Phát biểu trước Quốc hội Malaysia ngày 25.3 về MH370, Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak khẳng định, chính phủ nước này hoàn toàn không giấu diếm thông tin trong suốt quá trình điều tra và tìm kiếm. Tuy nhiên, việc Malaysia thông báo máy bay bị rơi ở nam Ấn Độ Dương tối 24.3 khi chưa xác nhận được mảnh vỡ nào, đã khiến dư luận và không ít thân nhân hành khách bức xúc.
 


Malaysia thu hẹp, khoanh vùng khu vực tìm kiếm máy bay
.

 
Chưa có bằng chứng độc lập
 
Đối với nhiều người, việc thiếu những bằng chứng vững chắc, có nghĩa là vẫn còn hy vọng máy bay có thể hạ cánh đâu đó an toàn, và đang chờ cứu hộ. Tại Bắc Kinh, thân nhân hành khách giận dữ. "Bằng chứng đâu? Các ông vẫn chưa xác nhận những vật thể nghi của máy bay mà đã thông báo với chúng tôi không còn ai sống sót" - một phụ nữ hét lên sau khi dự cuộc họp báo của Malaysia Airlines.
 
Hàng trăm thân nhân hành khách biểu tình giận dữ trước Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh, yêu cầu có thêm thông tin về số phận máy bay. Nhiều người hét lớn: "Chúng tôi muốn người thân trở về", "MH370, đừng bắt gia đình đợi lâu như vậy", thậm chí gọi giới chức Malaysia là "dối trá". Một độc giả của tờ Telegraph (Anh) bình luận: "Họ chưa tìm thấy gì cả, họ chỉ suy đoán dựa trên dữ liệu mới, nhưng thực sự chưa có bằng chứng nào cả. Nghe như kiểu có sự che giấu nào đó".
 
Từ Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đề nghị Malaysia cung cấp tất cả thông tin và bằng chứng dẫn đến kết luận máy bay rơi ở Ấn Độ Dương. Trước đó, vài giờ sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo máy bay "kết thúc" ở nam Ấn Độ Dương, giới chức Mỹ cho biết nước này không có "bằng chứng độc lập" về việc máy bay rơi.
 
Trên các trang mạng xã hội tràn ngập câu hỏi: MH370 ở đâu? Tuy nhiên, theo ông Chris McLaughlin, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại của công ty vệ tinh Inmarsat (Anh), chắc chắn MH370 đã bay theo hướng phía nam tới Ấn Độ Dương. Ở đó, máy bay hết nhiên liệu sau hành trình kéo dài 8 giờ.
 
Trong cuộc họp báo cuối giờ chiều hôm qua, Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cũng giải thích thêm về mặt kỹ thuật trong thông báo mà Thủ tướng nước này đưa ra tối 24.3 về việc máy bay rơi. Ông cho hay, các chuyên gia của Inmarsat đã sử dụng "hiệu ứng doppler" để xác định dấu vết của máy bay, bằng cách nghiên cứu sự thay đổi tần số giữa máy bay và vệ tinh. Những dữ liệu thu thập được là "dấu hiệu tốt" cho thấy MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương.
 
Phân tích của Inmarsat cung cấp thêm cơ sở để tiếp tục xác định vị trí cuối cùng của máy bay. Cơ quan điều tra Malaysia đã thiết lập nhóm làm việc quốc tế, bao gồm các cơ quan hữu trách và chuyên gia về thông tin, vệ tinh và máy bay để tiếp tục nghiên cứu.
 
Bí ẩn có thể không bao giờ được giải mã
 
Các chuyên gia hàng không cho biết, ngay cả khi tìm được hộp đen của máy bay, điều này cũng không thể giúp "bật mí" sự mất tích bí ẩn của nó. Dữ liệu hộp đen ghi lại chi tiết lộ trình máy bay, thông số kỹ thuật trong suốt chuyến bay. Tuy nhiên, theo hãng tư vấn hàng không Leeham Co có trụ sở tại Mỹ, hộp đen chỉ có thể lưu giữ được 2 giờ cuối cùng những đoạn hội thoại trong buồng lái trước khi máy bay mất tích. Điều đó có nghĩa là, những trao đổi quan trọng vào thời điểm máy bay chuyển hướng ban đầu, diễn ra khi máy bay ở vùng không phận tiếp giáp giữa Malaysia và Việt Nam, không được lưu lại, hoặc mất hoàn toàn.
 
Trong khi đó, dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra, tờ Telegraph của Anh khẳng định, các nhà điều tra đang nghiêng về giả thuyết phi công tự sát. Việc không có tín hiệu gọi khẩn cấp, cách thức kiểm soát bay, chuyển hướng bay sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, khiến các nhà điều tra kết luận rằng, máy bay được lái "một cách có chủ ý", và không xảy ra trường hợp khẩn cấp.
 
Về khả năng xảy ra hỏa hoạn hoặc trục trặc kỹ thuật, nguồn tin nhận xét, điều đó không hợp lý. Trước đó, hôm 15.3, Malaysia tuyên bố máy bay đã đổi hướng một cách có chủ ý, đồng thời tập trung điều tra 4 khả năng: máy bay bị không tặc, hành động phá hoại, vấn đề cá nhân và các vấn đề về tâm lý của hành khách trên máy bay. Tính đến nay, cảnh sát đã thẩm vấn hơn 100 người.
 
Tiếp tục tìm kiếm ở vành đai nam
 
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Malaysia Razak khẳng định, chiến dịch tìm kiếm máy bay sẽ tiếp tục đến khi nào vớt được hộp đen. Ông cho hay, ngay khi các mảnh vỡ được tìm thấy, Malaysia sẽ treo cờ rủ để tang các nạn nhân. Quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cũng nhấn mạnh, Chính phủ chỉ nói rằng máy bay đã bay về hướng hành lang phía nam, chứ không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm mảnh vỡ và hộp đen. Theo dữ liệu mới, Malaysia sẽ thu hẹp khu vực tìm kiếm, hướng vào vành đai nam Ấn Độ Dương.
 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm. Ngày 25.3, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đã cách khu vực tìm kiếm 130 hải lý. Do thời tiết bất lợi, Tuyết Long phải giảm tốc độ, nhưng tiếp tục tìm kiếm quanh khu vực mà máy bay Trung Quốc phát hiện một số vật thể khả nghi một ngày trước đó.
 
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston, không hy vọng có thông tin mới từ đội tìm kiếm trong vòng 24 giờ. Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) quyết định ngừng mọi hoạt động tìm kiếm cả trên không lẫn trên biển trong ngày 25.3 vì thời tiết xấu. Việc tìm kiếm sẽ được tiếp tục trong ngày hôm nay. Bộ trưởng David Johnston khẳng định, Australia đang làm tất cả những gì có thể. Chỉ đến khi tìm thấy mảnh vỡ của máy bay hoặc hộp đen, mới có thể giải mã vì sao máy bay gặp nạn. Trước lúc đó, mọi giả thuyết chỉ là suy đoán.
 
Theo Vân Anh (Lao Động)