
Thì đó là quá khứ, quá khứ xa lắc xa lơ khi tôi còn nhỏ. Mẹ nhắc đến điều đó rồi nhìn qua cơn mưa đang rơi ngoài hiên: "Giờ này có bao nhiêu người không nhà, không biết họ có chỗ trú mưa không?". Mẹ tôi đa cảm lắm, cho nên tất cả những vật dụng trong nhà, sau khi thải ra, mẹ đều đem cất, mẹ bảo có lúc nào đó mình sẽ dùng lại được, không thể nào phí phạm. Trong những thứ mẹ để lại đó, tôi hơi lạ lùng vì có một chiếc hộp gỗ nhỏ bằng hộp bánh. Chiếc hộp này cất riêng trong ngăn quần áo của chiếc tủ đứng. Trong khi đó, tôi biết ba vẫn thường tặng mẹ những chiếc hộp xinh xắn và đẹp đẽ hơn nhiều. Nhưng dù có những chiếc hộp khác, mẹ vẫn giữ chiếc hộp gỗ ấy.
Chiếc hộp gỗ ấy là bí mật riêng của đời mẹ.
Ba tôi là người hoạt bát, nhanh nhẹn. Khi hai chị em tôi ra đời cũng là lúc gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, có khi bí, ba đã bán đi chiếc nhẫn cưới để "rút" xích lô chạy. Tôi được kể lại là ngày tôi đầy năm, ba đã trả xích lô, lấy lại tiền đặt cọc để tổ chức lễ thôi nôi cho tôi. Mẹ vẫn nói đùa đó là lễ thôi nôi to nhất thế gian này, vì nó trị giá bằng cả số tiền mà ba mẹ tôi có được.
Ba và mẹ là bạn học từ thời sinh viên. Hai người đều ở ký túc xá. Kỷ niệm mối tình ký túc xá của ba và mẹ chắc rất đẹp, vì mỗi khi hai người nhắc lại chuyện "ngày xưa", ánh mắt cả hai đều ánh lên một tia nhìn trìu mến. Tôi biết ngày đó mẹ chê ba là "anh chàng bốn mắt" vì đôi mắt kính của ba dày cộp như chỉ cần một tia nắng mặt trời xuyên qua thì tức khắc nó sẽ hội tụ lại thành ngọn lửa, còn ba chê mẹ là "con nhỏ gió thổi" vì mẹ gày nhom.
Sau này trở thành vợ chồng, ba mới thổ lộ, thực ra ba đã thầm yêu mẹ từ lâu. Tình yêu câm nín ấy gần như không được mẹ quan tâm. Lý do không quan tâm ấy mãi về sau này ba mới hiểu.
Ba và mẹ không nói ra, nhưng tôi thấy dường như hai người đều tôn trọng góc riêng tư của nhau. Cuộc sống đã thúc đẩy hai người tìm đến với nhau, vượt khó khăn đói nghèo để tạo cho cả gia đình và cho hai chị em tôi một cuộc sống đầy đủ. Ra trường, chẳng bao lâu mẹ bỏ nghề, mở một hiệu sách. Công việc ở hiệu sách choán hết thời gian của mẹ, còn ba, thời sinh viên đã học thêm môn Pháp ngữ, giờ đây ngoài những giờ lên lớp, ba lại cặm cụi dịch sách. Ba biết rõ từng sở thích nhỏ nhặt của mẹ, có thể nói rằng ba đã yêu mẹ bằng tất cả tình yêu của mình.
Có một kỷ vật mà tôi luôn băn khoăn, đó là chiếc hộp gỗ của mẹ. Chiếc
hộp gỗ cứ nằm im trong tủ quần áo như là một vật gia bảo cứ gợi cho
tôi trí tưởng tượng phong phú như đó là một hộp chứa đầy kim cương,
hoặc nó có cái gì vô cùng quý giá? Tôi vẫn suy nghĩ và tìm cách để có
lời giải.
"Ba con là người chồng tốt, người cha tốt". Mẹ thường nói
với chúng tôi điều đó. Bóng ba trùm kín cả ngôi nhà. Khi ba đi công tác
xa, bữa ăn dường như không ngon miệng. Khi ba không có mặt ở nhà,
dường như chúng tôi ít cười đùa hơn. Với mẹ cũng vậy, không có ba, đêm
mẹ thường đi ngủ sớm, những ngọn đèn trong nhà cũng tắt sớm hơn. Và có
lẽ, trong sâu thẳm trái tim của mẹ, ba là người không thể nào thay thế
được. Nhưng dường như trong cuộc đời mẹ còn có một bóng hình khác ngoài
ba. Bóng hình ấy như thế nào tôi không thể hình dung ra được, mà dẫu
có muốn hình dung, tôi cũng cảm thấy không ai bằng cha của tôi. Tôi còn
ngạc nhiên hơn khi không bao giờ ba thắc mắc đến chiếc hộp gỗ riêng tư
của mẹ. Thậm chí, không bao giờ ba lấy chìa khóa mở tủ quần áo. Trí tò
mò đến nỗi một hôm, khi mẹ không có ở nhà, tôi pha cho ba một ly cà
phê. Bưng ly cà phê để trên bàn làm việc của ba rồi làm như vô tình hỏi
ba:
- Ba ơi, chiếc hộp gỗ của mẹ trong tủ áo ba đã xem chưa?
Ba bưng ly cà phê, uống một ngụm, khen ngon. Rồi ba cười với tôi:
- Con thấy gia đình mình sống hạnh phúc không?
- Dạ có.
- Như thế thì con còn gì thắc mắc trong chiếc hộp đó đựng gì, đó là thế giới riêng của mẹ.
Chao ôi, trên mái tóc của ba tôi đã có vài sợi bạc, nghĩa là ba tôi đã già, còn trái tim của ba, tình yêu ba dành cho mẹ và cả chúng tôi không gì sánh bằng. Tôi chợt hiểu ra rằng, ba không muốn chạm vào thế giới riêng của mẹ. Và cũng có thể, đó là vết thương lòng nào đó trước khi ba và mẹ trở thành vợ chồng. Có thể chính sự tôn trọng đó đã khiến cho mẹ càng ngày càng trân trọng hơn tình yêu của ba.
Nhưng một ngày, mẹ đã mở chiếc hộp gỗ bí mật. Đó là một đêm mưa bão.
Hôm đó, ba vắng nhà. Ba hứa sẽ về kịp ăn bữa cơm chiều. Nhưng cơn bão đã bắt đầu đổ bộ, không có chuyến xe nào đưa ba về kịp. Đường dây điện thoại liên lạc ở nhà tôi bị cắt đứt bởi một nhánh cây gãy vướng ngang, bưu điện báo sáng ngày mai họ mới đến sửa chữa được. Mẹ bảo tôi đóng tất cả cửa trong nhà lại. Bữa cơm chiều dọn ra, mẹ nói hai đứa cứ ăn trước, còn mẹ đợi đến khi nào ba về mẹ mới ăn.
Đêm cứ khuya dần, chương trình tivi sắp hết, những ngọn gió và mưa cứ thổi qua và làm mù cả khoảng trời bên ngoài. Chúng tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng xe trước cửa. Ba về. Ba đã thuê một chiếc xe, rồi bất kể nguy hiểm đường xa trở về. Mẹ đã ào ra cơn mưa, ôm chầm lấy ba. Đó là lần đầu tiên tôi thấy mẹ có cử chỉ như thế.
Tôi không hiểu hai người nói gì trong bữa ăn. Rồi mẹ pha một ly sữa nóng cho ba. Hai người ngồi ở phòng khách, cơn mưa đã bắt đầu ngưng hạt. Mẹ mở tủ lấy chiếc hộp gỗ bao nhiêu năm cất giấu, mở ra:
Trong đó có một xấp thư và những chiếc lá vàng. Mẹ nói:
- Đây là kỷ niệm ngày xưa em với Hoan. Đó là mối tình đầu của em. Anh có trách em bấy lâu nay vẫn giữ vật này không?
- Ai lại đi ghen với quá khứ? - Ba đã trả lời mẹ như thế.
- Anh không trách em đã nhận lời làm vợ anh, đã có với nhau hai mặt con mà cứ…
- Tại sao phải trách nhau. Em không thấy anh tìm cách về nhà trong mưa bão thế này sao?
Tôi thấy mẹ thắp lên ngọn nến nhỏ, rồi thì thầm: "Để em đốt những lá thư này, những chiếc lá vàng kỷ niệm này. Em muốn thật sự quên chúng".
Khi mẹ chuẩn bị đốt thư, ba đã thổi tắt ngọn nến, rồi nhẹ nhàng xếp những lá thư vào trong hộp.
- Không ai đốt quá khứ bao giờ. Đó là riêng tư của em, hãy cất nó đi em - Ba nhẹ nhàng. Mắt tôi ngấn lệ, tôi thầm cảm ơn cơn bão đã đi qua thành phố này.