Dự án Nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình - UDIC Eco Tower là một trong những dự án NOXH được quan tâm hiện nay.

Dự án Nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình - UDIC Eco Tower là một trong những dự án NOXH được quan tâm hiện nay.

Nhà ở xã hội là một giải pháp an cư dành cho những người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên vì khán hiếm và nhu cầu mua cao mà không ít người đã rơi vào bẫy của những đối tượng này, mất tiền oan mà không thể đòi lại được. Vì vậy, việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo và nâng cao cảnh giác là điều hết sức cần thiết.

Tỉnh táo trước các chiêu trò lừa đảo phổ biến

Một trong những chiêu trò phổ biến nhất là mạo danh có "suất nội bộ" hoặc "suất ngoại giao". Các đối tượng lừa đảo thường tự nhận có mối quan hệ với chủ đầu tư hoặc quan chức, có thể giúp người mua sở hữu nhà mà không cần xét duyệt hoặc với giá rẻ hơn thị trường. Chúng dùng những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn để tạo lòng tin, thậm chí cung cấp cả giấy tờ giả mạo để lừa đảo những người nhẹ dạ. Thực tế, nhà ở xã hội không có "suất ngoại giao" hay "suất nội bộ" nào, và tất cả các giao dịch đều phải tuân theo quy trình xét duyệt nghiêm ngặt của Nhà nước.

Ngoài ra, nhiều đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiêu trò nhận tiền đặt cọc giữ chỗ khi dự án chưa mở bán chính thức. Chúng lợi dụng tâm lý muốn mua sớm của khách hàng, đưa ra cam kết sẽ đảm bảo suất mua và hoàn lại tiền nếu không thành công. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chúng thường biến mất hoặc kéo dài thời gian để trì hoãn việc hoàn trả. Điều đáng lưu ý là, một dự án nhà ở xã hội chỉ được phép mở bán khi có sự phê duyệt từ cơ quan chức năng, và chủ đầu tư không thể nhận tiền đặt cọc trước thời điểm đó. Vì vậy, bất cứ hình thức đặt cọc nào trước khi dự án đủ điều kiện mở bán đều có thể là lừa đảo.

Cùng một dự án NOXH chưa mở bán, có nhiều tin đăng quảng cáo tư vấn làm thủ tục mua với nhiều mức giá khác nhau, giao động từ 19-25tr/m2.

Cùng một dự án NOXH chưa mở bán, có nhiều tin đăng quảng cáo tư vấn làm thủ tục mua với nhiều mức giá khác nhau, giao động từ 19-25tr/m2.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều kẻ gian còn lập các trang web giả mạo hoặc giả danh nhân viên của chủ đầu tư để tiếp cận khách hàng. Chúng sử dụng hình ảnh, tài liệu quảng cáo chuyên nghiệp để khiến người mua tin tưởng, sau đó yêu cầu chuyển tiền hoặc ký hợp đồng giả. Một số người không kiểm tra kỹ thông tin đã vội vàng giao dịch và rơi vào cái bẫy tinh vi này. Để tránh rơi vào tình huống tương tự, người mua nên tìm hiểu thông tin từ trang web chính thức của chủ đầu tư và liên hệ trực tiếp với các văn phòng giao dịch được ủy quyền.

Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Ông Trần Mạnh Chung - Giám đốc Ban Quản lý dự án NOXH NO1 Hạ Đình khẳng định: “Liên danh chủ đầu tư chưa từng ký kết bất kỳ hợp đồng hay ủy quyền nào liên quan đến tư vấn, đặt cọc, hoặc phân phối nhà ở tại dự án nhà ở xã hội ô đất NO1 Hạ Đình với bất kỳ công ty hay sàn giao dịch bất động sản nào. Do đó, mọi tổ chức hoặc cá nhân tự nhận là đại diện của Liên danh Chủ đầu tư dự án (bao gồm Tổng Công ty UDIC, Haweicco, DAC Hà Nội) để tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tư vấn, đặt cọc, giữ chỗ hay giao dịch mua bán căn hộ tại dự án này đều là giả mạo và có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Ông Trần Mạnh Chung cho biết, hiện tại chủ đầu tư chưa cung cấp hồ sơ mua bán căn hộ và dự kiến khoảng quý 3/2025 mới có hồ sơ. Mọi chi tiết sẽ được công khai trên công thông tin Sở Xây dựng Hà Nội hoặc trên thông tin chính từ Liên danh Chủ đầu tư. Liên danh Chủ đầu tư sẽ chỉ công bố thông tin chính thức về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà khi dự án đủ điều kiện kinh doanh và mở bán. Những thông tin này sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội hoặc các kênh thông tin chính thức của Liên danh Chủ đầu tư.

Một chiêu trò khác cũng rất phổ biến là mua bán nhà ở xã hội không hợp pháp. Một số cá nhân sau khi mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi đã tìm cách bán lại với giá cao hơn để trục lợi. Những người có nhu cầu mua nhà nhưng không hiểu rõ quy định có thể bị dụ dỗ ký hợp đồng ủy quyền hoặc giấy viết tay thay vì hợp đồng công chứng. Điều này không chỉ khiến họ có nguy cơ mất trắng số tiền bỏ ra mà còn vướng vào các rủi ro pháp lý. Theo quy định hiện hành, nhà ở xã hội chỉ có thể chuyển nhượng sau 5 năm kể từ khi cấp sổ hồng và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Việc giao dịch trái quy định có thể dẫn đến tranh chấp và mất quyền lợi.

Cách nhận diện và phòng tránh lừa đảo

Chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Được khuyến cáo người dân: “Để tránh rơi vào các bẫy lừa đảo, người mua nhà ở xã hội cần chủ động kiểm tra thông tin pháp lý của dự án. Trước khi quyết định giao dịch, cần xác minh xem dự án đã có giấy phép xây dựng và được phép mở bán hay chưa. Việc này có thể thực hiện bằng cách liên hệ với Sở Xây dựng, UBND địa phương hoặc tra cứu thông tin trên các trang web chính thức. Ngoài ra, cần tuyệt đối tránh đặt cọc hoặc chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp. Một giao dịch chỉ thực sự an toàn khi có hợp đồng mua bán chính thức, có chữ ký của chủ đầu tư và được công chứng theo quy định”.

Bên cạnh đó, người mua cần hết sức cảnh giác với những quảng cáo quá hấp dẫn. Nếu một dự án được rao bán với mức giá rẻ bất thường, cam kết suất ưu tiên hoặc không cần xét duyệt hồ sơ, thì đó có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Những kẻ gian thường đánh vào tâm lý muốn sở hữu nhà nhanh chóng, nhưng thực tế, nhà ở xã hội phải tuân theo quy trình chặt chẽ của Nhà nước. Việc "chống trượt hồ sơ" hay "bao đậu xét duyệt" đều là những chiêu trò dụ dỗ và không có cơ sở pháp lý.

Ngoài ra, khi làm việc với môi giới, cần kiểm tra xem họ có được ủy quyền chính thức từ chủ đầu tư hay không. Nếu một người tự nhận là nhân viên kinh doanh của dự án, hãy yêu cầu xem thẻ nhân viên, giấy ủy quyền và xác minh thông tin qua chủ đầu tư. Việc kiểm tra kỹ danh tính của người giao dịch sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị lừa đảo.

“Mua nhà là một quyết định quan trọng, liên quan đến số tiền lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống lâu dài. Đừng vì những lời hứa hẹn hấp dẫn mà vội vàng đưa ra quyết định thiếu cân nhắc. Hãy luôn tỉnh táo, tìm hiểu kỹ và chỉ giao dịch khi đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để tránh mất tiền oan”, chuyên gia Nguyễn Văn Được nói

Hiện nay, các chiêu trò lừa đảo trong mua bán nhà ở xã hội ngày càng tinh vi, nhắm vào những người thiếu kinh nghiệm hoặc không có thời gian tìm hiểu thông tin. Để bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình, người mua cần chủ động nâng cao cảnh giác, kiểm tra tính pháp lý của dự án và chỉ giao dịch qua các kênh chính thống. Chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát, minh bạch thông tin và có các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng lừa đảo.

Theo Đời sống và Pháp luật