>> Những siêu nhân của thế giới ảo

Đường vào thênh thang

Đã 29 tuổi, nhưng Trung “khùng” (Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ biết chơi game, ăn nhanh và ngủ gục bất cứ chỗ nào. Trước đây, Trung “khùng” cũng có một tương lai khá sáng vì thuộc diện con nhà nòi về kinh doanh và có tấm bằng đại học kinh tế của Anh.

Sau khi về nước, buồn vì phải xa cô người yêu nước sở tại, Trung lao vào chơi game để tiêu sầu. Và không biết từ lúc nào, những cuộc chiến đầy máu lửa, những âm thanh sôi động của thế giới game đã trói chặt lấy Trung cả về ý chí lẫn thể xác. Hầu hết sinh hoạt, từ ăn đến ngủ của Trung đều diễn ra bên chiếc máy tính cấu hình “khủng”.

Mẹ Trung tâm sự: “Tôi khuyên con thế nào cũng không được. Có lần, lựa lúc Trung ngủ, tôi đã giật đứt cả dây máy tính, mong con trở lại cuộc đời thực, nhưng khi tỉnh dậy Trung như phát khùng, vật vã, trách móc... Nhìn con ngày càng gầy quặt quẹo, ngủ gục trên bàn mà tôi như đứt từng khúc ruột”. Khuyên can mãi không được, bố của Trung đã cầm cả ca nước đổ thẳng vào chiếc máy tính hơn hai chục triệu đồng. Kết quả, Trung “khùng” chọn quán nét làm nhà và tuyên bố sẽ trở thành “đệ nhất võ lâm”.

Trung nói: “Ba cấm mẹ tôi không được tiếp tế cho tôi. Chỉ 3 tháng tôi đã lần lượt cho chiếc ĐTDĐ Mobiado và chiếc SH 150i đi để lấy tiền ăn uống, thuê nhà nghỉ và sắm đồ xịn cho nhân vật của mình. Tiếc là khi tôi luyện công lên đến chức Trưởng lão và gần luyện thành công phu “Xung trận trầm tưởng” thì buộc phải dừng cuộc chơi vì bị ba tôi lôi về nhà giam lỏng”.

Một cảnh trong Game Võ lâm truyền kỳ

Cuộc sống của Trung chỉ tồn tại quanh bốn bức tường, không máy tính, không điện thoại và không game, chỉ có lời tuyên bố của ba “nếu mày có ý định trốn, tao sẽ dùng xích sắt”... Sau 2 tháng bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài với những vật vã khổ sở, cuối cùng Trung được bố mẹ trả tự do vì đã gần như loại được khỏi đầu những nhân vật ảo của thế giới game để trở về với đời thực.

Trung chia sẻ: “Nói có thể anh không tin, cai game cực khó. phải mất 20 ngày đầu vật vã, mê sảng bởi những Bạch Thể Kinh, Tống Tử Trường, Trần Cô Nhạn (những nhân vật trong Võ lâm truyền kỳ). Có lần, tôi tỉnh giấc rồi hét toáng lên vì nằm mơ thấy mình luyện thành tuyệt chiêu Hàng long thập bát trưởng của Cái bang.

Đã mấy lần, tôi đấm mạnh vào tường và thấy tay mình vẫn đau, tôi vẫn là thằng Trung trói gà không chặt. Khi ấy tôi bắt đầu ân hận và thương bố mẹ rất nhiều. Tôi đã tự hứa sẽ rời bỏ thế giới ảo và tôi đã may mắn thoát ra được. Giờ tôi đang giúp ba tôi điều hành công việc ở Công ty, tôi đang trở lại với cuộc sống thực”.

Chị Lê Thị Huyền, 32 tuổi (trú tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội), lại trở thành đệ tử của thế giới ảo một cách khá đặc biệt. Anh C. chồng chị là người mê game. Ngoài tranh thủ luyện công ở cơ quan, anh C cứ về đến nhà là chạy vào phòng ngủ chúi đầu vào màn hình máy tính, bỏ mặc người vợ rớm nước mắt và đứa con phụng phịu muốn nói chuyện cùng bố.

Ngay cả chuyện ăn cơm của anh C. cũng khá đặc biệt, anh nói: “Cô cứ cho hết vào bát tô cho tôi, chết đói tôi cũng không rời máy tính đâu. Tôi mà bị mất công lực hoặc bị đồ sát thì cô đừng có trách”. Khuyên mãi không được, chị quyết định đi học chơi game để xem “có gì mà lão mê đến mức nói bỏ em thì được, còn bỏ game thì không”.

Kết quả sau nhiều lần thử xem sao chị bắt đầu thấy mê nhân vật của mình. Thời gian của chị nhiều hơn chồng nên chị luyện công được nhiều hơn, chị cũng chấp nhận dùng tiền để mua vũ khí khủng dạy cho chồng “biết tay mẹ đĩ”. Thấy vợ khang khác, anh C ban đầu cũng để ý nhưng sau lại tặc lưỡi “Kệ, làm gì thì mặc, miễn là đừng phá bĩnh mình là được”.

Vào một đêm khá mát mẻ, anh C đang ngon giấc nồng thì choàng tỉnh bởi một cú đấm trời giáng của vợ vào đúng sống mũi. Máu me be bét, anh vùng dậy thì thấy người vợ yêu vẫn đang múa may, mắt vẫn nhắm nghiền, miệng hô: “Lão cái bang bẩn thỉu kia, chạy đi đâu, quay lại tiếp ta chiêu nữa”.

Nhân vật nữ trong Game Võ lâm truyền kỳ ăn mặc rất "mát mẻ"

Anh Lê Văn Chính, 35 tuổi (trú tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) tâm sự: “Thấy cậu con trai 11 tuổi hay lấy trộm tiền của mẹ để trốn đi chơi game, dọa rồi đánh nó cũng chỉ nhịn được vài ngày. Tôi quyết định chơi thử xem sao.

Chỉ hai lần chơi tôi đã phải dừng lại ngay vì biết nếu tiếp tục thì rất có thể mình còn tệ hơn con trai. Cái không khí trong game, hình ảnh trong game, những cuộc chiến trong game thật quá hấp dẫn và lôi cuốn. Nó như một bộ phim hay, đã xem phần một lại muốn xem phần hai. Sách thì sẽ có đoạn kết nhưng với game lại khác... càng chơi càng mở, càng không thể dừng lại. Cách tốt nhất để không để bọn trẻ nghiện game, là buộc chúng phải tránh xa ngay từ đầu”.

Rất khó chữa nghiện game

Là con trai út trong nhà có 3 chị gái, Nguyễn Diệu Kỳ, 14 tuổi, quê Yên Bái được cả nhà nuông chiều. Lên cấp 2, Kỳ bắt đầu biết đến máy tính từ những lần theo bạn ra quán net ở thị trấn.

Ban đầu, bố mẹ Kỳ nghe con nói có thể học được nhiều thứ từ máy tính cũng rất mừng. Rồi Kỳ mê game từ lúc nào không biết, cậu có thể ngồi cả ngày để chơi, nhiều khi quên cả ăn cơm. Dần dần, Kỳ quên ăn, quên ngủ, đắm chìm trong thế giới những trò chơi ảo. Mỗi lần phải rời khỏi chiếc máy tính là Kỳ ủ rũ, ngơ ngác như người mất hồn. Cuộc sống của Kỳ gắn chặt với quán net, thức thâu đêm, suốt sáng không ăn uống...

Để cứu Kỳ, gia đình em đã đưa em đến Bệnh viện tâm thần Trung ương trong trạng thái sức cùng lực kiệt.

Em Bình, 16 tuổi, (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội), nghiện game đã nhiều năm. Bố mẹ em là công chức, gia đình có điều kiện kinh tế rất khá nhưng cũng ít thời gian gần gũi con.

Khi thấy Bình bỏ cả học hành, suốt ngày đêm chỉ chơi game, bố mẹ Bình mới lo lắng, cấm đoán con không được dùng máy tính. Lúc này, Bình nổi khùng, cắt hết các đường dây sử dụng điện trong nhà. Bố mẹ em buộc phải tiếp tục để con chơi game. Mỗi lần, bị cha mẹ nhắc nhở, Bình nổi khùng, đập phá đồ đạc trong nhà. Cuối cùng, phải dùng đến những biện pháp mạnh bố mẹ Bình mới đưa được quý tử đến bệnh viện để điều trị, cắt bỏ cơn nghiện game.

Một cảnh trong Game Đột kích

Cơ quan quản lý đi đâu?

Hiện, để điều chỉnh thế giới game, mới chỉ có Thông tư 02 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Thông tư liên tịch số 6-2006 Bộ BCVT-Bộ CA và Bộ VHTT. Theo đó, khi trẻ em dưới 14 tuổi vào tiệm net bắt buộc phải có người lớn đi kèm.

Thực tế thì hoàn toàn khác, hầu hết các tiệm game đa phần đều là trẻ em, bởi chủ quán không hề kiểm tra tuổi, cũng chẳng có bố mẹ nào “rỗi hơi” ra quán net để giám hộ con lướt web. Có chủ quán net nói thẳng: “Phạt cũng đành chịu vì có đến gần một nửa game thủ dưới 14 tuổi, cấm thì ăn cám à. Bố mẹ chúng nó không cấm, mình kinh doanh lại cấm thì có mà bị thần kinh”.

Thông tư liên tịch số 60/2006 quy định các doanh nghiệp phát hành game online tại Việt Nam phải đáp ứng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý giờ chơi tại các cụm máy chủ. Theo đó, cho phép mỗi tài khoản được sử dụng trong 180 phút đầu tiên được tính 100% điểm thưởng; từ phút thứ 181 đến phút thứ 300 chỉ được tính 50% số điểm thưởng; từ phút thứ 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức.

Đây là vấn đề các game thủ rất sợ. Thế nhưng, hầu hết các nhà phát hành game cố tình lách luật. Game Võ Lâm truyền kỳ đã không tuân thủ đúng theo luật 5 giờ chơi như quy định. Bất cứ người chơi nào khi tham gia vào trò chơi này cũng sẽ dễ dàng làm cho cột tính thời gian trở về thời điểm ban đầu khi mong muốn. Một số game khác như Biệt Đội Thần Tốc, VLTK 2, Đặc nhiệm, Đột kích và cả Fifa online cũng không ngoại lệ...

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế tình trạng chơi game online kéo dài của game thủ. Hệ thống sẽ phạt những người chơi quá 3 giờ liên tục bằng cách làm suy giảm khả năng của nhân vật trong trò chơi của họ. Những người chơi quá 5 giờ sẽ bị phạt nặng hơn, khi đó nhân vật của họ trong trò chơi chỉ còn rất ít khả năng.

Những Công ty lớn nhất trong ngành kinh doanh game online của Trung Quốc đều tuyên bố sẽ áp dụng hệ thống này, họ sẵn sàng từ bỏ doanh thu ngắn hạn để tạo ra một môi trường chơi game lành mạnh. Nhìn người mà ngẫm đến ta mới thấy buồn và thất vọng. Nếu những doanh nghiệp kinh doanh game của chúng ta cũng nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết thì đâu đến nỗi mỗi năm hàng trăm đứa trẻ phải vào tù vì game “bẩn”!

Các cơ quan chức năng cần phạt nặng những đơn vị phát hành game và các quán net vi phạm để hạn chế ảnh hưởng của game nói chung và game bạo lực nói riêng. Nhiều người cũng đặt câu hỏi: Sự vi phạm trong lĩnh vực game trực tuyến, là rất rõ ràng, hầu hết mọi người đều nhận ra nhưng tại sao lại không bị xử lý? Cơ quan chức năng đi đâu, khuất tất gì không?

Theo M.Tuấn