Người đàn bà he hé cổng để lộ con mắt săm soi. Tôi nói với bà: - Chúng tôi muốn gặp giáo sư Nghị. - Cậu đến trễ chừng mươi phút thôi à. Giáo sư vừa có việc đi rồi - Bà nói giọng Nam dễ nghe.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Tôi quay sang cậu học trò, vừa định bảo về thì bỗng cánh cổng mở rộng, người đàn bà ấy nói tiếp - Nếu không vội chi, rước hai cậu vô nhà.

Khó đoán đúng tuổi bà, có thể là một khoảng rộng từ bốn mươi đến năm mươi. Và điều tôi không ngờ, bà ta lại tỏ ra dễ tính với khách lần đầu gặp đến vậy. Bên tôi, Sang vẫn hồn nhiên vô lo vô nghĩ như mọi khi.

Buồng tiếp khách của giáo sư đặt bộ xa lông giả da cũ kỹ. Có một lọ hoa nhỏ trên bàn, cắm mấy bông hồng nhung tươi thắm. Tôi kín đáo hít sâu, cảm nhận được cả hương hồng thoang thoảng đang bay trong nhà. Sang thì mải hướng mặt về phía bức tranh sơn dầu nhiều vết rạn chân chim treo chính giữa phòng khách. Cậu hỏi ngay:

- Chân dung tự họa của giáo sư phải không, thưa cô?

Người đàn bà nhìn Sang:

- Răng biết tự họa?

- Chữ ký của giáo sư ở góc kia kìa.

Theo tay Sang chỉ, giờ tôi mới phát hiện chữ "Nghị- 1964" mờ mờ trong mảng mầu tím sẫm góc tranh. Tuổi tranh gấp đôi tuổi tôi cơ mà, có lẽ ông tự họa lúc còn thanh niên mà nom già dặn quá!

Chủ nhà mời nước, kể:

- Chắc hai cậu chưa rành. Ông chủ tui có hai bằng: tiến sĩ y khoa và đại học mỹ thuật. Có lần tui nghe bạn ổng biểu, nếu ổng không thành nhà khoa học nổi danh như hiện giờ, thì cũng là một cây cọ có hạng của nước ta. Lâu nay mắc chuyên môn, ổng không còn thì giờ cầm cọ vẽ nữa.

Tôi nhấp nháp ngụm nước trà ngòn ngọt nơi cổ họng, nói:

- Hôm nay chúng tôi tìm đến đây vì từ lâu vẫn ngưỡng mộ tài năng của giáo sư Nghị. Vừa rồi, trong buổi xê-mi-na ở Viện Y học tâm thần, tôi được nghe giáo sư thuyết trình về hiện tượng thần giao cách cảm rất lôi cuốn, lúc tan cuộc muốn đến làm quen, xin chữ ký nhưng không lại gần được vì có quá đông người xúm xít quanh giáo sư.

- Cậu học nghề y?- Bà nhìn tôi hỏi.

- Không ạ. Tôi học ở trường sư phạm thành phố, đang đi thực tập tốt nghiệp. Đây là em Sang, học trò lớp 11, lớp tôi chủ nhiệm. Thưa, chị là…? - Tôi ngập ngừng hỏi lại.

- Ô sin! Tui được gặp giáo sư thiệt tình cờ. Vô đây đã mười lăm năm rồi đó.

- Thưa, giáo sư năm nay bao nhiêu tuổi? - Sang hỏi.

- Kém một tuổi tròn bảy chục- Bà trả lời- Ổng còn mạnh lắm. Sáng  tập chạy, về là tắm nước lạnh chớ không tắm nước nóng, kể cả ngày hàn giá. Đêm ổng làm việc đến mười một, mười hai giờ khuya. Các cậu đừng bảo tui hay nói cà chớn nghe. Hồi mãn tang bà, một lần tui bạo gan hỏi: Sao ổng không tìm một bà để làm bạn, chăm sóc nhau khi tuổi già? Giáo sư biểu là quỹ thời gian của tui còn ít cô à, muốn dồn tâm sức cho đề tài cuối đời về thần giao cách cảm. Biết vậy. Tui thì vẫn ngầm theo dõi những bà hay vô đây xem có ý tứ riêng tư không, nhứt là với bà Phương Lan…

- Bà Phương Lan, diễn viên balê - Sang bỗng cắt lời - Có khả năng ngoại cảm sau lần bị điện giật phải không ạ?

- Phải đó - Bà giúp việc nói - Khổ là, bà ấy bị bịnh tim, không thọ, vừa đi nhằm ngày rằm tháng tám năm trước rồi.

Đôi mắt bà giúp việc bỗng có ngấn nước, nét mặt lộ rõ vẻ đau buồn. Tôi tiếp lời Sang:

- Thưa, chúng tôi đến trước là làm quen với giáo sư, sau muốn hỏi thêm về tài ngoại cảm của bà Phương Lan đấy ạ.

Bà giúp việc lẳng lặng rót nước vào tách, mở tủ ly lấy kẹo, bánh bầy lên đĩa. Bà nói:

- Các cậu cứ xơi tự nhiên như ở nhà nghe. Nói thiệt, lúc các cậu bấm chuông, tui phải đứng sau cổng ráng nhìn cho kỹ, mặt mũi có hiền lành tử tế mới dám mở. Thời ni nhiều bọn càn quấy trộm cướp, sơ ý để chúng vô là rách việc lắm.

Nghe vậy, Sang liền vặn vẹo cổ tay, nhoẻn cười bảo với bà ôsin là cậu đã học võ karate từ ba năm nay, từng cho thằng trộm vặt ngoài chợ biết mặt mấy bận rồi đấy.

- Thiệt hả! - Giờ mới thấy bà cười. Nụ cười tươi tắn, hàm răng trắng đều đặn làm cho gương mặt bà trẻ hẳn lại. Bà bảo - Tui tánh hay lo xa. Có lần biểu giáo sư mướn vệ sĩ, ổng hay đi Tây, Tàu, bọn bất lương tưởng nhà có của chìm, của nổi lẻn vô. Của nả chưa biết mất cái chi, chó càn cắn giậu, gặp người nó đập cho một nhát thì khốn. Ổng xua tay liền, nhà mình có đống sách vở, bọn trộm nhằm nhè được chi mà cô lo dữ vậy. Tui thấy trên đời có ổng là một, chẳng rành buôn bán làm giàu, đi ngoại quốc chỉ mang về toàn sách à.

Từ lúc nghe bà nhắc đến nhà ngoại cảm Phương Lan, tôi càng muốn biết thêm thông tin về người này. Một dạo báo chí đã ồn lên, sau lần bị điện giật tưởng chết, bà Phương Lan bỗng đổi khác. Có anh cháu gọi bà bằng cô ruột đến chơi, bà bất đồ chỉ anh ta bảo: "Mi bị đau dạ dầy nặng rồi đó, khám sớm đi!". Anh ta cười phá, bảo bà cô chưa già đã lẩm cẩm, cháu khỏe như vâm, là vận động viên bóng chuyền cấp kiện tướng, làm gì có chuyện dạ dầy dạ mỏng. Bà bảo vừa nhìn thấy một vùng tím đậm ở dạ dầy anh. Thế rồi vài ngày sau, anh kiện tướng bóng chuyền bị đau bụng dữ dội phải cấp cứu, bác sĩ xác định anh bị loét bờ cong nhỏ, thể bệnh "câm" nên trước đó không có biểu hiện ra ngoài. Bà Phương Lan còn gọi bệnh cho một số người nữa, đều trúng cả. Nhà nghiên cứu đặt tên cho hiện tượng đó là "thấu thị", nhìn xuyên vật cản.

- Có phải gần đây bà Phương Lan có thêm khả năng đoán được ý nghĩ người khác? - Tôi hỏi.

Bà giúp việc gật đầu, nói:

- Tui đã chứng mấy cuộc tại đây, hai cậu à. Hôm trước giáo sư ngầm cất một cuốn sách vô ngăn bàn, rồi hôm sau hỏi bà là ổng đang nghĩ cụ thể về cái chi? Bà nhìn ổng, bảo liền: "Một cuốn sách", rồi bà gọi tên cuốn đó, còn bảo nó đang để ngăn kéo kìa. Mấy cuộc thử khác bà đều đoán trúng phóc. Ai cũng phải chịu tài. Các cậu biết thêm điều ni để bụng thôi nghe. Thời trẻ giáo sư và bà ấy thương nhau, không hiểu về chuyện chi mà không thành. Vậy nên hồi đầu, giáo sư chọn cộng tác viên thì bà vợ tùm lum, tùm la nhứt định không chịu, đến khi đổ bệnh, trước lúc mất bà ấy vẫn còn hậm hực, bất mãn về chuyện đó. Chắc hai cậu chưa biết mặt bà Phương Lan, tui đưa lên lầu xem chơi.

Căn buồng rộng chừng hai chục mét vuông, quanh tường treo gần kín  tranh. Bà giúp việc chỉ tay vào bức sơn dầu khổ lớn ở giữa, nói giáo sư Nghị vẽ bằng trí tưởng tượng ngay sau ngày bà Phương Lan qua đời, mà thiệt giống, nhứt là cái thần trong đôi mắt bà ấy.

Đó là người đàn bà có khuôn mặt trái xoan đẹp một cách sang trọng, đoan trang. Nhưng điên dại trong đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy về phía trước. Đôi mắt "thấu thị", làm cho bà đang bình thường trở thành một người đặc biệt. Toàn tranh dùng gam màu xanh ngọc huyền ảo tạo cảm giác hơi lạnh, mảng sáng tối trên khuôn mặt được cố tình nhấn nhá gây ấn tượng thị giác về các cung bậc tình cảm, khi dữ dội, khi lặng lẽ cam chịu; mái tóc bà hất ngược, đôi mày cong mảnh tựa vầng trăng khuyết, sống mũi thẳng thanh tú và đôi môi mỏng như sắp sửa nói lời tiên đoán cho ai đó…

Sau ngày đến nhà giáo sư Nghị, tôi và Sang phải xa nhau, tôi trở về trường chuẩn bị các thủ tục tốt nghiệp. Bỗng một hôm, nghe đài báo loan một tin chấn động: vừa xảy ra vụ giết người cướp của ngay tại nhà giáo sư Nghị!

Bài báo tường thuật vụ việc: "Hồi 6 giờ kém 20 phút, ngày…Hai tên cướp đột nhập nhà riêng giáo sư Nghị khi ông vừa đi tập về. Chúng chọn thời điểm này bởi ngoài đường còn vắng, đúng lúc nhà khoa học mở cửa định vào phòng tắm. Chúng dí dao vào cổ ông dọa: "Nếu không nộp 10 cây vàng thì sẽ cho về chầu Diêm Vương!". Giáo sư bảo: "Tôi chẳng có một cắc nào, nói chi đến cây. Không tin các cậu cứ soát, có gì đáng giá thì lấy, chỉ nhớ đừng làm lộn xộn giấy tờ sách vở của tôi". Tên cướp trói ông vào đi văng. Chúng lục lọi một hồi rồi chưng hửng. Giữa lúc đó, bà giúp việc từ cửa buồng ngoài đi vào thấy giáo sư bị trói liền hét lên lao tới, bất đồ tên đứng canh đá mạnh vào bụng bà làm bà ngất xỉu. Giáo sư phẫn nộ thét to, giằng dây trói ra, bị hai tên đánh túi bụi, rồi nhét nắm dẻ vào mồm. Bà giúp việc đang thoi thóp chợt nhỏm dậy, nhoài người về phía giáo sư, tên cướp liền dùng cái bàn là để ở cạnh đấy đập vào đầu bà. Bà gục hẳn. Đúng lúc đó, một người từ ngoài cửa nhẩy vào. Anh tên Sang, là con út của Đại tá chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh thành phố. Sang chưa đầy 17 tuổi, có việc gì lúc ấy đến nhà giáo sư. Anh lao tới một tên cướp, đạp nó ngã bắn vào tường, đoạn hô to: Cướp!Cướp! Bà con ơi! Tên còn lại đứng phía sau, bất đồ cầm bàn là đánh, Sang né người giơ tay đỡ, cái bàn là sượt qua làm rách mảng da đầu anh. Khoảng mấy phút sau, dân phố và cảnh sát kịp ập vào…".

Tôi vội đến bệnh viện thành phố thăm Sang. Vào phòng chờ, đúng lúc vợ chồng ông Đại tá đi ra. Ông bà cho biết sức khỏe hai người đang tốt lên, tuy giáo sư Nghị hồi phục chậm.

Sang băng đầu, bên cánh tay bó bột, đang nằm tiếp nước. Thấy tôi cậu nhoẻn cười định ngồi dậy, tôi bảo cứ nằm yên đấy.

- Đến giờ thầy vẫn chưa hiểu tại sao em lại có mặt đúng lúc bọn cướp đang hành hung giáo sư? - Tôi hỏi.

- Một sự ngẫu nhiên như trời định ấy, thầy ạ - Sang kể - Từ hôm đi với thầy đến nhà giáo sư, em bỗng nẩy ra ý định bắt chước giáo sư tập chạy buổi sáng. Tua chạy từ nhà em vòng qua nhà giáo sư khoảng năm cây số thôi, chạy chậm mất chừng nửa giờ. Mấy hôm đầu chưa quen, mệt muốn đứt hơi thầy ạ. Nhưng em tự nhủ, thần tượng của mình tuổi tác cao vậy mà sáng nào cũng chạy được vài cây số, đoạn đường nhằm nhè gì với sức trẻ của mình. Rồi em chạy liền được nửa tháng thấy người thanh thoát lắm. Hôm nào qua cổng nhà giáo sư cũng đóng kín. Lần này thấy mở hé. Linh cảm về một chuyện chẳng lành, em dừng bước. Nghe có tiếng kêu, tiếng lục đục trong nhà vọng ra, thế là em ẩy mạnh cánh cổng nhảy vào…

Mấy ngày sau Sang xuất viện, tuy bên tay bị rạn xương vẫn phải bó bột. Giáo sư Nghị nằm điều trị thêm một tuần nữa. Tròn một tháng xảy ra vụ án, hôm nay Sang lên tận trường báo là, giáo sư muốn có cả tôi cùng ra nghĩa trang thành phố viếng mộ bà giúp việc. Cậu còn khoe: Em vừa tháo bột, xương "can" rồi, da em lành lắm.

Ngôi mộ đất còn mới, người ta vừa dọn mấy vòng hoa héo phía trên. Tôi không kìm được nước mắt, trong đầu tôi bỗng hiện ra hình ảnh bà giúp việc trong lần gặp đầu cũng là lần gặp cuối, một người luôn cảnh giác với bọn trộm cướp, mà tai họa vẫn xảy đến. Giáo sư Nghị thì lẳng lặng đặt trên mộ một bó cúc đại đóa vàng tươi. Và ông đứng cúi đầu khấn khứa hồi lâu. Tuần hương gần tàn. Giáo sư bỗng ngồi xuống vạt cỏ bên mộ, vẻ mặt trở nên khắc khổ. Tôi và Sang ngồi theo. Bỗng có giọt nước mắt ứa ra sau cặp kính của ông.

- Trước ngày bà ấy mất không lâu - Giáo sư Nghị giọng hơi khản, bắt đầu kể - buổi tối hôm ấy bà đến trước bàn làm việc của tôi ngập ngừng muốn nói điều gì, tôi bảo bà ra xa lông nói chuyện. Từ ngày về, bà chưa từng ngồi đối diện với tôi lần nào. Bà bắt đầu kể câu chuyện thời con gái hơn hai chục năm về trước. Ngày ấy bà yêu một người cùng xóm, bị hắn lừa, có mang, hắn cao chạy xa bay. Cha mẹ mất sớm, bà ở với dì ruột và bà sinh con trong hoàn cảnh bị họ hàng hắt hủi, phải bỏ quê đi làm mướn. Đứa trẻ ra đời không đủ sữa nuôi đã chết yểu. Lần ấy, tại bến phà sông Hậu, bà tình cờ gặp lại kẻ bội tình. Hắn làm ăn xa trên thành phố, trở nên giàu có. Lúc đầu hắn không để ý đến bà. Bà nhận ra hắn ngay bởi vết sẹo trên trán, hồi đi học một lần hắn bị ngã, bà xé vạt áo, nhai cây thuốc bên đường dịt vào băng cho hắn. Hắn lúng túng không ngờ gặp lại người tình xưa trong hoàn cảnh như vậy. Sau hắn đã trấn tĩnh được, chẳng nói chẳng rằng bật nắp túi dúi một tệp tiền vào tay bà và định quay đi. Bà bỏ cái nón mê xuống đất, hất tay hắn làm tiền bay lả tả. Không chỉ vậy, bà giang tay tát thẳng vào mặt hắn. Sự việc diễn ra nhanh quá, hắn không kịp trở tay, sau bà bị bọn đi cùng đánh, lôi vào đồn nộp cho công an vì tội "vô cớ hành hung". Lúc tôi đi làm việc qua phà sông Hậu, dân tình còn râm ran kể câu chuyện bà với gã bội tình. Tôi tìm gặp bà, rồi bà nhận lời ra Bắc. Nhưng trong suốt thời gian bà về ở với gia đình tôi, chưa bao giờ tôi hỏi chuyện ấy nữa. Lúc kể xong, mặt bà tái nhợt. Bỗng giọng bà trở nên nghẹn ngào: "Giờ tui cảm thấy cái chết đến rất gần rồi, thưa ông". Tôi thực sự bất ngờ. Bà Phương Lan là nhà ngoại cảm có khả năng đọc bệnh cho người khác, đoán được ý nghĩ của người khác, nhưng trớ trêu là lại không đọc được bệnh của mình. Bà ấy đã mất đột ngột vì một cơn nhồi máu cơ tim. Nay bà giúp việc lại có câu nói gở như vậy, tôi cho bà bị một ảo giác nào đó chi phối, từ ngày về đây bà khỏe mạnh, không phải uống thuốc bao giờ. Tôi chỉ biết an ủi, rằng cô mới bốn mươi chín tuổi, sức khỏe tốt, có gì đáng lo đâu. Bà cười gượng gạo, nhìn tôi với đôi mắt đờ dại. Bà đang bị xúc động mạnh. Tôi đi pha cốc nước chanh đá đưa bà uống. Bà ngửng lên, thôi khóc, cứ nhấp nháp từng ngụm nhìn tôi. Và bỗng nhiên đổi cách xưng hô: "Em nhiều khi mơ ước một điều thiệt lạ, anh Nghị ạ. Trẻ lại, như thời con gái ấy. Thì em sẽ hiến dâng cho anh tất cả. Anh là người đàn ông tốt nhứt trên đời!".

Một người lành hiền, chăm chỉ mà cuộc đời lại gặp không ít bất hạnh như vậy. Hóa ra bà luôn có linh cảm đúng: linh cảm về đại hạn không tránh khỏi của mình; linh cảm sẽ có ngày bọn bất lương đột nhập; linh cảm ngay lần gặp đầu, hai cậu là người tốt, đáng tin cậy…Hóa ra bà cũng có một năng lực ngoại cảm tiềm ẩn mà bao năm qua tôi không hề hay biết. Từ hôm bà bị sát hại, tôi thực sự cảm thấy đau đớn, ân hận. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã liên tiếp mất đi những người thân thiết nhất bên cạnh…

Bầu trời phía Tây thành phố chợt chuyển sang mầu đỏ đậm như máu, điểm xuyết những áng mây vàng lóng lánh kỳ ảo. Giáo sư Nghị ngừng câu chuyện từ lúc nào. Chúng tôi im lặng nhìn về nơi ấy, tưởng như có hình bóng bà giúp việc đang hiện ra ở khoảng sáng cuối cùng trong ngày. Những nếp nhăn hằn trên vầng trán rộng của giáo sư giãn dần, khuôn mặt ông nhuốm ánh hoàng hôn bỗng trở nên đẹp và thanh cao lạ thường. Sang ngước nhìn ông nói nhỏ:

- Chiều rồi, ta về nhà thôi bác.

Cậu đỡ giáo sư đứng lên. Tôi hiểu rằng, từ nay trong cuộc đời còn lại của giáo sư không thể thiếu chàng trai thông minh, quả cảm này.


Theo Cand