“Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” gồm 52 tản văn và truyện ngắn, là đứa con tinh thần thứ 2 của Lương Đình Khoa dành cho độc giả trẻ cùng được trình làng trong năm nay – sau tập thơ “Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người” ra mắt dịp Valentine 2014. Đây cũng là tập sách thứ 4 trong gia tài sáng tác của anh.
Anh chia sẻ: “Lạc” ở đây có nghĩa là lạc mất, để mất, nhưng cũng có nghĩa là lạc đến, đi đến. Vì vậy, đôi khi trong đau khổ tuyệt vọng vì một cánh cửa khép lại, bạn hãy gượng dậy mà ngước nhìn, bởi sẽ le lói đâu đó, vào thời điểm nào đó những tia sáng từ một cánh cửa khác mở ra cho một hành trình mới trong cuộc đời. Như bình minh mỗi ngày vẫn đến và nắng vẫn tràn vào phòng sớm mai. Rồi nắng sẽ làm khô nước mắt, gió tràn qua ô cửa xoa dần vết thương cũ không đáng có, và cần phải lành. Vì cuộc sống vẫn tiếp diễn, không ai dừng ở một chỗ, đằm lại và chết chìm trong nỗi đau.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú (Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã nhận xét: “ Chọn hình ảnh Ga để cấu tứ cho một tập sách với những chủ đề như “Ga của phố”, “Ga tình yêu”, “Ga hoài niệm”, “Ga bình yên”, “Ga kể chuyện”, “Ga tình ca”… là một ý đồ thông minh và đầy sức quyến rũ của cây bút trẻ Lương Đình Khoa. Mỗi người đọc sẽ tự mình đi lạc vào những chuyến tàu của tản văn hay truyện ngắn Lương Đình Khoa để rồi dừng lại ở một sân ga nào đó, hoặc là ngậm ngùi không muốn đi tiếp, hoặc là lại cất bước đến những sân ga khác, đầy ân tình, nhung nhớ, yêu thương, bùi ngùi, xa xót…
“Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” chính là sự lạc bước của tâm hồn lãng mạn, nỗi bâng khuâng được mất trước ngưỡng cửa cuộc đời, niềm bồng bột dấn thân tuổi trẻ hay đơn giản chỉ là sự phiêu du của lứa tuổi hoa niên trên những thanh ray tàu trôi về trăm ngả số phận được Lương Đình Khoa phóng chiếu qua hình ảnh “nhà ga trung tâm” vốn là nỗi lòng tác giả - một người trẻ đang bâng khuâng trước muôn nẻo đường đời”.
Bức tranh của hành trình “thanh xuân” được vẽ ra với những háo hức tràn đầy về một giấc mơ mang tên thành phố của những đứa trẻ quê chân chất, theo kiểu: “Ta mải miết chạy theo tiếng cười xưa – ra phố thị tập làm người lớn/ Bỏ đồng xanh hoang vắng ngọn gió lành…” (trích thơ Lương Đình Khoa).
Biết bao người trẻ đã đến, đã yêu và say phố nồng nàn. Nhưng rồi chính phố cũng dạy cho họ bài học về chênh vênh, hụt hẫng. Để đôi khi, rất nhiều người trẻ thấy mình như kẻ đi lạc - lạc giữa “Ga Của Phố” với một khúc tình loay hoay, như con dế nhỏ cô đơn trong lòng phố xá thênh thang tìm cách trở về với đồng xanh yên bình và tươi mát gió và trăng.
Và từ nơi phố nhỏ chật hẹp, quanh co, tình yêu chớm nở. Ai rồi cũng sẽ một lần để hồn lạc theo một bóng hình, theo tháng năm dài rộng nào đó đã từng sống và yêu thương, từng gọi tên bằng hai từ Hạnh Phúc. Để rồi dù không về đúng sân ga mong đợi, thì tình yêu từng có vẫn dành cho nhau, lạc theo ký ức đời nhau.
Rồi từ không gian chật hẹp của Phố, của Tình yêu, chuyến tàu ấy muốn bứt mình đi xa, lạc tới rất nhiều sân ga khác rộng hơn, hòa vào với cuộc đời thực thụ cùng Ga Trăn Trở, Ga Hoài Niệm, Ga Bình Yên. Ấy là lúc tâm hồn con người ta đã trưởng thành hơn, tự khám phá ra chính bản thân mình, từ đó vẽ nên bức chân dung về đời sống vui buồn của những người trẻ trong xã hội ngày nay.
Khúc cuối của hành trình thanh xuân, sau những gió giông nơi cánh cửa đầu đời, con người ta sẽ nắm tay nhau ngồi lại nơi Ga Kể Chuyện, chia sẻ về cuộc đời bằng những truyện kể ngân ngấn thương yêu. Đó có thể là có thực, có thể là một chút hư cấu, ẩn dụ thoáng qua mà gửi gắm ước mong về tình người. Để người với người đừng là những mảnh ghép cô đơn.
Ga Tình Ca khép lại hành trình này, là khúc ru ngọt lành bằng âm nhạc cho hồn người nương náu. Trôi qua cái trăn trở của đời Trịnh, những khoảng trời chơi vơi của Ngô Thụy Miên, khắc khoải cùng Anh Bằng và Du Tử Lê, cùng rất nhiều bài ca khác. Để có những tình khúc thấu tận tim gan, ngỡ như được viết tặng riêng mình. Để hiểu từ ngàn đời nay, âm nhạc vẫn luôn là loại hình kết nối duy nhất trên thế giới không có khoảng cách, tuổi tác, kéo người với người gần lại nhau hơn bằng những thông điệp của Chân – Thiện – Mỹ.
Tập sách này là món quà nhỏ của một người trẻ, dành tặng cho những người trẻ, cũng như cho những ai đã đi qua tuổi trẻ của mình mà còn mang trái tim nặng tình đi giữa nhân gian.
Lương Đình Khoa là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 8X. Anh trưởng thành từ báo Thiếu Niên Tiền Phong, chương trình văn nghệ thiếu nhi của Đài TNVN, với những trang viết đầu tiên năm học lớp 8, cho đến hết cả thời học sinh, là Bút trưởng của Bút nhóm Hương Nhãn – một Bút nhóm sáng tác văn học của tỉnh Hưng Yên được đông đảo bạn đọc trẻ cùng thời mến mộ.
Năm 2004, tập thơ đầu tay mang tên “Khuôn mặt tình yêu” của Khoa ra mắt – khi anh đang là SV năm nhất HV Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội, đồng thời các truyện ngắn, tản văn, thơ của anh xuất hiện nhiều trên các báo, tạp chí, được chọn in trong nhiều tuyển tập, và trở thành học viên trẻ tuổi nhất tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác của Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - khóa 1 – do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức năm 2007.
Hai năm sau, tập truyện ngắn đầu tay mang tên “Gió mùa thổi mãi” của Lương Đình Khoa ra mắt độc giả. Truyện ngắn chủ đề “Gió mùa thổi mãi” được đài Truyền hình TP.HCM chọn chuyển thể thành kịch bản phim cho loạt phim phát sóng về những tâm hồn cao đep. Rằm tháng Giêng 2011, là đại diện trình diễn thơ tại sân Thơ trẻ ngày Thơ VN ở Văn Miếu.
Cư dân mạng biết nhiều đến Lương Đình Khoa với vai trò là một blogger khi các Mạng xã hội bùng nổ; cùng những bài thơ được chuyển sang dạng video, lồng ảnh và nhạc hài hòa với lời thơ, tình thơ, dễ đồng cảm, chia sẻ trên Youtobe - cùng các bolog radio anh tự thu về những chủ đề gần gũi xoay quanh đời sống tình cảm giới trẻ.
“Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc” – do Người Trẻ Việt phối hợp với NXB Văn học thực hiện, ấn hành tháng 11.2014. Xuyên suốt cả chuyến tàu này là nỗi niềm về Phận và Duyên đau đáu giữa cuộc đời của tác giả, để gửi đến bạn đọc thông điệp: Cuộc sống hiện đại khiến con người ta để mất đi và làm tổn thương nhau nhiều quá, cần biết nâng niu, xoa dịu, nâng đỡ và bao dung với nhau nhiều hơn. Đồng thời hãy luôn tâm niệm một điều giản đơn rằng: Chỉ những ai có duyên phận mới được làm người thân, người yêu, và bạn bè của nhau, để cùng đồng hành với nhau trên một đoạn đường nào đó với Vui – Buồn – Được – Mất của cuộc đời trong cả hành trình dài của mỗi cuộc đời.
Đồng hành cùng “Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc”, bạn đọc sẽ nhận ra một điều thật giản dị rằng: Cuộc đời dù thế nào đi chăng nữa vẫn luôn nồng nàn hương sắc, đáng để ta sống, trải nghiệm và học cách yêu.