Những ngày chiến chinh, chỉ toàn thương và nhớ

Một buổi trưa ở căn nhà nhỏ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM, bà Hồng ngồi xới cơm trong khi ông Nấm ngồi xốc dĩa dưa cà. Mâm cơm của họ giản dị, những câu chuyện cũng quẩn quanh vườn rau, đứa cháu trai đang ngồi viết bài.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 1.

Mâm cơm giản dị của cặp đôi ở tuổi xế chiều, họ đã tưởng chừng như đã lạc mất nhau trong những năm chiến tranh

Bữa cơm, câu chuyện, mái nhà, nếp sống, mọi thứ đều chân phương và giản dị. Nó cũng giống như tình yêu suốt 6 thập kỷ mà họ dành cho nhau.

Mọi chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 1964, giữa doanh trại dã chiến ở tỉnh Bà Rịa, chàng chiến sĩ Nguyễn Xuân Nấm, khi ấy mới 21 tuổi, lần đầu chạm mắt cô du kích tải y tư Bùi Thị Hồng vừa tròn 18 tuổi.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Xuân Nấm nhớ lại những gian khó thời chiến tranh và hình ảnh người con gái đoan trang, nhỏ nhẹ năm nào

Họ ở hai đơn vị khác nhau. Ông Nấm nhớ hoài hình ảnh người con gái đoan trang, nhỏ nhẹ và chịu thương, chịu khó.

“Nhìn là thương ngay”, cựu binh nay đã 83 tuổi, hồi tưởng, ánh mắt vẫn lấp lánh như ngày nào.

Thời chiến, những khoảnh khắc yêu đương hiếm hoi chỉ gói gọn trong 30 phút mỗi tối. Họ trò chuyện, chia sẻ, và trái tim dần hòa chung nhịp đập.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 3.

Cựu binh nay đã 83 tuổi, hồi tưởng, ánh mắt vẫn lấp lánh như ngày nào

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 4.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 5.

Ông Nấm mồ côi mẹ từ năm 14 tuổi, ba người anh em đi lính đều đã hy sinh, còn bà Hồng thì cảm động trước sự chân thành của chàng trai trẻ. Nhưng chiến tranh không cho họ nhiều thời gian, đặc biệt là giữa chiến trường Đông Nam Bộ khốc liệt. Chỉ một tháng sau, ông phải hành quân lên chiến khu Đ, còn bà trở về Sài Gòn - Gia Định.

Trong đêm cuối, ông ngập ngừng hỏi: "Hòa bình rồi, mình cưới nhau nhé?" Bà Hồng lặng im, không dám hứa, chỉ để lại một giao ước mơ hồ dựa trên niềm tin. Rồi họ lạc nhau, không thư từ, không tin tức.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 6.

Những tấm ảnh kỉ niệm được ông Nấm cất kĩ và trân trọng

Định mệnh tái hợp sau thập kỷ xa cách

Chiến tranh khắc nghiệt đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trên cả hai. Năm 1968, ông Nấm mất chân phải trong trận đánh ở Tây Ninh, bị bắt giam ở Hố Nai, Đồng Nai.

Một năm sau, bà Hồng cũng chịu chung số phận khi đơn vị ở Biên Hòa bị pháo kích. Bà may mắn sống sót nhưng mất đi chân phải. Sau khi bình phục, bà được chuyển ra Ninh Bình học văn hóa, còn ông Nấm, sau Hiệp định Paris 1973, được trao trả và an dưỡng ở Tuyên Quang.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 7.

Mỗi lần nhắc đến cuộc gặp định mệnh sau nhiều năm thất lạc, bà Hồng không khỏi bồi hồi

Mùa xuân năm 1974, tại thị xã Thuận Thành, Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), duyên phận một lần nữa mỉm cười. Ông Nấm, chống nạng đi làm chân giả, bỗng thấy dáng hình quen thuộc. Cô gái gầy gò, lò cò nhảy vào hàng ghế, chính là bà Hồng. "Vừa mừng, vừa tủi, tôi chỉ muốn khóc," ông kể. Họ ôm chầm lấy nhau, kể về những năm tháng chiến đấu, những vết thương và mất mát. Nhưng bà Hồng, vì mặc cảm với cơ thể khuyết tật, từ chối nối lại tình xưa. "Hai người cụt chân lấy nhau, chỉ thêm gánh nặng," bà nói.

Nhưng ông Nấm không bỏ cuộc. Ông kiên trì chống nạng đến thăm bà, chia sẻ từng cơn đau nhức của chân giả, từng khó khăn khi tập tễnh bước đi. Sự đồng cảm ấy đã làm tan chảy trái tim bà Hồng. Năm 1976, một lễ tuyên bố giản dị thay cho đám cưới được tổ chức. Họ chính thức trở thành vợ chồng, bắt đầu hành trình mới đầy gian nan nhưng cũng tràn ngập yêu thương.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 8.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 9.

Sau nhiều năm thất lạc, bà Hồng từng từ chối tình cảm của ông Nấm bởi mặc cảm với cơ thể khuyết tật

Hạnh phúc hàn gắn lại những vết thương chiến tranh

Cưới nhau xong, ông bà về Long An, nhưng đôi chân khuyết tật khiến việc làm ruộng trở thành bất khả thi. Họ quyết định trở lại quê bà Hồng ở Củ Chi, dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng. Nhà nước cấp cho họ căn nhà tình nghĩa, bà Hồng đi lặt đậu mướn, còn ông Nấm chăn bò, nuôi heo, buôn khô. Ba người con lần lượt chào đời trong cảnh túng thiếu.

Cuộc sống khắc nghiệt không làm họ chùn bước. Bà Hồng dậy sớm nấu bo bo độn cơm, gói ghém cho chồng đạp xe 43 km đến Mộc Bài, Tây Ninh lấy hàng. Ông Nấm, dù đau nhức vì nẹp chân giả, vẫn cắn răng chịu đựng, chỉ mong vợ con được yên lòng. "Tôi không dám than, sợ bà ấy lo", ông tâm sự.

Năm 1997, ông Nấm nhập viện vì bướu bàng quang. Nhìn bà Hồng tập tễnh lên xuống cầu thang, giặt khăn, lấy thuốc, rồi vội vã về nhà chăm con, ông không cầm được nước mắt.

"Sự chịu thương chịu khó của bà ấy, có vàng cũng không đổi được”, ông nói, giọng nghẹn ngào.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 10.

Dù cuộc sống của ông bà từng gặp nhiều khó khăn, khắc nghiệt thế nhưng họ vẫn đồng hành, cùng nhau vượt qua

48 năm chung sống, tài sản quý giá nhất của ông bà là ba người con và tám đứa cháu, tất cả đều hòa thuận, yêu thương nhau.

Chị Ngọc Hân, con út, tự hào kể: "Bố mẹ tôi sống vì nhau. Họ là tấm gương cho cả gia đình". Năm ngoái, khi người anh cả đột ngột qua đời, cả nhà suy sụp. Nhưng chính tình yêu và sự an ủi lẫn nhau đã giúp họ vượt qua nỗi đau.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 11.

48 năm chung sống, tài sản quý giá nhất của ông bà là ba người con và tám đứa cháu, tất cả đều hòa thuận, yêu thương nhau.

Một đời để thương: Câu chuyện của đôi vợ chồng thương binh chỉ còn một chân và lời hẹn ước giữa bom đạn- Ảnh 12.

Có lẽ hạnh phúc ở tuổi xế chiều của ông bà chính là những bữa cơm giản dị và hình ảnh con cháu quầy quần bên nhau

Giờ đây, khi tuổi đã xế chiều, ông Nấm không còn dùng chân giả vì sức yếu, chỉ chống nạng đi vài bước đã mệt. Bà Hồng vẫn quét sân, nấu cơm, chờ chồng như những buổi chiều 60 năm trước ở đơn vị. "Mọi nỗi đau, mất mát đã thuộc về quá khứ. Hạnh phúc là hiện tại, là được ở bên nhau", ông Nấm mỉm cười.

Câu chuyện của ông Nấm và bà Hồng không chỉ là một chuyện tình, mà còn là bài ca về sự kiên cường, đồng cảm và niềm tin vào duyên phận. Họ đã chứng minh rằng, dù chiến tranh có tàn khốc, dù cuộc đời có nghiệt ngã, tình yêu đích thực vẫn luôn tìm được đường về.

Theo Người đưa tin