
Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng ở Việt Nam. Khác với người Trung Quốc coi đây là ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên, người Việt Nam gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ, điều có ý nghĩa đặc biệt đối với truyền thống làm nông nghiệp ở một đất nước nhiệt đới nóng ẩm.
Các gia đình chuẩn bị cho ngày lễ này từ cuối tháng 4 Âm lịch, bao gồm việc xem ngày giờ cúng, lên kế hoạch chuẩn bị mâm cỗ (nhiều nhà tự tay làm các món ăn truyền thống), thực hiện các nghi thức "diệt sâu bọ vào sáng sớm và bày cỗ cúng vào buổi trưa...
Cúng Tết Đoan ngọ 2025 vào giờ nào?
Năm 2025, Tết Đoan ngọ rơi vào thứ Bảy ngày 31/5 Dương lịch. Việc chọn giờ cúng trong ngày này cũng mang ý nghĩa đặc biệt và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự linh thiêng của lễ cúng.
Theo sách "Tìm hiểu văn hóa Phương Đông 365 ngày" của tác giả Thiên Nhân, Nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 2025, một số khung giờ hoàng đạo để thực hiện lễ cúng vào ngày Tết Đoan Ngọ bao gồm: giờ Ngọ (11h - 13h), giờ Mão (5h - 7h), và giờ Thân (15h - 17h). Trong số những khung giờ này, giờ Ngọ (11h - 13h) được xem là thời điểm đẹp nhất để tổ chức lễ cúng. Giờ Ngọ được coi trọng vì đây là lúc nóng bức nhất và có nhiều dương khí nhất trong ngày.
Mặc dù vậy, các gia đình vẫn có thể linh động lựa chọn thời điểm cúng tùy theo điều kiện sinh hoạt riêng. Điều quan trọng nhất là sự thành tâm của gia đình và không gian yên tĩnh khi thực hiện nghi lễ.
Năm nay, Tết Đoan ngọ rơi đúng vào thứ Bảy, là dịp cuối tuần, tạo thêm điều kiện thuận lợi để các gia đình có thể sum họp, cùng nhau tham gia và thực hiện các nghi lễ truyền thống. Đây cũng là cơ hội để mọi người cùng thưởng thức các món ăn đặc trưng của ngày lễ như rượu nếp, bánh tro, hoa quả mùa hè, và các loại thức ăn giải nhiệt.

Tết Đoan ngọ 2025 nên làm lễ cúng vào giờ nào? (Ảnh: Đỗ Thu Ngọc)
Mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ gồm những gì?
Mâm cúng Tết Đoan ngọ thường bao gồm các lễ vật phổ biến như hoa tươi, trái cây, vàng mã, hương, nước sạch, cùng với những món ăn như cơm rượu nếp, chè, và các loại hoa quả có vị chua. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền sẽ có sự khác biệt về lễ vật trong mâm cúng thể hiện văn hóa ẩm thực đa dạng và độc đáo.
Ở miền Bắc, mâm cúng Tết Đoan ngọ thường có thêm bánh gio, một loại bánh đặc trưng của vùng này. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm cùng nước gio của các loại lá cây khô, sau đó được gói lại trong lá chuối và đem luộc. Món bánh gio không chỉ có hương vị thơm ngon độc đáo mà còn tượng trưng cho sự trong sạch, thanh khiết. Các loại hoa quả có vị chua như mận, vải cũng thường xuất hiện trong mâm cúng của người Bắc.
Ngoài các loại quả truyền thống, cơm rượu nếp là một trong những món không thể thiếu. Cơm rượu nếp được làm từ gạo nếp lên men, có vị ngọt nhẹ, dẻo quánh thường được ăn vào buổi sáng sớm của ngày Tết để giúp “diệt sâu bọ”.

Mâm cúng gồm hoa quả còn có rượu nếp, bánh xu xuê, xôi cốm…(Ảnh: Nguyễn Hồng Thúy)
Người dân miền Trung cũng có cách bài trí mâm cúng với món thịt vịt, bởi theo quan niệm dân gian, tháng 5 Âm lịch thời tiết nắng nóng, ăn thịt vịt với tính hàn sẽ giúp cơ thể trở nên mát mẻ hơn. Thịt vịt không chỉ là một món ăn thanh mát mà còn tốt cho sức khỏe. Các gia đình thường làm nhiều món từ vịt, đặc biệt là tiết canh vịt. Không chỉ có miền Trung ăn thịt vịt vào Tết Đoan ngọ, mà hiện nay nhiều địa phương cũng ưa chuộng món thịt vịt vào ngày này.
Đặc biệt, chè kê là món ăn không thể thiếu trong mâm cúng của người Huế vào dịp Tết Đoan ngọ. Hạt kê được ngâm cho mềm, sau đó đun sôi cho đến khi sền sệt và hòa quyện cùng nước đường với chút gừng tạo nên vị ngọt thanh và hương thơm dịu. Chè kê không chỉ tạo nên hương vị độc đáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa xứ Huế.

Mâm cúng Tết Đoan ngọ ở miền Trung. (Ảnh: Đào Lan Phương)
Ở miền Nam, một món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong mâm cúng Tết Đoan ngọ là chè trôi nước. Món ăn này được làm từ bột nếp, với nhân bên trong là đậu xanh, ăn kèm cùng nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường. Viên chè trôi nước tròn đầy, mềm mịn tượng trưng cho sự viên mãn, trọn vẹn và mang ý nghĩa sâu sắc về sự sum vầy, đoàn tụ.
Ngoài ra, người miền Nam còn cúng món bánh ú bá trạng có nguồn gốc từ người Hoa. Bánh này kích thước nhỉnh hơn bánh ú tro, được kết hợp nhiều loại nhân đa dạng, gói ghém cẩn thận trong lớp lá trước khi được hấp hoặc luộc chín.
"Diệt sâu bọ" ngày Tết Đoan ngọ 5/5
Theo quan niệm dân gian, trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hoá thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ thì sâu bọ ngày càng sinh sôi nảy nở gây nguy hại cho con người. Sâu bọ chính là các loại vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm và các ký sinh trùng trong cơ thể. Khi sức đề kháng giảm hoặc có vấn đề sức khỏe, những vi sinh vật có hại sẽ hoạt động mạnh hơn, gây ốm, bệnh.
Người xưa tin rằng, việc "diệt sâu bọ" có thể thực hiện qua việc tiêu thụ một số loại thức ăn, hoa quả, và đặc biệt là rượu nếp vào ngày này. Cách "diệt sâu bọ" theo truyền thống là ngay sau khi thức dậy, trước khi bước chân xuống giường, hãy làm sạch miệng bằng cách súc miệng 3 lần. Đây là bước đầu tiên giúp ''đánh thức'' và tống khứ sâu bọ ra khỏi cơ thể. Sau khi súc miệng, một quả trứng vịt luộc được dùng để làm sạch dạ dày, tạo môi trường bất lợi cho sâu bọ sinh sống.
Sau đó, sẽ ăn một bát rượu nếp. Đây là phương pháp giúp sâu bọ "say", làm giảm hoặc loại bỏ hoạt động của chúng. Rượu nếp không chỉ là món ăn truyền thống mà còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, kích thích vị giác và gia tăng cảm giác ngon miệng nhờ các enzyme và chất xơ phong phú. Cuối cùng, sẽ ăn trái cây có vị chua để "giết chết" sâu bọ còn lại.

Người xưa tin rằng, ăn rượu nếp sẽ diệt sâu bọ ngày Tết Đoan ngọ. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Các loại thức ăn với các vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng kết hợp có tác dụng tiêu diệt vi sinh vật có hại, duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng rượu nếp dù tốt cho hệ tiêu hóa nhưng không nên tiêu thụ quá mức. Ăn quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể gây say. Ngoài ra, những người có kế hoạch lái xe cần tránh dùng rượu nếp để đảm bảo an toàn vì nồng độ cồn có thể tăng lên, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo.
