Thôi! Thôi! Cho mẹ xin! Mẹ chắp tay mẹ lạy, mẹ chỉ có mình con. Họ nhà nó mấy đời có dớp chết yểu vì lao lực, con chị nó thì trốn chúa lộn chồng. Chị nào em nấy, cùng một khuôn mà ra. Con thương mẹ thì bỏ ý định rước nó về nhà này, cho mụ già này yên lòng nhắm mắt xuôi tay.

Mẹ...Ngần ấy năm mẹ nuôi con khôn lớn thành người, con chưa từng dám cãi lời. Nhưng lần này con đành phải làm trái ý mẹ. Chuyện của chị Lập, một đồn mười, mẹ đi nghe những lời đó làm gì. Mẹ xem, cô ấy đầy đặn, hiền lành. Người ta bảo, có tướng ích phu vượng tử.

Đúng rồi, anh Thang! Tướng tôi sát chồng hại con. Thật uổng công tôi. Thôi, việc anh, anh làm. Anh cứ việc rút về cút cui mà bám váy. Tôi già rồi, chẳng còn sống được mấy nỗi, cũng không dám phiền đến anh chị.

Lập bước về nhà Thang sau những lời lẫy hờn của bà Cúc. Đám cưới tháng Mười Một, trời khô hanh và rét mướt. Lập mặc áo dài, khoác thêm áo dạ mà hai hàm răng vẫn va lập cập vì lạnh. Buổi sáng đầu tiên sau đêm tân hôn, khi Thang vẫn còn ngủ vùi trong hơi ấm của chăn nệm và hương thơm dịu dàng của vợ thì Lập trở dậy. Cô vẫn còn nhớ như in khung cảnh buổi sáng hôm ấy. Sương mù giăng khắp đầu thôn cuối xóm, xung quanh tĩnh lặng như tờ, chỉ có một vài tiếng gà xao xác và tiếng chó sủa vu vơ.

Lập thả gàu xuống giếng đánh tõm, vát cho nước tràn đầy vào lòng gàu. Giếng sâu và hẹp, Lập kéo mãi, kéo mãi, gàu mắc vào những viên đá mục thụt sâu vào trong. Cạy cục mãi, Lập cũng kéo được lên thành giếng. Đôi chân tì xuống nền gạch quá mạnh trượt dài. "Ùm", cả gàu lẫn dây rơi xuống giếng. Lập đớ người, thở dài đánh thượt, khẽ kêu trời. Một bóng người từ hàng rào thấp tè cách đó mươi mét chạy ra.

Chuyện chi rứa?

Ánh trăng mờ soi gương mặt ngây ngô, thật thà của một người mà mới nghe giọng, mực dù thót cả tim. Lập vẫn nhận ra là anh Chồi. Anh Chồi người Nghệ An, chồng cô Lạn, con gái duy nhất của bà Chung, mới về ở rể sát nhà Thang hơn một năm nay. Mấy bận đến nhà Thang, Lập thấy anh Chồi chẻ củi, hai bắp chân bạnh ra như cổ con rắn hổ mang đớp mồi.

Anh rất nể sợ Thang. Thang kể, hễ nhà có việc nhờ đến, anh lại cắm đầu cắm cổ xông xáo làm, chẳng tư lợi gì. Chẳng tư lợi gì tức là không có tư tưởng dây máu ăn phần như số đông những người nhà quê khác. Nhưng thật lạ là bà Cúc chẳng ưa gì anh. Thang khen anh tốt bụng, thật thà, bà dài giọng: "Ôi dào! Chân chỉ hạt bột thì ích gì? Thời buổi người ta đua nhau buôn bán làm giàu, cứ khư khư dăm sào ruộng với mấy con bò như con nhện ôm bọc trứng thì còn lâu mới khá lên được".

Khi chưa là dâu con trong nhà, nghe bà Cúc nói, Lập cũng hơi chạnh lòng vì Lập là cô giáo, hoàn cảnh có hơn gì anh Chồi. Nhưng nghe mãi thành quen, như người a phải thích nghi dần với cái bớt bẩm sinh mọc đâu đó trên cơ thể.

Và giờ phút ấy, anh Chồi xuất hiện ngay cạnh Lập khi gàu rơi xuống giếng. Anh gập cái cổ ngắn trên đôi vai rộng và thô, nhìn xuống lòng giếng sâu hoắm.

Đợi trời sáng tui trèo xuống mò lên cho. Mà cô mò mẫm ra giếng giờ ni làm chi? Khổ!

Lập không biết trả lời ra sao. Chẳng lẽ lại nói cô sợ mẹ chồng xét nét khi ngày đầu làm dâu lại dậy muộn, rằng người già, nhất là những người góa bụa sớm, một mình nuôi con như mẹ chồng cô, thường ghen tỵ với hạnh phúc của con trai và con dâu. Thế nên, Lập chỉ lúng búng trong miệng. Nhưng tiếng dép loẹt quẹt át luôn câu trả lời sắp nói ra của Lập. Bà Cúc xuất hiện, chiếc áo bông màu gụ quá già so với tuổi. Buổi tinh mơ, Lập thấu hình như tóc bà, mắt bà và cả đôi môi luôn mím chặt, cũng màu gụ. Anh Chồi, với tính hay cả thẹn, chỉ biết vuốt vuốt đôi bàn tay dọc đường chỉ quần, lập bập:

Tui buồn tiểu, thấy cô Lập làm rớt cái gàu xuống giếng, hết hồn, nhảy rào sang coi có chuyện chi?

Không biết bà Cúc có hiểu anh Chồi nói gì không, chẳng nói chẳng rằng, bà loẹt quẹt đôi dép nhựa chết trở vào nhà. Sau chuyện đó, bà không ngấm ngầm hạnh họe dâu con như một số bà già khó tính mà Lập thường nghe mấy cô bạn đã có chồng kể.

Lập vốn tỉnh ngủ. Hàng đêm, khi đột nhiên thức dậy, cô thường nghe tiếng trở mình theo kịp kẽo kẹt của giường ngoài. Lập biết mẹ chồng khó ngủ. Cô bàn với chồng mua cho bà một tấm nệm trải giường dày. Được hôm trước, hôm sau Lập đã thấy nó được xếp ngay ngắn ở góc nhà. Bà Cúc húng hắng:

Tôi già rồi, nằm nệm chỉ tổ đau lưng. Anh chị mua làm gì, tốn kém thêm ra.

Thế là tấm nệm được gác im lìm ở một góc sập gụ.

Biết mẹ chồng thích ăn bánh đa nướng giòn, nghe chị em trong trường bảo ở chợ Vẽ có hàng bánh đa ngon, đi dạy về Lập ghé mua. Nhà vắng tanh, Lập cẩn thận để túi đựng hai cái bánh đa lên bàn nước rồi ra ao hái rau muống. Ngồi bên bờ ao, cẩn thận rửa mớ rau vừa hái xong, Lập giật mình nghe tiếng cá quẫy mạnh. Trôi về phía Lập là những mảnh vụn bánh đa, hạt vừng đen nổi dày trên mặt nước. Bà Cúc đang bẻ giòn chiếc bánh đa ngon lành thả xuống mặt nước. Mấy con cá háu ăn quấy lên đớp mồi làm loang rộng những vòng nước lớn.

Hôm đó, Thang không ăn cơm nhà vì bận theo một công trình xa, chỉ có Lập và bà Cúc. Miếng cơm mắc nghẹn ở cổ Lập. Bà Cúc vẫn chậm rãi ăn như không có chuyện gì.

Những ấm ức trong lòng, Lập không biết kể cùng ai. Thang đi làm suốt ngày. Vả lại, Lập biết bà Cúc chỉ có mình Thang. Cô không muốn gây mối hiềm khích với mẹ chồng, người mà chồng cô hết mực yêu kính. Chiều hôm đó, khi sang nhà Lạn hỏi xin ít hạt cải làm giống, Lập bất giác thở dài. Cô Lạn đáo để gặng hỏi. Lập kể lại chuyện mẹ chồng vứt bánh đa xuống ao cho cá rỉa, giọng buồn rười rượi.

Một hôm, Lập đang nghỉ trưa trong buồng, nghe tiếng bà Chung chu tréo bên kia bờ rào:

Giời đất ơi! Làng xóm ba bên bốn bề ra mà xem, gà qué nhà con già vô phúc nhảy rào sang phá nát hết luống cải nhà bà. Bà mà nhìn thấy, bà ném cho cánh gãy chân què, đi đời độc đinh nhà mày.

Lập biết bà Chung ngoa ngoắt đang ám chỉ ai. Số là bố chồng Lập có tật ở chân nên hơi khập khiễng. Thang lại là con trai duy nhất suốt mười năm chung sống của bố mẹ. Lập chưa kịp định thần đã nghe tiếng dép loẹt quẹt từ sau hè. Mẹ chồng cô không có thói quen ngủ trưa. Hồi Lập mới về, bà thường à ơi: "Giàu đâu những kẻ ngủ trưa...". Bà quát qua hàng rào:

Trồng rau thì lo mà rào lấp. Già rồi còn độc mồm độc miệng. Biết điều mà để phúc cho con cho cháu.

Lại còn già mồm nữa. Nhà bà thân cô thế cô nhưng đừng hòng bắt nạt nhá. Vừa ăn cướp vừa la làng, coi chừng bà đánh cho vỡ miệng.

Bà Chung nhảy bổ ra như muốn quạt thẳng sang hàng rào thấp. Lập nghe hai bà đối đáp, hãi quá, định chạy ra can thì nghe tiếng cô Lạn đôm đốp:

Dào ơi! Bác Cúc ăn ở biết điều thì đã không hẹp hòi đến mức ném cả bánh đa con dâu mua xuống ao cho cá ăn.

Lập khựng lại bên cánh cửa. Cô nhìn thấy mẹ chồng lặng hẳn đi. Bà lặng lẽ quay lưng bước lên thềm, đôi vai như trĩu xuống. Tối hôm đó, bà Cúc nấu một nồi nước to, cắt tiết, làm lông một con gà cộc đang trổ giò với ba con gà mái đang nằm ổ. Trời lạnh, nồi thịt đông lại, cả nhà ăn liền mấy hôm và mang sang biếu cụ Hồng ở một mình cuối xóm mới hết. Liền sau đó bà Cúc nằng nặc đòi Thang mua cát, đá về dựng lên bức đầy mảnh chai vỡ ngăn cách với nhà bà Chung.

Đã mấy ngày, trông Thang như người mất hồn. Anh thường về muộn, người nồng nặc mùi rượu. Hôm đó đã khuya lắm, Thang vẫn chưa về, Lập sốt ruột ra ngõ ngóng, đạp ngay phải một người nằm lê lết bên cổng. Soi đèn thấy Thang say mềm đến độ không biết gì nữa.

Sáng thức dậy, bà Cúc gặng hỏi, Thang mới thú nhận gần hai tháng nay, anh không có công trình nào, dù nhỏ. Một công trình anh thi công có dấu hiệu xuống cấp. Chồng Lập đang đứng trước nguy cơ hầu tòa. Bảy ngày trước Tết, Thang nhận giấy triệu tập. May mắn là anh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải bồi thường cho bên thiệt hại mấy chục triệu. Bà Cúc suy sụp, càng ít nói hẳn. Lập trải qua cái Tết làm dâu đầu tiên thật buồn. Dù vậy, cô cố gắng lo thật chu đáo, nhằm vực lại tinh thần cho mẹ chồng Thang.

Sau Tết, công việc làm ăn của Thang cũng không khá hơn. Qua rằm tháng Giêng, anh quyết định vào Tây Nguyên phụ người anh họ quản lý mấy héc-ta cà-phê. Bà Cúc và Lập can ngăn nhưng vô ích. Thang đi xa rồi, thái độ của bà Cúc với Lập không thay đổi, vẫn xa vời, lạnh lùng. Hết việc nhà, bà lại loanh quanh trò chuyện với mấy bà bạn thân trong xóm, chẳng mấy khi mẹ con ngồi lại với nhau thủ thỉ, tâm tình. Chỉ ban đêm, khi Lập soạn bài hay đọc sách muộn, bà mới trở mình lên tiếng nhắc cô tắt đèn vì ánh sáng chói quá, không ngủ được.

Một đêm tháng Ba mưa rầm rĩ, lúc đó đã khuya lắm, bên nhà bà Chung, qua mái tường cao chót vót vẫn nghe những tiếng náo động, rậm rịch, rồi tiếng kêu trời ầm vĩ. Một lúc sau, anh Chồi lục cục xách đèn sang, lập cập nhờ bà Cúc giúp. Cô Lạn đang chuyển dạ, trời mưa to quá, mà bà Cúc từng là bà đỡ nổi tiếng mát tay trong vùng một thời.Giục Lập lấy ô che mưa, hai mẹ con vội vã sang nhà bà Chung theo lối cổng.

Cô Lạn nằm cong lưng trên giường, trời tháng Ba mà toát mồ hôi ướt đầm, gương mặt chai chai ngày thường giờ la hét theo từng nhịp đau quặn. Bà Chung luống cuống bên con gái đang đau đẻ. Bà Cúc bình tĩnh cắt đặt mọi người chuẩn bị các dụng cụ rồi xắn tay áo lên, hướng dẫn cô Lạn thở đều. Nửa giờ sau, đứa bé cũng chịu ra. Tắm rửa cho nó xong, bà nhắc mọi người trong nhà những việc cần thiết rồi nhẹ nhàng nói với Lập: "Mẹ con ta về!". Lần đầu tiên Lập nghe thấy những lời thiện chí và ấm áp của mẹ chồng. Cô thấy trong lòng vui vui như đứa trẻ được quà.

Bà Chung tiễn mẹ con Lập ra cửa, lí nhí cảm ơn bà Cúc. Chẳng nói chẳng rằng, bà đi một hơi về nhà khiến Lập ríu chân mới theo kịp. Ngày hôm sau đã thấy bà Chung lấp ló bên cổng với một túi gạo nếp và hoa quả nặng trên tay.

Từ hôm đó, mấy tháng ròng, Lập để ý thấy mẹ chồng thường ngồi trầm tư, nghĩ ngợi một mình. Mỗi khi tiếng trẻ con khóc vọng từ bên kia bờ tường, bà giật mình ngóng sang rồi ngậm ngùi, đôi mắt già nua buồn bã. Một buổi, Lập đi dạy về, bắt gặp cảnh tượng ấy, cô muốn chạy đến ôm lấy mẹ chồng nhưng e ngại. Cô biết bà mong có cháu bế đã lâu. Lập phá vỡ không khí im lặng bằng cách thông báo mình vừa đoạt giải một cuộc thi viết truyện về ngành giáo dục, tuần sau sẽ vào Sài Gòn nhận giải. Bà Cúc chẳng mấy mặn mà, uể oải đứng dậy vào nhà tìm cơi trầu.

Sắp bước sang năm học mới, cũng là mùa gặt hái, Lập tranh thủ mấy ngày nghỉ cuối, hăng hái giúp nhà bác họ Thang gặt lúa. Gặt xong thửa ruộng, mấy chị em ríu rít ra về. Đến con mương nhỏ, Lập nhảy sang, chân cô trượt khỏi bờ cỏ, bụng đau nhói. Nghe bác sĩ kết luận Lập bị động thai, chỉ được hoạt động nhẹ nhàng để chóng hồi phục, bà Cúc ớ người ra. Về đến nhà, bà ngồi dưới chân giường Lập, chỉ im lặng mà câu hỏi nghi ngờ, chì chiết vẫn như muốn bật ra.

Mẹ tha lỗi, con mới nói được.

Cô muốn nói gì nữa đây? - bà Cúc lạnh lùng.

Mẹ còn nhớ hơn hai tháng trước, con vào Sài Gòn nhận giải thưởng không? Hôm đó, con đã nói dối mẹ. Con không ở lại Sài Gòn chơi với bạn cũ. Mấy ngày đó, con vào Tây Nguyên tìm anh Thang. Con...

Vừa lúc đó, chuông điện thoại reo, tiếng anh Thang hoảng hốt qua đường dây. ANh vừa được cô em họ thông báo tình trạng của Lập. Nghe đến đâu, nét mặt bà Cúc giãn ra đến đấy. Từ hôm đó, bà chăm chút Lập nhiều hơn, nhưng vẫn còn chút e dè. Mấy tháng ròng, Lập bị nghén, hầu như không ăn được nhiều, cứ ăn vào lại bị nôn ra. Bà Cúc lo lắng đến rạc cả người, cứ chạy sang hỏi bà Chung cách chăm gái chửa. Bây giờ, lớp mảnh chai nhọn hoắt đã được rút ra hết. Hai bà còn bàn với nhau trổ cửa thông giữa hai nhà cho tiện đi lại.

Thang biên thư bảo việc làm ăn thuận lơi, anh đã tích cóp được một số tiền, năm nay nhất định sẽ về quê ăn Tết. Đợi Lập mẹ tròn con vuông, anh sẽ đón mẹ và vợ vào đoàn tụ.

Đêm đã khuya lắm. Bà Cúc nằm giường ngoài vẫn nghe tiếng khóc ri rỉ có nén của con dâu. Người ta bảo phụ nữ có mang mà không có chồng ở bên dễ tủi thân lắm, huống hồ Lập lại là một cô gái yếu đuôi. Bà thấy thương con dâu, thương con trai. Đành rằng bà từng phản đối việc cưới hỏi của hai đứa, nhưng con vẫn là con. Lập lại đang mang đứa cháu ruột thịt của bà. Bà Cúc nghĩ ngợi mãi, không tài nào chợp mắt được. Có tiếng bước chân nhẹ nhàng, rồi bàn tay Lập vén cánh màn phòng bà Cúc.

Mẹ, trời rét quá, con sợ.

Cô nói rồi dém chăn, dắt màn, nằm sát bên bà Cúc. Cô rúc đầy vào lòng mẹ chồng, mong tìm hơi ấm của tình thân. Lập như muốn khóc òa vì sung sướng khi bà Cúc vòng tay qua lưng cô âu yếm, vỗ về. Cuối cùng, họ đã sưởi ẩm cho nhau bằng tình thân qua bao biến động, vui buồn. Qua mùa đông rét mướt này, Thang sẽ trở về. Ba mẹ con sẽ đoàn tụ, đón một mùa xuân ấm áp dưới mái nhà nhỏ. Sang xuân, Lập sẽ sinh cho mẹ chồng một đứa cháu bụ bẫm, đáng yêu như ao ước của bà. Trong tiếng gió rượt trên mái nhà, Lập nghe rõ nhịp bay bay của những hạt mưa phùn đầu tiên, nghe tiếng cựa mình bung cánh cửa của những nụ bông cỏ lào, báo hiệu mùa mới đến, nồng ấm, ngọt ngào.

Theo Mộc Anh