Chị hơn tôi năm tuổi, tên Duyên. Da chị trắng hồng, làn môi nhỏ màu hồng cánh sen lúc nào cũng hé nụ cười. Tóc chị đen nhánh, dài và mượt, lại thẳng nữa. Chị siêng ra vườn hái nào lá nếp, hương nhu, lá sả, lá chanh, nướng bồ kết nấu nước gội đầu.

Ban ngày đi làm chị vấn khăn trùm kín tóc. Buổi tối, chỉ đến khi lên giường ngủ chị mới thả từng lọn tóc ra, hương bồ kết thơm thoang thoảng trong đêm, khiến tôi cứ hít hà mãi không thôi.

Chị tôi nét nào cũng đẹp, chỉ tội đôi mắt buồn. Đuôi mắt chị khi cười hằn nhiều nếp chân chim. Cô ruột tôi mỗi lần tới chơi, nhìn chị lăng xăng trong bếp, ngoài vường, buông thầm một câu chỉ mình tôi ngồi gần nghe được: "Mắt nó đẹp nhưng khi cười nhiều nếp nhăn, sau này số cực không để đâu cho hết".

Lúc đó tôi ghét cô vì đã nói không tốt về chị. Câu nói vô ý lúc buột miệng tưởng như không có căn cứ, lại như một lời sấm vận vào cuộc đời chị. Đôi lúc sau này tôi tự hỏi, nếu chiều hôm đó, cô tôi không sang chơi, nếu cô không than thở về chị, hay nếu tôi không nghe được những lời kia, số phận chị có may mắn hơn chăng.

Ấy là lúc sau này nghĩ lại, còn tại thời điểm đó, tôi thấy hiển nhiên chị tôi đẹp người đẹp nết như vậy, lại được nhiều người yêu mến, làm sao số chị tôi lại khổ được.

Có cô con gái đẹp trong nhà như giữ hoa thơm, không ngăn được bướm ong. Năm chị mười bảy tuổi, thanh niên làng trên xóm dưới đã nghe tiếng, tối nào cũng ngấp nghé, thấy chị có nhà là sang chơi, hay kiếm cớ ngồi tận khuya. Bố mẹ tôi đuổi khéo cũng lần nữa không chịu về.

Chỉ có tôi là hưởng nhiều lợi lộc, vì mấy anh thường dấm dúi cho tôi bánh kẹo, có khi cả tiền, chỉ để nhờ đưa cho chị Duyên một bức thư sực nức mùi nước hoa hay để tôi nhiệt tình hơn trong việc mở cổng và ngăn chó không sủa khách.

Vui nhất là ngày mùa. Đám thanh niên trai tráng đến tán tỉnh chị tôi hóa ra lại là một lực lượng lao động năng suất cao và nhiệt tình không để đâu cho hết. Có họ, ngô, lúa gặt về chất bừa bãi trong sân nhà được thanh toán gọn ghẽ. Tới mùa thuốc lào, nhà tôi bao giờ cũng phơi xong trước bà con chòm xóm vì được nhiều người rọc, cuốn, thái, phơi, úp nong, đóng bao.

Chị tôi mặc bộ quần áo vải hoa xanh, tóc vấn cao, má đỏ au vì nóng, ân cần rót từng bát nước chè xanh mời mọi người. Chị cư xử đẹp lòng tất cả nhưng cũng không gieo cho ai quá nhiều hy vọng. Trái tim thiếu nữ của chị vẫn còn trong trắng lắm. Tôi cứ hay thì thầm hỏi:

Trong mấy anh đến chơi nhà mình, chị thích anh nào nhất?

Chị chẳng thích ai cả, chỉ thích chơi với Cún thôi.

Sao lại thế, anh Thắng đẹp trai này, anh Hạnh thì nhà giàu.

Sao em biết anh Hạnh nhà giàu?

Vì anh ấy hay cho em tiền.

Chị tôi đang cầm cái lược chải mái tóc dài ngang lưng bù xù của tôi, tiện tay cốc nhẹ lên đầu:

Á, vậy là giấu chị lấy tiền của người ta. Từ nay cấm nghe chưa!

Tuy hỏi vậy, nhưng tôi chẳng muốn chị ưng anh nào. Vì ưng là sẽ cưới nhau, mà cưới chị sẽ theo chồng về sống ở nhà khác, làm con nhà người khác, chẳng còn quan tâm tới tôi nữa.

Giống như chị Hương nhà kế bên, lấy chồng tận thành phố. Ngày xưa chị hay sang nhà tôi chơi, từ khi lấy chồng biệt tăm, có khi Tết cũng chẳng về nhà bố mẹ đẻ. Tôi không muốn chị Duyên của tôi cũng sẽ đi biệt như vậy, lấy ai chở tôi đi học, gội đầu cho tôi, hát cho tôi nghe những câu ca dao êm ái.

Thời gian thấm thoát trôi. Tôi học gần hết cấp hai, chị đi lấy chồng. Nhà chồng nghe đồn giàu lắm, nhưng ở tận xã Chấn Dương, một vùng đồng cói chiêm trũng giáp biển.

Bố tôi với bố chủ rể trước cũng làm thủy thủ đi tàu chở hàng dọc Nam - Bắc cùng nhau, hình như cũng giao ước làm thông gia từ thời lênh đênh sông nước đó đây, chén tạc chén thù. Thế nhưng chú rể chưa thấy tới nhà tôi bao giờ.

Hôm bên nhà trai đến gửi trầu cau, thưa chuyện, chú rể lái xe chưa kịp về. Đám cưới diễn ra chóng vánh, rình rang cả làng xóm. Chị tôi trốn trong buồng khóc rấm rứt. Cô dâu chú rể chỉ mới gặp có một lần, mọi chuyện đều do bố mẹ hai bên đứng ra lo liệu. Thành ra như bố mẹ làm đám cưới, chị là phận con, đặt đâu ngồi đấy.

Chủ rể vốn là dân lái xe, rước dâu đưa đến hai chiếc xe du lịch 30 chỗ chở họ hàng nội ngoại, tiếng máy nổ nô nức cả xóm, khiến bà con cứ tấm tắc khen.

Chị theo chồng, nhà cửa chợt buồn tênh, sân vườn hóa rộng mênh mông. Tôi sáng đi học, tối cũng lủi thủi học bài trong nhà, chẳng thèm đi chơi với bọn bạn cùng trang lứa.

Làm dâu được hai tháng, chị về thăm nhà, mang theo rất nhiều bánh kẹo. Tôi đi học về thấy chị đứng chải tóc ở góc sân, vẫn mái tóc dài đen nhánh, bất chợt tủi thân òa lên khóc. Chị ôm tôi vào lòng dỗ dành:

Ơ hay, chị về chơi sao Cún lại khóc. Nín đi không chị lại đi bây giờ đấy.

Tôi nín bặt, chỉ còn thổn thức trong lòng. Chị ngủ ở nhà một tối, sáng hôm sau phải về sớm. Tối đó tôi lại được ngửi mùi bồ kết, mùi lá thơm thân thuộc. Chị gầy hơn, nhưng xinh đẹp và đằm thắm hơn rất nhiều.

Sáng sớm tôi tỉnh dậy, chị đã đi mất rồi, mùi tóc vẫn còn lẩn quẩn đâu đây trong căn nhà tù mù tối. Nước mắt tôi lại chảy dài trên má.

Rồi tôi cũng quen dần với việc chị đi lấy chồng xa và không còn về nhà thường xuyên được nữa. Nhà chồng chị khá giả, chị làm dâu mà thỉnh thoảng cũng có tiền gửi về cho bố mẹ.

Mẹ tôi lo lắng không yên là vợ chồng chị chung sống với nhau gần một năm nay rồi mà vẫn chưa có con.

Mẹ tôi lo lắng quả không thừa, bởi ít lâu sau tin đồn chị bị vô sinh bay về tận nhà. Ác thay lời đồn này lại xuất phát từ chính nhà chồng chị. Mẹ chồng chị cho rằng con trai bà khỏe mạnh cường tráng, hai ông anh trước cũng vợ con đề huề, sinh toàn trai, chỉ có chị tôi là không biết đẻ mà thôi.

Chị tôi về nhà mặt phải cúi gằm xuống, tiếng xì xầm nổi sau lưng. Ở quê là thế, một tin đồn mười, chỉ trong vài ngày, cả làng cả tổng cùng biết. Tôi thương chị lắm, thấy chị buồn, tôi cũng không có cách gì an ủi. Ngày ấy tôi vẫn còn bé dại quá.

Chị Duyên mới học hết lớp bảy phải nghỉ ở nhà phụ việc đồng áng, cấy hái nhưng chị là người thông minh, chín chắn. Chị nói với bố mẹ:

Người khỏe mạnh cũng có khả năng vô sinh như thường. Có thể là con, cũng có thể là chồng con. Con nhờ bố mẹ lên nói giùm nhà chồng để cho hai đứa cùng đi khám, ai bệnh người đó chữa.

Bố mẹ tôi thu xếp tới thăm ông bà thông gia. Có người lớn nói vào, họ mới đồng ý cho hai anh chị đi khám bệnh. Kết quả, chị tôi bình thường, còn anh rể mắc chứng vô sinh, không cách gì chữa được.

Tôi hay tin mừng vui như Tết, cười nói khắp nhà vì chị không bị bệnh như người ta đồn đại. Trái lại người lớn mặt rầu rĩ. Chị tôi thở dài không ngớt, bởi chị hay anh rể mắc chứng này cũng có gì khác nhau đâu. Anh chị sẽ không thể có con.

Anh rể tôi vốn là người hiền lành, biết chiều vợ, nhưng từ ngày đi khám bệnh về, anh đổi tính, bỗng thành người hay gắt gỏng, vũ phu.

Chị Duyên thương chồng, chịu đựng hết, không một lời kêu ca, vì dù trước kia không yêu nhau, nhưng sống với nhau còn cái tình, cái nghĩa. Chị chưa bao giờ có ý định bỏ chồng, vậy mà anh rể lại lo mất chị, rồi đâm ra ghen tuông. Con người khi ghen tuông thường thiếu sáng suốt.

Một hôm trời đã khuya lắm, làng xómg chìm sâu vào giấc ngủ, bỗng nhiên có tiếng người gọi cổng. Bố mẹ tôi thức giấc, nhỏm dậy nghe ngóng. Tiếng gọi yếu ớt như thực như ảo.

Mẹ tôi tung màn ngồi dậy: "Là con Duyên, ông ơi! Ra mở cổng mau lên!". Chị tôi vào đến nhà người đã lạnh ngắt, lả đi trên ghế. Khuôn mặt của chị trắng nhợt, gò má nhô cao, đôi mắt sưng mọng, trên trán còn một vệt máu đọng tím ngắt. Những vệt nước chảy trên má khô đi, để lại những vệt lem mờ mờ. Tôi cuống quýt lấy dầu xoa lên khắp chân tay chị.

Có chuyện gì vậy con? Sao lại ra nông nỗi này? - Bố mẹ tôi cuống quýt cùng hỏi.

Con không...không ở cái nhà đó nữa! - Chị tôi thở khó nhọc, nói đứt quãng. Nói xong, nước mắt lại trào ra nức nở.

Thì ra để giữ thể diện cho con trai họ, nhà chồng chị tôi bàn bạc rồi quyết định bí mật ép chị tôi ngủ với anh chồng để có con. Đáng buồn là chồng chị nhu nhược cũng tán thành quyết định của gia đình, và chính miệng gã nói với chị tôi. Chị tôi một mực cự tuyệt. Thấy họ không ép thêm, cũng chẳng khuyên bảo dỗ dành, chị tôi tưởng đã dẹp xong chuyện. Ai ngờ...

Tối hôm đó, chất xong chỗ rơm mới phơi thành đống, chị tôi đi tắm rồi bước vào buồng ngủ. Ở quê, mười giờ hơn đã tối lắm, nhà nào cũng tắt đèn đi ngủ cả. Chị giờ chiếc khăn vấn tóc lên, treo lên móc, lặng lẽ nàm xuống sát mép giường. Ban ngày làm mệt nên chị nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Đang mơ màng, chị bỗng thấy có bàn tay nóng hổi luồn vào trong áo, rờ rẫm. Chị vô thức lấy tay đẩy ra. Anh chồng bất ngờ đè nghiến lên người chị, giựt tung những chiếc cúc áo mỏng manh. Chị hoảng hốt nhỏm dậy, rồi vùng vẫy chống cự. Một giọng nói cất lên: "Ngoan nào, nằm yên!". Chị sững sờ, bởi đây không phải là tiếng của chồng mà là của anh chồng! Bàng hoàng lẫn chua chát, chị Duyên vừa vùng vẫy vừa kêu la. Chị thoát được đến ra đến cửa nhưng cửa buồng đã bị khóa bên ngoài.

Đó chính là âm mưu của nhà chồng buộc chị Duyên phải có con với người khác. Chị đứng ép sát vào cánh cửa, nhìn cái bóng đen đàn ông đang từ từ tiến về phía chị:

Đứng lại, không tôi sẽ chết cho các người xem.

Dứt lời chị Duyên quay người lao đầu vào cánh cửa buồng. Khi người ta hốt hoảng mở cửa phòng, chị Duyên gần như ngất đi, máu trên đầu chảy ròng ròng. Thế nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy mặt gã chồng nhu nhược, chị chợt vùng dậy tát vào mặt gã một cái rồi giựt cái áo cánh, chạy vào trong màn đêm.

Biến động đêm đó không những để lại vết thương trong lòng chị mà còn khiến chị bị mắc chứng nặng tai.

Thời gian sau nhà chồng lên đón về nhưng lần nào chị cũng từ chối. Bố mẹ tôi thương con nhưng lề thói ở quê không thể giữ con gái đã lấy chồng ở trong nhà. Vì thế, khi chị khỏe lại, ngày nào mẹ cũng thủ thỉ khuyên chị về nhà chồng. Chị Duyên im lặng không nói.

Tối hôm đó ngủ với tôi, chị ôm chặt tôi vào lòng, áp mặt vào lưng tôi, chị khóc. Sáng hôm sau, chị đã lặng lẽ bỏ nhà đi, không để lại một lời nhắn.

Thời gian thấm thoát trôi đi. Tôi lớn lên,lấy chồng, rồi sinh con. Ký ức về chị chìm sâu theo dòng thời gian và bộn bề của cuộc sống.

Một chiều cuối năm, ngồi một mình, ký ức về chị lại sống dậy, khiến tôi muốn khóc. Không khí năm mới đã rộn ràng về trên khắp phố phường. Tôi nghĩ tới ngày mùng Một về quê, năm nào trên mâm cơm sum họp của gia đình cũng có một cái bát, đôi đũa, nhưng chẳng năm nào được dùng đến.

Người đưa thư dừng trước cổng nhà tôi, kẹp vào một tấm bưu thiếp hình cô gái đang chèo thuyền trên dòng sông êm ả bóng dừa xanh. Không có địa chỉ tên người gửi, chỉ có dấu bưu điện của một vùng nào đó tận miền Tây. Có khi nào là của chị Duyên của tôi, hẳn đã tìm được một hạnh phúc của riêng chị ở nơi đó.

Theo Trần Nguyệt Minh