"Việc tăng giá xăng dầu ở nước ta là hoàn toàn phù hợp, theo đúng quy
định của Nghị định 84. Bên cạnh đó, biên độ tăng giá là rất thấp, không
đáng kể" - Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng vụ thị trường trong
nước - Bộ Công thương khẳng định.
Không rõ ràng
PV: Theo một số liệu mới đây thì
giá xăng dầu thế giới tính chung trong quý II/2013 đã giảm từ 1 - 6%.
Trong khi đó ở nước ta lại tăng giá xăng dầu đến 2 lần chỉ trong vòng
một tháng. Bộ Công thương lý giải thế nào về điều này?
Ông Nguyễn Xuân Chiến: Nếu
giá xăng dầu thế giới mà giảm còn tại nước ta, giá xăng dầu trong tháng
6 tăng đến 2 lần thì là một nghịch lý. Nhưng trên thực tế, theo số liệu
chính thức của Bộ Tài chính - Công thương thì giá xăng dầu thế giới
không giảm mà tăng.
Cụ thể: vào cuối tháng 5/2013, giá
xăng dầu thế giới có xu hướng tăng. Bình quân giá xăng dầu thế giới 30
ngày, ngày 31/5 xăng RON 92 tăng lên mức 111,08 USD/thùng. Đến ngày
13/6, bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày, xăng RON 92 tăng lên
112,975 USD/thùng. Và đến ngày 27/6, bình quân giá xăng dầu thế giới 30
ngày tăng lên 114,442 USD/thùng.
Như vậy có nghĩa bình quân giá xăng 30
ngày trên thế giới có xung hướng tăng cho nên việc tăng giá xăng dầu ở
nước ta là hoàn toàn phù hợp, theo đúng quy định của Nghị định 84.
Bên cạnh đó, biên độ tăng giá trong 2
lần vừa qua là rất thấp. Chẳng hạn: ngày 14/6, sau khi sử dụng quỹ bình
ổn giá ra, mức điều chỉnh đối với xăng tối đa là 426 đồng/lít. Còn trong
lần tăng ngày 28/6, mức tăng giá bán lẻ tối đa không quá 376 đồng/lít.
Chính vì vậy mức tăng trong biên độ rất hẹp.
![]() |
Bộ Công thương: "Xăng dầu tăng là hoàn toàn hợp lý" |
PV: Mới đây, Bộ Công thương chọn phương án cho phép doanh nghiệp
xăng dầu được tự ý tăng giá trong khoảng 5%. Phải chăng điều này cũng
đồng nghĩa với việc trao quyền cho doanh nghiệp, thích tăng lúc nào thì
tăng, miễn là trong khoảng 5%, còn Liên bộ Tài chính - Công thương chỉ
quyết định việc tăng hay giảm quá mức 5% này?
Ông Nguyễn Xuân Chiến:
Theo công văn 7744 ngày 4/6/2013, cũng như công văn 28363 ngày
28/6/2013 của Bộ Tài chính gửi cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã quy
định rất rõ: trên cơ sở chênh lệch giá bán lẻ hiện hành và giá cơ sở,
Liên Bộ Tài chính - Công thương yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu chủ động
rà soát lại phương án giá.
Cách tính giá theo quy định để quyết
định giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá cơ sở và phù
hợp với các quy định tại Nghị định 84 năm 2009 để tạo lập mặt bằng giá
xăng dầu cạnh tranh trong nước nhưng tối đa không vượt quá mức chênh
lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở nêu trên.
Vậy nên các doanh nghiệp kinh doanh
xăng dầu phải tuân theo Nghị định 84 chứ doanh nghiệp đầu mối không thể
muốn làm gì thì làm. Tất cả đều phải theo quy định của Nhà nước và pháp
luật.
Tăng giá không phải do xăng, mà do thời tiết
PV: Vào giữa tháng 6 vừa qua, Tổ
điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa đưa ra đánh giá:
việc giá xăng tăng không tác động nhiều đến giá cả, mà sẽ do các yếu tố
thời tiết nên mặt hàng tiêu dùng sẽ tăng. Vậy theo đánh giá của Bộ Công
thương thì việc giá xăng tăng sau đó là giá gas tăng hoàn toàn không tác
động đến giá tiêu dùng?
Bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công thương): Theo nghiên cứu của Tổ điều hành trong nước về ảnh hưởng của giá xăng, giá gas trong việc tăng chỉ số CPI thực tế là rất nhỏ.
Nhưng nó bị cộng hưởng bởi các yếu tố
khác. Ví dụ như khi giá xăng dầu tăng thì nó kéo theo vừa là tâm lý, vừa
các phát sinh khác tăng theo, làm ảnh hưởng đến chỉ số CPI.
Và hiện nay, sự cộng hưởng đó là ít
đi, không còn tác động mấy, chính vì thế nên ảnh hưởng của việc tăng giá
xăng dầu, gas trong thời gian vừa qua là không nhiều.
PV: Đã rất nhiều lần, Bộ Công
thương khẳng định sẽ rà soát, quy hoạch lại các cơ sở kinh doanh xăng
dầu không đủ điều kiện. Nhưng trong thực tế, rất nhiều cửa hàng kinh
doanh xăng dầu không đạt chuẩn vẫn còn tồn tại, gây nguy hiểm cho người
dân. Vậy trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc quản lý vấn đề này
như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Chiến: Hiện
Bộ Công thương vẫn đang tiến hành rà soát lại các cơ sở kinh doanh xăng
dầu, kiên quyết rút giấy phép đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu không
đủ điều kiện kinh doanh. Trên thực tế, đã có 2 thành phố là Hà Nội và
TP.HCM thực hiện triển khai công tác này.
Tuy nhiên việc rà soát này không phải
một sớm một chiều song Bộ Công thương vẫn đang chỉ đạo quyết liệt để sớm
thực hiện các quy định liên quan đến quy hoạch.
Các cơ sở xăng dầu không nằm trong quy
hoạch thì phải ngừng kinh doanh. Còn cơ sở không đủ điều kiện kinh
doanh xăng dầu theo quy định thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Theo Đất Việt