pháp dường như đang nhắm vào những người giàu có. Đây là một xu thế mới, và điều này chưa hẳn đã mang lại sự công bằng,” de Bontin kết luận.
Theo bongdaso