Chủ trương đúng cần lộ trình, tiếp cận phù hợp

Nhiều năm qua, Hà Nội liên tục góp mặt trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Trong đó, giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi và khí thải vào môi trường.

Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cho biết ước tính Hà Nội có trên 7 triệu xe máy. Còn theo thống kê của cơ quan chuyên môn TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, trong khi tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.

Trước thực trạng này, Chỉ thị số 20 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 12/7/2025 đã đặt ra một mốc quan trọng: Từ ngày 1/7/2026, không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1 nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS Bùi Thị An đánh giá chủ trương được quy định trong chỉ thị là chính xác, liên quan đến nhiều mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.

Do đó, chủ trương cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1 theo PGS.TS Bùi Thị An là “tuyệt đối đúng”, đặc biệt đối với những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Chia sẻ quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và an toàn giao thông.

W-xe may. N. Huyen.jpeg
Yêu cầu Hà Nội dừng sử dụng xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Ảnh: N. Huyền

Việc chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện được xem là một giải pháp cốt lõi, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, trong đó yêu cầu lớn nhất là cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe. Người dân chủ yếu sạc tại nhà, đặt ra yêu cầu phải đảm bảo an toàn cháy nổ, đặc biệt là nguy cơ quá tải, ở các chung cư.

Do đó, việc giải quyết các vấn đề môi trường và giao thông tại Hà Nội cũng như trên cả nước đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa việc xây dựng chính sách, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức của người dân.

Khẩn trương xây dựng đủ các trạm sạc điện công cộng 

Để thực hiện tốt chủ trương mà không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cuộc sống của người dân, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh Hà Nội phải triển khai một loạt giải pháp:

Thứ nhất, Thủ đô phải có đủ tiềm lực kinh tế để hỗ trợ người dân đổi từ xe xăng sang xe điện. Bởi tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của số đông người dân. Từ người bán hàng, shipper, xe ôm, công chức, người lao động đến sinh viên, thậm chí bà nội trợ cũng đều sử dụng xe máy. Do đó, Hà Nội cần có chính sách hỗ trợ người dân thay thế phương tiện.

static images 1738564744 width1260height1104 auto crop.jpg
TS Khương Kim Tạo. Ảnh: N. Huyền 

Thứ hai, xây dựng cơ sở hạ tầng cho giao thông xanh – cụ thể là các trạm sạc điện – đủ để đáp ứng nhu cầu khi người dân chuyển đổi phương tiện. Không độc quyền cổng sạc điện để khuyến khích người dân có thêm cơ hội lựa chọn phương tiện.

Thứ ba, phát triển phương tiện công cộng xanh nhằm đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại các điểm trung chuyển như bến xe, ga metro, trường học, chợ dân sinh. Ví dụ, người dân di chuyển đến khu vực Vành đai 1, nếu đi xe máy xăng cần có chỗ gửi xe hợp lý, cùng với đó là các phương tiện công cộng xanh (buýt điện, metro) thuận tiện giúp họ tiếp tục hành trình mà không bị gián đoạn.

Các chuyên gia đều nhìn nhận, chuyển đổi xanh và hạn chế phương tiện cá nhân tại vùng lõi đô thị là xu hướng không thể đảo ngược. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần diễn ra theo cách mà người dân được đồng hành và được lắng nghe.

Phóng viên VietNamNet đã liên hệ với UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg, tuy nhiên chưa nhận được phản hồi. 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội diễn ra vào trung tuần tháng 12/2024, trả lời chất vấn về quản lý đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, Chủ tịch TP Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ có chương trình đổi xe, hỗ trợ đổi xe, giảm giá vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn chưa đưa ra phương án cụ thể.

Vành đai 1 Hà Nội gồm những tuyến đường nào?

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận.

Trong đó, Vành đai 1 là tuyến đường huyết mạch dài khoảng 15 km, với lộ trình: Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Kim Liên - Hoàng Cầu - Voi Phục - Vành đai 2 (đoạn Cầu Giấy - Bưởi). Đây là một trong những trục chính đô thị quan trọng, kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.

Hiện Vành đai 1 chỉ còn đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng cần tháo gỡ để hoàn thiện và đồng bộ toàn tuyến.

Theo VietNamNet