Sau khi qua nấc trung gian, giá nhiều loại thực phẩm đã bị thổi lên gấp 2-3
lần giá mua tại chuồng. Hậu quả: người chăn nuôi dần teo tóp vì thua lỗ, người
tiêu dùng è cổ mua giá cao ngất.
Liên tiếp trong thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi, gà lông... suất chuồng
không ngừng giảm, trong khi đó giá bán tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ trên địa
bàn Hà Nội vẫn đứng giá.
Thương lái thao túng giá, sống khỏe
Không mất công sớm hôm chăm sóc, chẳng phải bỏ tiền đầu tư, lại tránh bị thiệt
hại do dịch bệnh... , chỉ nhờ chiêu thổi giá thực phẩm, các thương lái lúc nào
cũng sống khỏe, thu lợi cao gấp hàng chục lần người chăn nuôi.
Anh Bùi Văn Trung, chủ một trại lợn ở Yên Bình (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) vừa suất
chuồng 40 con lợn hơi giá 37.000 đồng/kg cho một thương lái ở Cầu Diễn (Hà Nội).
Anh Trung cho biết: "Theo lời thương lái này, toàn bộ số lợn bắt của gia đình
anh sẽ được đưa về một lò giết mổ tại Từ Liêm ngay trong đêm".
Nhân viên làm việc tại một lò mổ tư nhân thuộc khu vực Từ Liêm này tiết lộ: "Sau
khi giết mổ xong, thịt lợn móc hàm sẽ được niêm yết với giá 60.000-65.000
đồng/kg. Các loại chi phí phát sinh trong quá trình vận chuyển cũng như giết mổ
đều được tính vào số tiền bán phụ phẩm của lợn khi mổ xong".
![]() |
Nông dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đang bị thương lái ép giá. |
Từ lò mổ, đôi khi không
cần qua khâu kiểm dịch, thịt lợn được đưa thẳng về các chợ đầu mối để
phân phối tới các tiểu thương với giá dao động từ 80.000 - 90.000
đồng/kg. Qua mỗi nấc, giá thịt lợn lại được đẩy lên cao gấp rưỡi ban
đầu, thậm chí còn lên gần gấp đôi.
Tại chợ đầu mối, thịt lợn tiếp tục được chia nhỏ ra cho các tiểu thương
tại chợ dân sinh, chợ cóc bán.
Theo khảo sát của PV tại chợ dân sinh cũng như siêu thị, giá loại thịt
lợn bán lẻ tới tay người tiêu dùng rẻ nhất cũng ở mức 100.000 đồng/kg,
cao thì 120.000 đồng/kg tùy loại. Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), thịt lợn
ba chỉ, mông, vai giá 100.000 đồng/kg; thịt nạc thăn 120.000 đồng/kg;
sườn 95.000 - 100.000 đồng/kg. Một số phụ phẩm khác của lợn được đưa vào
các quán ăn, nhà hàng để chế biến như: tim, cật, dạ dày, lòng... giá còn
cao hơn cả chục lần so với giá lợn hơi suất chuồng.
Chị Dương Thị Mai, tiểu thương chợ Phùng Khoang, cho biết: "Mỗi buổi
chợ, một tiểu thương bán thịt lợn tại đây kiếm ít nhất 2 triệu đồng.
Thời gian thụ hàng mạnh như lễ tết, lợi nhuận sẽ còn cao hơn".
![]() |
Đến tay người tiêu dùng, giá thực phẩm tăng ít nhất 3 lần. |
Theo lời chị Mai, lợn hơi
suất chuồng giá càng giảm tiểu thương càng lãi. Trường hợp giá ở chợ
giảm theo thì mức lãi cũng vẫn không hề bị ảnh hưởng bởi chẳng khâu
trung gian nào chịu hạ mức lợi nhuận của mình xuống cả. Theo đó, người
tiêu dùng vẫn phải mua thực phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá mà các hộ
chăn nuôi bán ra.
Tương tự, một số loại thực phẩm khác như thịt gà công nghiệp đều được
thương lái đẩy giá lên khá cao. Hiện, gà công nghiệp suất chuồng tại
Phúc Thọ (Hà Nội) có giá 26.000 đồng/kg. Sau khi trải qua 4-5 khâu trung
gian, giá bán tại các chợ dân sinh đã lên tới 65.000 - 70.000 đồng/kg,
cao gấp gần 3 lần.
Người chăn nuôi dần "teo tóp"
Thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt, dịch bệnh xảy ra triền miên rồi đến
thông tin thịt lợn chứa chất tạo nạc khiến người chăn nuôi lúc nào cũng
thấp thỏm lo âu. Rủi ro có thể đổ ập xuống họ bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà
đến khi gà, lợn xuất chuồng, thương lái lại viện đủ cớ để ép giá khiến
người chăn nuôi ngày càng điêu đứng. Nhiều hộ dân chán cảnh nuôi thì lỗ
còn thương lái hưởng lợi đã có tâm lý bỏ nghề, treo chuồng.
Anh Nguyễn Đình Thành ở Tân Lập, Đan Phượng (Hà Nội), chủ của một trang
trại gà thịt trên 3.000 con, nói rằng giá gà lông suất chuồng dạo này
đang được thu mua với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi kg
gà người chăn nuôi đang chịu lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng.
![]() |
Anh Thành giải thích,
nuôi gà từ khi bóc trứng tới khi xuất chuồng tính tổng cộng chi phí từ
thức ăn, giống má, phí đầu tư chuồng trại... giá gà bán ra thấp nhất
phải 28.000 đồng/kg mới hòa vốn. Vì thế, Tuy nhiên, với số gà 500 con
xuất chuồng thời điểm này anh đang lỗ nặng. Trung bình mỗi con gà có thể
lỗ khoảng 6.000 đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Cường ở Phúc Thọ (Hà Nội) có trại lợn 150 con,
cho hay: "Những trại lợn có quy mô lớn, đầu lợn lên đến cả ngàn con
thường ký hợp đồng với các công ty chế biến thực phẩm nên không bị ảnh
hưởng. Còn đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như anh, rủi ro thì nhiều mà
thương lái còn thi nhau ép giá. Lợn đến ngày xuất chuồng, thương lái đến
mua kêu thị trường khó tiêu thụ, sức mua tại chợ yếu để làm giá khiến
người chăn nuôi phải bán tháo".
Biết là bị thương lái ép giá nhưng khi lợn đã đến thời điểm suất chuồng
người chăn nuôi không thể giữ lại. Nếu không, chi phí thức ăn vẫn phải
bỏ ra mà lợn thì không tăng trưởng được nữa. Tính ra, còn lỗ hơn khi bán
tháo cho thương lái, anh Cường giải thích.
Chị Phan Thị Chí, nhân viên kỹ thuật chuyên chăm sóc khách hàng của công
ty thức ăn chăn nuôi ANT (Hà Nội), nhận xét: "Với giá thịt lợn hơi và gà
lông xuất chuồng thấp như hiện nay, người dân chăn nuôi lỗ ít nhất 2.000
đồng/kg lợn".
"Một số gia đình, vốn ít, tiền đầu tư chăn nuôi chủ yếu là tiền vay mượn
với lãi suất cao. Giờ giá lợn, gà liên tục giảm đành chịu lỗ, bán với
giá thấp để thu hồi vốn trả lãi và gốc với hy vọng số tiền thâm hụt
không quá cao", chị Chí cho hay khi đi khảo sát tư vấn kỹ thuật tại một
số trang trại chăn nuôi trong vùng.
Đồng quan điểm trên, anh Cường than thở: "Có một ngịch lý là trong khi
người nuôi phải bán với giá quá bèo, chấp nhận lỗ còn người tiêu dùng
luôn kêu phải mua thịt lợn, gà với giá cao ngất ngưởng. Điều dễ nhận
thấy nhất, thị trường thực phẩm hiện tại đang bị thương lái thao túng
giá để thu lợi nhuận khủng".
Theo VEF