Vừa đặt chân vào hội trường lễ cưới, chú rể không khỏi kinh ngạc và choáng váng khi nhìn thấy 600 vị khách không mời đang ngồi chờ... ăn cỗ.
Vừa đặt chân vào hội trường của tiệc cưới, chú rể Shafiqullah (31 tuổi làm nghề kinh doanh xe hơi đến từ thủ đô Kabul, Afghanistan) đã không khỏi kinh ngạc khi có tới 600 vị khách lạ hoắc đang đón chờ mình. Thế nhưng, anh biết mình vẫn phải đón tiếp họ bởi nếu không đó sẽ là "1 sự sỉ nhục" và niềm vui trong ngày trọng đại của anh sẽ hoàn toàn tan biến.
Bởi vậy, anh Shafiqullah đã yêu cầu lễ tân nhà hàng tăng gấp đôi phần cỗ mà mình đã đặt trước đó để phục vụ toàn bộ khách khứa trong lễ cưới của mình. Sau khi lễ cưới kết thúc, anh đã phải chi trả khoản tiền khổng lồ lên tới 30.000USD (gần 650 triệu đồng) - một số tiền lớn mà không phải ai cũng có tại quốc gia kém phát triển này.
Câu chuyện trong đám cưới của chú rể Shafiqullah không phải là "độc nhất vô nhị" tại Afghanistan, nơi đám cưới được xem là sự kiện để thể hiện lòng hiếu khách và sự tận tâm với gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, việc tổ chức đám cưới ở quốc gia này thường khiến những chàng trai Afghanistan rơi vào tình trạng kiệt quệ, nghèo khó bởi họ phải vay mượn để lấy vợ và mất nhiều năm sau đó chỉ để trả nợ.
Trong số 1.300 khách có mặt trong đám cưới của anh Shafiqullah có tới hơn nửa là người lạ mà anh chưa từng gặp mặt 1 lần. "
Mặc dù chú rể luôn "méo mặt" mỗi khi đám cưới được tổ chức xong xuôi thế nhưng nhiều người dân ở thủ đô Kabul không giấu được niềm vui sướng cho biết "Cứ mỗi tối có một đám cưới là chúng tôi sẽ không phải lo đói".
Trong nhiều trường hợp, do chi phí tổ chức đám cưới quá lớn nên nhiều đám cưới đã bị trì hoãn suốt nhiều năm.
Mới đây, Quốc hội Afghanistan đã thông qua dự luật giới hạn khách mời đám cưới ở mức dưới 400, 500 người. Dự luật nhận được rất nhiều sự ủng hộ của thanh niên Kabul, tuy nhiên, nó vẫn đang chờ được phê duyệt chính thức.