Bộ Y tế yêu cầu, nếu các công ty trong đường dây sản xuất sữa giả có công bố sản phẩm tại địa phương, cần cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long sáng 15/4 cho biết vừa ký văn bản yêu cầu rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, buôn bán sữa giả.
Văn bản được gửi đến Sở Y tế các địa phương; Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương.
Kho sữa chứa sản phẩm giả bị phát hiện. Ảnh: VTV
Trong văn bản, cơ quan của Bộ Y tế dẫn lại thông tin gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng rất lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Để có thông tin báo cáo cơ quan cấp trên, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị trên đây rà soát việc công bố sản phẩm đối với 11 công ty theo danh sách và các chi nhánh (nếu có).
"Nếu các công ty có công bố sản phẩm tại địa phương, đề nghị cung cấp thông tin về số lượng sản phẩm công bố, tên từng sản phẩm công bố tại địa phương; rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại địa phương và hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ năm 2021 đến nay", Phó Cục trưởng Nguyễn Hùng Long yêu cầu.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, việc rà soát cần được báo cáo kết quả sớm gửi về Cục An toàn thực phẩm.
Như VietNamNet đã đưa tin, cơ quan Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group (đều có địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội).
Theo cơ quan công an, từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm đã thành lập hai công ty này để kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng dạng bột (sữa bột)... Theo kết quả điều tra ban đầu, 573 loại sữa đã được sản xuất, phân phối.
Đây là các loại sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Sản phẩm công bố các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột quả óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.
Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Những người chủ mưu còn liên doanh, liên kết bằng hình thức góp cổ phần với nhiều đối tượng khác thành lập ra 9 công ty, sản phẩm phủ toàn quốc.
Danh sách các công ty:
1. Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma
2. Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group
3. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Group
4. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Big Four Pharma
5. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Long Khang Group
6. Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Y học BFF
7. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Safaco Group
8. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Darifa Group
9. Công ty Cổ phần Dược quốc tế Win CT
10. Công ty Cổ phần Dược phẩm Dinh dưỡng Phúc An Khang
Vụ việc gần 600 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai vừa bị cơ quan Công an phát hiện khiến nhiều người tiêu dùng rất hoang mang, lo lắng.
Theo VietNamNet
Xem link gốc
https://vietnamnet.vn/bo-y-te-yeu-cau-ra-soat-viec-cong-bo-san-pham-trong-duong-day-san-xuat-sua-gia-2391302.html