Chị H. (37 tuổi) cho biết có biểu hiện đau bụng, buồn nôn nên đến Trung tâm Y tế khu vực Cẩm Khê (Phú Thọ) kiểm tra, sau đó chị được thầy thuốc chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, các xét nghiệm của người bệnh cho thấy chỉ số triglyceride trong máu (mỡ máu) cao gấp 37 lần và men tụy tăng cao gấp 2,5 lần bình thường. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính ổ bụng xác định tình trạng viêm tụy cấp. Người bệnh được chẩn đoán mắc viêm tụy cấp do tăng tryglycerid.

Nữ bệnh nhân 37 tuổi rất ngạc nhiên, sợ hãi với túi mỡ được lọc ra từ cơ thể. Ảnh: BVCC

Nữ bệnh nhân được chỉ định điều trị tích cực với các biện pháp: thay huyết tương, truyền dịch, liệu pháp insulin, kháng sinh, thuốc giảm tiết… Sau 5 ngày điều trị, người bệnh ổn định, hết đau bụng, chỉ số men tụy và mỡ máu trở về mức bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ngày 7/7 cho biết viêm tụy cấp do tăng triglycerid chiếm tỷ lệ khoảng 1-4% trong các nguyên nhân gây viêm tụy cấp, nhưng lại có nguy cơ diễn tiến nặng, gây biến chứng tổn thương đa cơ quan, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

Đáng chú ý, mỡ máu cao thường được coi là “sát thủ thầm lặng” do có diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Nhiều người chỉ tình cờ phát hiện khi đã xuất hiện biến chứng như viêm tụy, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

"Đặc biệt, không ít trường hợp người bệnh mỡ máu cao có thân hình gầy gò, không béo phì nên thường chủ quan, không kiểm tra sức khỏe định kỳ, dẫn đến chẩn đoán muộn", bác sĩ Hùng cho hay.

Thầy thuốc khuyến cáo người dân duy trì lối sống lành mạnh: ăn uống hợp lý, hạn chế dầu mỡ, tăng cường rau xanh và chất xơ, tập thể dục đều đặn; không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, vì đây là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tổn thương tụy và rối loạn chuyển hóa lipid.

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 đến 2 lần ngay cả khi cảm thấy cơ thể vẫn đang khỏe mạnh là rất cần thiết.

Theo VietNamNet