Một số quỹ đầu tư tại châu Âu – đặc biệt là ở BĐN -  cũng đầu tư vào quyền sở hữu cầu thủ, nhưng hoạt động này thật ra bắt nguồn và phát triển mạnh nhất tại Nam Mỹ.

Đặc biệt ở Brazil, quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ ba (Third Party Ownership – TPO) là điều vô cùng phổ biến và đây là mối đe dọa lớn cho bóng đá xứ sở Samba nói riêng cũng như thế giới nói chung.

Luật Pele

Nam Mỹ vốn nổi tiếng với hệ thống quản lý bóng đá lỏng lẻo. Suốt thập niên 1980 và 1990, nền bóng đá Colombia được tài trợ bởi doanh thu từ việc… buôn bán cocaine. Trong vụ scandal mua quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar, Chủ tịch LĐBĐ Argentina Julio Grondona và người đồng nhiệm Ricardo Teixeira bên phía Brazil là hai trong số những cái tên bị tố cáo ăn hối lộ nhiều nhất.

Vì thế, đừng ngạc nhiên khi hệ thống quy phạm pháp luật ở Brazil được thiết kế theo hướng tạo điều kiện tối đa cho TPO, hoạt động vẫn bị các nhà điều hành bóng đá châu Âu chỉ trích là “nô lệ” (lời David Dein – cựu GĐĐH Arsenal) và “vô đạo đức” (lời Theo van Seggelen, Tổng thư ký Hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp quốc tế).

Tất nhiên sự khó khăn về mặt tài chính của các CLB bóng đá Brazil cũng là một trong những lý do khiến họ tìm đến các quỹ đầu tư để “góp vốn” mua cầu thủ, nhưng lý do thực sự khiến hoạt động TPO bùng nổ ở quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới là sự ra đời của một đạo luật có tên Pele – khi đó là Bộ trưởng Thể thao Brazil - được ban hành vào ngày 24/3/1998.

Theo đó, kể từ năm 2001 các quỹ đầu tư sẽ được phép mua lại một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu các cầu thủ. Quan trọng hơn, các CLB chỉ được phép ký hợp đồng có thời hạn tối đa 5 năm với cầu thủ khi anh ta đủ 16 tuổi, và nếu cầu thủ chuyển sang CLB khác trước khi hết hạn hợp đồng thì cũng chỉ cần bồi thường 100 tháng lương.

Mức lương trung bình của các cầu thủ Brazil là 10.000 USD/tháng, còn những gương mặt thuộc top đầu có thể kiếm được khoảng 80.000 USD/tháng, nghĩa là CLB của họ chỉ nhận được tối đa 8 triệu USD tiền phí chuyển nhượng.

Trong các vụ chuyển nhượng Oscar và David Luiz đều có dấu ấn của bên thứ ba
Trong các vụ chuyển nhượng Oscar và David Luiz đều có dấu ấn của bên thứ ba

Tuy nhiên, nếu một phần quyền sở hữu các cầu thủ thuộc về một bên thứ ba thì tình hình lại thay đổi. Khi đó, bên mua cầu thủ sẽ phải thương lượng giá chuyển nhượng với cả bên thứ ba (thường là các quỹ đầu tư) thay vì chỉ cần bồi thường 100 tháng lương cho bên bán như trước.

Đó là lý do vì sao Chelsea phải bỏ ra 25 triệu bảng cho Oscar còn PSG thậm chí phải móc túi 45 triệu euro để thanh toán cho chữ ký của Lucas Moura.

Bồ Đào Nha – cánh cửa đến châu Âu

Chuyện mua bán quyền sở hữu cầu thủ ở Brazil, và kể cả người láng giềng Argentina, là rất bình thường. Ngân hàng Minas Gerais (Banco Minas Gerais – BMG) từng bỏ ra số tiền tương đương 3,5 triệu bảng để mua lại quyền sở hữu của 10 cầu thủ Corinthians năm 2010.

BMG cũng đầu tư 8 triệu bảng khác vào Palmeiras và Sao Paulo để đổi lấy một phần quyền sở hữu cầu thủ của các đội bóng này. Quỹ đầu tư DIS Esporte, một tên tuổi lớn khác trong thị trường TPO, nắm giữ 40% quyền sở hữu Neymar, 37% quyền sở hữu Danilo da Silva và 68% quyền sở hữu Ganso.

Đối với các khoản đầu tư này, mục đích cuối cùng của BMG hay DIS là bán cầu thủ sang châu Âu, bởi “bán cầu thủ là cách dễ dàng nhất để kiếm tiền trong bóng đá” – lòi Raffaele Poli, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Thể thao quốc tế (CIES) có trụ sở tại Thụy Sĩ.

TPO là hoạt động hợp pháp ở cả Đức, Italia lẫn TBN, nhưng BĐN vẫn đóng vai trò trạm trung chuyển chính cho các cầu thủ Brazil ở châu Âu bởi sự gần gũi về mặt ngôn ngữ và cũng bởi sự quen thuộc của các đội bóng BĐN với TPO (từ đầu những năm 2000, các CLB BĐN đã bắt đầu bán quyền sở hữu cầu thủ cho các quỹ đầu tư, trong đó có cả những ngôi sao hàng đầu như Cristiano Ronaldo hay Deco).

Các quỹ đầu tư tham gia vào hoạt động TPO ở BĐN thường có gốc gác từ các ngân hàng, hoặc từ các nhân vật trong giới bóng đá. Năm 2009, Espirito Santo -  ngân hàng lớn nhất ở BĐN – lập ra quỹ Benfica Stars Fund với giá trị lên đến 40 triệu euro để đầu tư vào quyền sở hữu của 12 cầu thủ Benfica, trong đó có David Luiz.

Năm 2011, khi Luiz chuyển sang Chelsea với giá 21 triệu bảng, Espirito Santo nhận được 25% trong số này. Một trường hợp khác, trong ban điều hành của công ty quản lý quỹ Mamers BV – đặt trụ sở tại Amsterdam – có một cựu cầu thủ trẻ Porto, một cựu giám đốc Porto và một trợ lý của Chủ tịch Porto Pinto da Costa.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Mamers BV từng nắm giữ 37,5% giá trị của tuyển thủ BĐN Joao Moutinho, một gương mặt trong biên chế Porto. Hoạt động TPO ở BĐN diễn ra phổ biến đến nỗi Porto chỉ hoàn toàn sở hữu được … 5 cầu thủ trên tổng số 29 cái tên trong đội hình chính.  

Mối đe dọa cho bóng đá

Edu, cựu tiền vệ Arsenal giai đoạn 2001-2005, bây giờ là giám đốc bóng đá của Corinthians cho biết: “Chúng tôi có một đội ngũ pháp lý tốt. Các giao dịch mua bán quyền sở hữu cầu thủ được thực hiện rất minh bạch và các nhà đầu tư không thể can thiệp vào vấn đề chuyển nhượng”.  Tuy nhiên rất ít người tin vào điều đó. 

Rõ ràng, khi một bên thứ ba nắm giữ quyền sở hữu cầu thủ, họ sẽ tìm cách thúc đẩy một vụ chuyển nhượng càng sớm càng tốt (vì nếu cầu thủ đó không chuyển CLB, bên thứ ba sẽ không thu được tiền). Điều đó sẽ “đe dọa sự ổn định của các CLB” – cũng theo lời Poli.

Còn theo luật sư Daniel Geey của công ty luật Field Fisher Waterhouse, sự chồng chéo về lợi ích này hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả trận đấu và ảnh hưởng đến tính trung thực trong thể thao. Ví dụ, cựu GĐĐH Chelsea Peter Kenyon từng hợp tác với “siêu cò” Jorge Mendes để lập ra quỹ đầu tư Quality Football Ireland.

Quỹ này lại nắm giữ 50% giá trị của Ricky Van Wolfswinkel, tiền đạo của Sporting Lisbon. Giả sử Kenyon chuyển sang làm việc tại Man City như một số lời đồn và Man xanh thi đấu với Sporting, có gì đảm bảo là Van Wolfswinkel sẽ thi đấu hết sức để góp một tay đánh bại chính ông chủ của mình?

UEFA thì lại lo ngại rằng TPO có thể biến những nỗ lực của họ trong việc thực thi Luật Công bằng tài chính (Financial Fair Play – FFP) trở nên vô nghĩa.

Trong khi các đội bóng ở Anh và Pháp (hai nước đã cấCăn phảim TPO) không thể vung tay quá trán vì còn phải đáp ứng các yêu cầu của FFP, những CLB trên phần còn lại của lục địa già vẫn có thể lách luật bằng cách sử dụng nguồn vốn của một bên thứ ba vào việc mua sắm cầu thủ, qua đó không làm phát sinh chi phí cho CLB.

Vì thế, UEFA đã đề nghị FIFA cấm hoàn toàn TPO trong bóng đá và FIFA cũng đang cân nhắc, khởi đầu bằng việc đề nghị các LĐBĐ thành viên cho ý kiến về TPO vào tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên người Brazil có lẽ đang cảm nhận rõ ảnh hưởng của TPO hơn ai hết: vì TPO, các đội bóng không còn đầu tư nhiều vào việc đào tạo tài năng trẻ (bởi họ có sở hữu các tài năng đó đâu).

Hậu quả, bóng đá xứ sở Samba ngày càng khan hiếm tài năng, Brazil thất bại ở 3 giải đấu lớn liên tiếp (World Cup 2010, Copa America 2011, Olympic 2012), đã trải qua 18 tháng liền không biết mùi chiến thắng trước các đội bóng lớn và bây giờ thậm chí tụt xuống hạng 18 trong BXH của FIFA, sau cả… Thụy Sĩ và Ecuador.

Theo Đất Việt