Hiện nay, game online được xem chẳng khác nào một loại ma túy hiện đại. Dưới đây là những chuyện ghi được từ những người tham gia lớp "Cai nghiện game online - Sử dụng Internet có ích" đầu tiên ở Việt Nam.

Thế là... nghiện

Khi Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TTNMN) công bố lớp "Cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích" diễn ra, các phụ huynh rất ủng hộ vì chương trình đặt ra chạm được đúng vấn đề nhức nhối của xã hội.

Tuy nhiên, khác với nghiện ma túy, nghiện game online được các bạn trẻ xem là một loại nghiện rất "oách". Đặt vấn đề "cai nghiện" game online (dù là dưới một cái tên chương trình) cũng khiến nhiều tay chơi game online "mắc cỡ" không dám đến trung tâm. Cơ bản, vì bản thân các bạn cũng không biết, không tự nhận ra mình đang là "dân nghiện".

Sau lớp cai nghiện game online lần thứ nhất, người tổ chức lớp học - anh Nguyễn Thành Nhân (Quyền Giám đốc Trung tâm), rút ra kết luận: "Chỉ cần có các dấu hiệu sau là chứng tỏ bạn đang nghiện game online: mất kiểm soát giờ giấc chơi game, tiêu tiền cho game quá tay, phấn khích, sống ngày này qua ngày khác với thế giới ảo...".

“Game thủ” hào hứng với trò chơi vận động tại lớp “cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích” (Ảnh: Kim Anh)

“Game thủ” hào hứng với trò chơi vận động tại lớp “cai nghiện game online và sử dụng Internet có ích” (Ảnh: Kim Anh)

Những "ca khó" của lớp cai nghiện đầu tiên

H.V.H., tuy chưa đến 20 tuổi nhưng có dáng dấp của một thanh niên... già. Trông bộ dạng cao lớn (gần 90kg) của H., không ai nghĩ H. là một cậu trai yếu đuối. Sự yếu đuối ngoài đời của H. được khỏa lấp bằng vị trí "bang chủ" trong Võ lâm truyền kỳ.

Làm bang chủ, H. có thể điều khiển nhân vật của mình trở thành người hùng với level cao, được các bang hội khác trong game nể sợ, và cả kính phục. Từ khi mê game online, H. sống trong ảo giác, không còn phân biệt đâu là thực, đâu là ảo. Tiền bạc có được, H. nướng hết vào game. Thiếu tiền thì "chỉa" túi xách của mẹ. Gia đình ngăn cấm, H. sẵn sàng to tiếng tấn công mọi người chung quanh bằng nắm đấm. Khi gia đình quyết định mang cậu đi cai nghiện, H. to tiếng thách thức, thậm chí dọa tự tử.

Khác với H. yếu đuối và bồng bột. A.K. (SV CĐ năm 2) lại muốn đến tận cùng của game xem ở đó có gì. K. đã đi đến cuối cùng của thế giới ảo và bị sốc nặng khi phát hiện ra... không có gì ở đó. K. đã bị lạc vào một trạng thái trống rỗng, thấy cuộc sống của mình trở nên vô nghĩa lý. K. chỉ muốn trốn vào... rừng sâu, sống một mình.

Có gì trong "trại cai nghiện"?

Những game thủ tung hoành ở chốn giang hồ game từ khắp nơi tề tựu về Trung tâm TTNMN để tham gia lớp cai nghiện. Có bạn ở TP.HCM, có bạn đến từ Bình Dương, Đồng Nai... Con đường đến với Trung tâm cũng khá gập ghềnh.

Anh Thành Nhân cho biết: "Nhiều phụ huynh gọi điện thoại đến Trung tâm, vừa kể chuyện vừa khóc vì con mình không thể kiểm soát được nữa. Bên cạnh nhiều bạn miễn cưỡng nhưng chấp nhận đến sinh hoạt ở Trung tâm, một số bạn sẵn sàng chống đối điều phối viên của Trung tâm. Đối với các trường hợp này, chúng tôi phải cứng rắn".

“Game thủ” và điều phối viên hào hứng với quyết tâm đá bóng thật hay trước trận bóng đá (Ảnh: Kim Anh)

“Game thủ” và điều phối viên hào hứng với quyết tâm đá bóng thật hay trước trận bóng đá (Ảnh: Kim Anh)

Sau vài ngày bỡ ngỡ, làm quen với nhau, các bạn đã thân thiện như trong một gia đình. Thực chất, hình thức Trung tâm TTNMN triển khai là huấn luyện. Tiếng là cai nghiện game, nhưng thực ra các bạn được vui chơi, sinh hoạt tập thể để hướng niềm đam mê theo những hoạt động bổ ích khác, bổ ích hơn.

Tất nhiên, sinh hoạt của các bạn khi đến trung tâm cũng phải tuân theo trung tâm cũng nghiêm khắc. Thay vì dán mắt vào màn hình chơi game, các bạn được các chuyên gia tâm lý kể chuyện, tổ chức chơi bóng đá, bóng chuyền, nhảy hiphop...

Bên cạnh đó, các bạn cũng được lên mạng. Nhưng thay vì chơi game, thì các bạn lại chơi những trò chơi tập thể bằng cách dùng Internet tra cứu thông tin về một vấn đề nhất định. Chẳng hạn, trò chơi "Theo dấu người khổng lồ", các bạn tìm hiểu về những nhân vật nổi tiếng thế giới. Sau khi tìm hiểu, các bạn rút ra các bài học: "Tại sao người đó nổi tiếng? Để nổi tiếng có khó không? Tại sao Hitler nổi tiếng nhưng lại bị lên án?...

Sau đó, bằng kỹ năng nhanh nhạy vốn có với máy vi tính, từng nhóm bạn vẽ những bức tranh thể hiện ý tưởng thu nhận được trên máy, hoặc viết cảm nhận của mình về những điều học được gửi vào "Chiếc hộp cảm xúc", dưới sự hướng dẫn của điều phối viên.

Anh Thành Nhân cho hay: "Phần lớn các bạn vào đây đều ít nhiều thiếu thốn sự quan tâm của người thân nên khi gặp anh chị điều phối viên, các bạn, các em đều mở lòng mình. Sau lớp học, có đến 80% các em hết hoàn toàn biểu hiện nghiện game. Không phải các em không chơi game nữa nhưng là chơi có kiểm soát.

Theo tôi, game vẫn là hình thức giải trí bổ ích nếu chơi với liều lượng vừa phải .Về lâu dài, để các em không "tái nghiện", cần có sự nỗ lực tự thân của các em cùng sự quan tâm theo sát của gia đình. 20% còn lại, các em có thay đổi hành vi chơi game theo hướng tích cực".

Theo Xuân Huy