
Chợ Thổ Tang, hay còn gọi là chợ Giang, là một trong những khu chợ đầu mối lớn và sầm uất nhất khu vực miền Bắc, với hơn 1.000 hộ tiểu thương tập trung buôn bán. Hàng hóa tại đây rất phong phú, từ kim chỉ, nông sản, thực phẩm cho đến vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, thậm chí cả máy móc công nghiệp.
Đây cũng là nơi tập kết, trung chuyển, phân phối hàng hóa từ khắp mọi miền đất nước, kéo theo nhiều ngành nghề dịch vụ khác cũng phát triển như vận tải, ăn uống, giải trí,...
Theo số liệu thống kê của UBND thị trấn Thổ Tang, các hộ kinh doanh tại chợ đóng góp hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% giá trị sản xuất tại địa phương.
Ghi nhận của PV VietNamNet, 2 ngày gần đây, phần lớn cửa hàng kinh doanh trên tuyến đường Nguyễn Thái Học (đường tỉnh 304) chạy dọc theo chợ Thổ Tang, đều đóng cửa. Trái ngược hoàn toàn với cảnh tượng xe tải nối đuôi, tắc đường, hàng hóa chất cao "như núi" thường thấy trước đây.


Theo phản ánh của các hộ kinh doanh, khoảng 10 ngày trở lại đây, lượng khách đến chợ sụt giảm đột ngột, hàng hóa cũ không bán được nên cũng không có hàng mới nhập về.
Ông Nguyễn Việt A., tiểu thương bán buôn cho các khách hàng tại các tỉnh Tây Bắc, cho biết, khoảng một tuần nay bỗng nhiên họ không nhập hàng nữa. Cửa hàng của ông cũng đóng cửa 2 ngày nay.
Theo ông A., ông đang có 5 nhân viên bán hàng, thêm cả tiền thuê mặt bằng nên việc kinh doanh khó khăn khiến gia đình ông như "ngồi trên lửa".
Cách đây một tuần, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp phát hiện 2 cơ sở kinh doanh hàng giả là sản phẩm thực phẩm ăn liền và các sản phẩm nước rửa bát, dầu gội, dầu xả, kem xả, kem đánh răng, bột giặt.
Hai cơ sở này đều nằm trên địa bàn thị trấn Thổ Tang.

Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Hải, phát hiện cơ sở đang bày bán hơn 12.000 sản phẩm thực phẩm là xúc xích ăn liền, cổ gà ăn liền, cánh gà ăn liền, đùi gà ăn liền do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Cũng tại thị trấn Thổ Tang, lực lượng chức năng cũng phát hiện hơn 26.000 sản phẩm tại hộ kinh doanh Phùng Văn Đảng (Hồng) có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm có các sản phẩm nước rửa bát, dầu gội, dầu xả, kem đánh răng, bột giặt.
Tại cơ sở này, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều máy móc, thiết bị nghi dùng để sản xuất hàng hóa giả.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm của hai cơ sở trên để thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành của các thương nhân, góp phần lập lại trật tự thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo VietNamNet