- Em đang cà phê với mấy nhỏ bạn. Chợt nhớ anh. Đang kể về cái thú đốt pháo muỗi. Tụi nó cười nứt rún luôn á. Nó bảo khi nào về phố Phan nhất định dẫn tụi nó đến “Thiên Sứ” chơi. Chỗ ấy nhờ nghèo nên vui. Anh hén?
- Ờ, ừm...
- Em bảo cà phê với nhau chỗ mấy quán bờ sông bên khu Bình Quới, như hồi bọn mình còn sinh viên, tha hồ vợt muỗi mà tụi nó không nghe. Nó bảo mấy chỗ ao tù nước đọng đó hạ cấp lắm, sao xứng dân “pờ - rồ”.
- Cuộc sống trong ấy dạo này thế nào?
- Chán lắm anh ơi. Ở thành phố khi buồn đâu có chợ chồm hổm cho mình vọc hàng, ngả giá. Với lại mấy cô nhân viên siêu thị thì làm gì có vẻ mặt “quê mùa An Nam” cho mình tìm cảm hứng sáng tác. À mà này, báo tin vui luôn. Anh nhớ bà chủ “Thiên Sứ” không? Cái bà có vẻ mặt u buồn của cô thiếu nữ Sơn Tây chiều luân lạc trong thơ Quang Dũng đó. Không ngờ bức sơn dầu em vẽ bà ta đang được giá trên mười chai (*)...
...Tôi biết “Thiên Sứ” đã lâu. “Quán nghèo”, theo cách chị chủ quán tự gọi mà cũng là “tự đánh giá khả năng kinh doanh” rất chân thành. Hình như có lần ai đó thắc mắc và chị phải áy náy giải thích về tên quán. Tôi không còn nhớ. Tôi thích đến đây vì quán nhà tranh, chỉ cách bờ biển trên trăm mét, nghe rõ tiếng sóng. Đặc biệt, rất yên tĩnh vì... luôn vắng khách. Một vẻ quạnh quẽ, đìu hiu khác thường với sự sôi động của khu du lịch cách đó không xa. Không biết ngoài tôi, chị còn có mấy người khách nữa nhưng mỗi lần ghé quán tôi cảm giác lúc ấy chị mới bắt đầu, bất kể sáng hay chiều. Chị thuộc lòng ý thích của tôi. Một ly đen. Một bình trà Bắc. Và Trịnh. Vậy thôi.
***
Nghe tôi kể về “Thiên Sứ”, nàng háo hức. Bao giờ tốt nghiệp, về thăm nhà nhất định nàng đến. “Chắc đẹp và lãng mạn phải biết, há anh?”. Tôi băn khoăn không biết mình mô tả có văn hoa lắm không. Cầu trời cho nàng đừng vỡ mộng. Tôi tưởng tượng cảnh đôi tình nhân đang quấn quýt bên nhau trong một quán gió bên đường. Ngồi nghe tiếng biển và thư thả đếm từng giọt đen rơi. Mái tranh phủ đầy dây muống biển. Nghe Khánh Ly từ cuộn băng cassette có tuổi đời chắc chắn nhiều hơn tuổi tôi...
... Chiều tối. Quán âm u hơn mọi khi. Nhìn kỹ chỉ thấy vài bóng đèn trái ớt bé xíu thắp bằng bình ắcquy. Chị bảo vì chưa kịp thanh toán hóa đơn người ta cắt điện. Thấy nàng, chị nhìn tôi bằng đôi mắt vui, có ý dò hỏi. Tôi gật đầu cười cười. Vì có thêm khách mới nên chị nép bên, đợi.
- Em gọi gì? - tôi hỏi.
- Anh sao em vậy.
Giọng Khánh Ly liêu trai hơn mọi khi và chưa biết buồn trước cuộc chia xa “... Ngày mai em đi... triều sương ướt đẫm cơn mê...”
Nàng có vẻ không cảm được khung cảnh nơi đây. Nếu không kịp nhớ ra mình đang ngồi với một họa sĩ, có lẽ tôi đã cố thuyết phục nàng bằng ý niệm về một “không gian duy mỹ”.
Nàng phàn nàn nhiều thứ. Thiếu điện. Nhạc nhiếc lèo tèo. Dây muống biển um tùm, u ám, thiếu vệ sinh. Và muỗi. Nàng “gạch chân” chuyện muỗi. Nàng xoay trở chỗ ngồi liên tục vì đang dị ứng với nhang muỗi. Chị bước ra xin lỗi khách vì hôm nay không thể dùng quạt máy (cũng lại lý do mất điện). Nàng im lặng nhưng thiếu thông cảm. Tôi áy náy. Tiếc quá, đang lúc Khánh Ly phiêu qua một miền rất Trịnh. Miền khói trời. “Những hàng cây xanh đón em áo lộng/ Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông...”.
Chị chạy đâu đó và mang về chiếc vợt tích điện. Chắc sang mượn hàng xóm vì có lần chị kể cháu nhỏ nhà chị sợ tiếng than nổ lép bép nên chị không dám dùng vợt muỗi. Lúc đầu nàng hờ hững, nhưng khi tôi vợt vài đường và thấy xác muỗi nổ tung tóe như pháo hoa trong khoảng tối nhờ nhờ thì nàng khoái chí. Nàng vợt liên tục, liên tục. Nàng cười vui vẻ. Trước còn giữ ý nho nhỏ, sau thoải mái đến độ ho sặc sụa, văng khỏi ghế. Vừa cười vừa luôn miệng: “Muỗi này. Vui quá. Muỗi này. Vui quá...”. Trò chơi pháo muỗi chỉ dừng lại khi nàng đã thấm mệt. Có tiếng trẻ khóc thét. Chị bận vỗ về con. Chúng tôi ra về và Khánh Ly hát một mình...
***
Sau dạo công tác xa gần bốn tháng trời, một chiều chủ nhật tôi ghé quán. Chị và “Thiên Sứ” đã biến mất một cách gọn ghẽ. Nghe đâu nơi này người chủ mới sẽ cho xây sân tennis. Vậy là cái “không gian duy mỹ” đáng thương của tôi cuối cùng rồi cũng “hội nhập”. Vẻ quạnh quẽ, đìu hiu của quán cùng gương mặt chậm buồn của chị trôi về đâu? Bất giác tôi thấy mình có lỗi. Sao mình không mong ước hay ít ra mua chút lòng tin để cầu nguyện cho công việc làm ăn của chị. May ra chị còn “Thiên Sứ”. Mình còn gặp chị.
Rồi tôi nhớ có lần má tôi bảo những người bị động kinh mà nghe tiếng lửa than nổ lép bép là bệnh tái phát. Chẳng lẽ vì trò chơi đốt pháo muỗi của nàng mà con chị trở bệnh? Rồi bỗng đâu một đoạn kết thật buồn hiện ra:
Đã nhiều năm tháng chị một mình đơn lẻ. Đứa bé trai bị chứng động kinh, con chị là một đứa trẻ bị ai đó “cố tình bỏ quên” bên bờ biển. Nhưng chị thầm cám ơn trời Phật đã cho chị cuộc hạnh ngộ đó. Bé là lý do để nhắc nhở chị rằng trong cuộc đời này còn nhiều buồn vui, mất còn, ly hiệp...
Không. Tôi không muốn, nhưng đoạn kết ấy cứ ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Tôi sẽ kể nó cho nàng. Ngay trong chiều nay. Tôi chuẩn bị khuyên nàng đừng quá hối hận chỉ vì việc đã rồi. Đoảng thật, tôi chưa kịp hỏi địa chỉ chị thì làm sao trả lời nếu nàng cứ nằng nặc đòi tìm thăm hoặc liên lạc để xin lỗi.
Nghe xong câu chuyện, dù mưa đang nặng hạt nhưng ở đầu dây bên kia giọng nàng vang lên rành rọt và ráo hoảnh:
- Tưởng gì, vẫn là chuyện con muỗi...
Theo Bùi Diệp