Chị Lan bảo:

- Số chị thế mà hẩm. Cả Hà Nội chỉ có phố ấy là nhiều bằng lăng nhất. Cậu tính, suốt cả bốn mùa, hết dọn hoa, lại dọn lá. Mùa đông nó rụng cả cành. Mà thứ hoa lạ lùng, rõ là to, bằng cái ấm tích không ít. Chậm dọn là thối hoăng hoắc.

Chị Lan ở đội vệ sinh môi trường. Chị được khoán quét dọn một khu phố. Phố mới, trồng toàn bằng lăng. Nghề của chị làm về đêm. Chị to béo, đẫy đà. Chồng đi tù vì đánh bạc. Có hôm, chị đưa tôi bao thuốc dở:

- Chúng nó quấn nhau ở gốc cây chỗ nhà tầng, rơi ra cái của nợ này. Mang về cho cậu. Bỏ thì phí. Nhặt thì tội.

Bao thuốc lá vỏ mềm còn gần nguyên. Tôi thở dài. Đành phải im trước sự thơm thảo của chị hàng xóm. Chỗ gốc cây ấy, cũng có lần tôi đánh rơi nguyên cả bao thuốc.

2. Cô gái này tôi mới quen. Đời rõ nhiều cái không ngờ. Tôi gặp cô ở phòng vật lý trị liệu. Đúng, phải gọi là mát-xa. Đừng hiểu lầm, không phải chỗ nào cũng bậy bạ. Tôi đến đấy vì buồn. Cô đấm thòm thọp, nhảy cả lên lưng đạp đau đến từng đốt sống, chả theo bài bản nào cả. Không may, tay quờ phải đùi trần, cô gạt phắt. Chạm lần nữa, cô để yên. Chắc phải chấp nhận để chiều khách. Cô mặc đồng phục soóc trắng. Lúc hết giờ, trả tiền “boa”, cô cười hiền lành:

- Em cũng mới làm. Tạm ít hôm, kiếm vốn rồi tếch – Cô nháy mắt; – Thỉnh thoảng đến với em. Nhớ nhé, phòng số 9.

Ở đấy người ta nhớ bằng số. Đánh theo thứ tự, hay thật. Hôm gặp lại, tôi rụng rời chân tay. Gặp ở nhà nàng. Hóa ra hai người làm cùng một công ty. Mãi sau tôi mới biết, ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên về lột da trâu bò nhặt cô từ phòng mát-xa, tha về để làm phục vụ riêng cho vị hôn thê. Cô cười tít mắt:

- À, anh.

Nàng bảo:

- Hai người biết nhau à?

Không đợi trả lời, nàng hạ một câu xanh rờn: “Đẹp đôi đấy!”. Lúc ấy, tôi và nàng đã dứt tình với nhau. Tôi đến để giải quyết nốt vài việc. Điên máu, tôi phán: “Cũng thế cả”. Tôi quay sang cô gái: “Tôi sẽ cưới, nếu cô đồng ý.”. Lại cười. Tôi vẫn chưa biết tên cô gái đành gọi theo số hôm nọ.

Số Chín đến theo chỉ dẫn của nàng. Nàng mời tôi dự đám cưới. Đau thế, tờ thiếp màu hồng. Thật thiếu bình đẳng khi thiếp cưới thảy đều một màu. Xong nhiệm vụ, số Chín ngồi im, có vẻ run, không biết nói gì, tôi dắng:

- Hôm nọ…

Chỉ thế đủ làm số Chín bình tĩnh lại được.

- Em hiểu rồi. Bà Ngân đã kể hết mọi chuyện. Ấy là tức, anh nói thế.

Tôi vồ lấy số Chín. Thất tình ai chả điên. Nhất lại là thứ điên ăn người. Không ngờ số Chín khỏe thế, chống cự mãnh liệt. Mãi cũng chịu để tôi hôn. Chỉ thế thôi, cô vằng ra. Thấy số Chín chảy nước mắt, tôi buông, hỏi:

- Tên gì nhỉ?

Số Chín nấc lên:

- Lăng.

Rồi bỏ đi. Từ bấy giờ tôi gọi số Chín đúng bằng tên thật.

3. Chị Lan bảo:

- Cậu Trọng viết hộ chị cái đơn xin nghỉ phép thăm nuôi. Tuần sau nghỉ phép, tôi lên với anh ấy.

Tuần sau chị sẽ đùm tình yêu của mình vào cái nải bằng cá, bằng mắm, trăm thứ bà rằn, cả bánh mì tẩm đường sấy. Chị lại bảo:

- Việc vãn rồi. Phải đợi bằng lăng trút hết lá mới dám đi. Người khác quét thay khỏi kêu. Chắc anh ấy mong lắm!

Chị đờ mắt nhìn chấn song cửa sổ. Phía sau chấn song rất thoáng. Chị nghĩ đến chồng. Hẳn thế.

Mùa cây trút lá là mùa cưới. Nàng sắp cưới. Tờ thiếp vẫn nằm kia, trên bàn. “Nhất định Trọng sẽ đến nhé”. Nàng nhắn thế. Đến hay không thì có quan trọng gì. Cái thân tôi bây giờ lê đến đâu mà chả được. Chỉ còn xác. Hồn đậu ở đâu đó phất phơ. Ờ phải, ở vòm bằng lăng đêm, âm u. Hoa bắt đèn tím thẫm. Người nàng cũng tím thẫm. Tôi ép nàng sát gốc cây xù xì. Vòng tay ghì cả người lẫn cây mê đắm. Nàng chỉ bừng tỉnh khi một đài hoa hết thì rụng bộp vào đầu. Nàng càu nhàu:

- Khỉ gió!

Nàng gỡ tóc, vứt mạnh những cánh hoa đã nát nẫu. Tôi lén nhặt về ép vào sổ. Khô rồi nó vẫn tím. Hiếm có loại hoa nào bền màu đến thế.

Nàng yêu tôi lắm. Tôi cũng vậy. Nàng thường hỏi: “Ai yêu nhiều hơn”. Tôi nói: “Bằng nhau”. Nhưng bụng nghĩ mình yêu nhiều hơn, vì nhà nàng có cây bằng lăng. Yêu nàng, tôi yêu luôn cả cây. Cả gốc lẫn ngọn. Nhất là hoa, mẩy thế lại rờ rỡ tím, không yêu sao đành. Chắc tôi đúng. Bởi vì tôi không có cái gì cộng thêm vào để nàng yêu. Tội nghiệp cho nàng. Cũng tội nghiệp cho tôi, gặp phải nàng. Cho mày chết, ai bảo chơi trèo. Mẹ tôi vẫn khuyên: “Thằng Trọng! Gì cũng được, con ạ! Nhưng phải biết phận mình”. Tôi biết phận, nhưng quả tim thì không. Nó không chịu nằm im trong ngực hẹp. Không biết nó giúp tôi hay phận tôi giết nó.

Chị Lan bảo: “Cậu Trọng! Cậu khôi ngô, nhưng ngớ lắm”. Học điện xong, được nhận vào làm thì cơ quan lấy đi nghĩa vụ. Nghĩa vụ xong đã ngớ càng ngớ. Người ta bảo: “Vua hàn, quan điện”. Quan chưa được thấy đã bị điều làm việc vặt. Sau lên rừng mới ổn. Tạm bằng lòng với công trình ở xa tít mù tắp. Tự nhủ, mình chả mắc nợ ai. Hơn thế, đấy là biết phận. Tôi một thân, một mình. Họ còn thân thích, bạn bè, con cháu. Chỗ tốt sắp xếp cho đều cũng chả dễ. Tôi đi biền biệt, ít về. Lúc còn yêu, có lần nàng mắng: “Người đâu mà ngu”. Đành cười. Ngu ráng chịu. Phận mà.

Ấy thế mà mất nàng. Đơn giản lắm, kể làm gì. Bây giờ chuyện tình kiểu này nhiều ti tỉ. Nàng khóc, đấm thùm thụp. Đấm cả tôi và nàng: “Mất hết rồi, Trọng ơi!”. Tôi ngồi ngay cán tàn. Kệ nàng, không dám can. Lúc nín, nàng bảo: “May, trinh trắng anh đã hưởng. Nếu không hận cả đời.”. Ra thế. Mắt tôi vằn lên: “Đứa nào?”. “Xếp em”. Trời, tôi gầm vỡ cả họng: “Phải giết nó!”. Nàng van: “Thôi, muộn rồi. Tại số kiếp. Xin anh”.

Một tháng sau thì nàng mời tôi dự cưới.

4. Y hẹn, đúng hôm cưới. Lăng đến đón tôi. Lởm khởm mà Lăng đã tậu được xe máy. Cũ thôi, nhưng nằm mơ tôi cũng chẳng dám ước. Tôi ôm bọc đồ mừng ngồi sau. Định thả vào phong bì trang sổ đính bông bằng lăng khô. Sau, thấy lẩn thẩn lại thôi. Của mình, mình giữ. Thế là phải. Loạng quạng, đến bị chậm. Chú rể đang dìu cô dâu về phía đoàn xe cưới. Dài lắm, đến hai chục chiếc bóng nhoáng. Nàng, quần áo trắng, ôm hoa trắng. Hoa trắng. Nếu có quyền, tôi sẽ chỉ cho một nửa số đám cưới được dùng hoa trắng. Mắt nàng ngấn lệ. Nàng không nhìn thấy tôi. Cũng tốt. Nếu nhìn thấy, chắc nàng buồn. Càng buồn, khi điều đó làm tôi vui.

Ào cái, nhà đám đã hoang hiu. Rạp dỡ. Đèn tắt bớt. Người tản về. Trơ khấc còn mỗi tôi và Lăng. Tôi đẩy Lăng nép vào thân cây bằng lăng. Tôi lại liều lĩnh hôn. Tôi ôm cả người lẫn cây. Lăng để im. Cả hai không nói gì. Mãi sau, Lăng bảo:

- Anh Trọng?

- Gì?

- Anh bao nhiêu tuổi?

Để làm gì. Lăng ơi! Tôi ba mươi tuổi rồi. Chưa già, nhưng không còn trẻ. Những chiếc lá của cây đời xanh tươi, tôi đã bứt, ném đi hoang phí. Chẳng biết có nên tiếc? Tiếng Lăng thoang thoảng:

- Ta về đi?

- Thì về.

Tôi nghe thấy Lăng thở dài.

Giọng Lăng run run:

- Thôi, em nói luôn. Mình sẽ không gặp nhau nữa. Kìa, đừng cắt ngang. Em biết anh sẽ cưới em thật. Nhưng không sống được đâu. Không thể sống nổi bằng quá khứ. Đau lắm, thà đừng biết…

Tôi ngước mắt. Những thân cành không lá đâm tua tủa, tõe ra như sét vỡ. Mùa đông mà trời quang đãng. Có cả sao. Đông qua, rồi xuân đến. Cành khô lộc lại nảy. Mùa hè, bằng lăng sẽ trổ hoa. Không có tôi, nàng, Lăng nữa, gốc cây này vẫn xù xì. Người khác lại đến thế chỗ. Vẫn thế. Tôi lập cập dúi vào tay Lăng bọc đồ mừng đám cưới van vỉ:

- Mừng em vậy. Cầm đi Lăng. Thôi, chào nhé!

5. Bảnh mắt, chị Lan đã gọi:

- Cậu Trọng. Không dậy đi à? Đâu, cậu hộ chị cái đơn đâu?

Mắt cay xè, tôi đưa chị tờ giấy đặc chữ trên bàn. Chị đọc, chợt hốt hoảng:

- Cái gì đây? Ô kìa, đơn gì mà tím tiếc bằng lăng thế này.

Tôi giật lại tờ giấy. Đêm qua không ngủ được, cây bằng lăng ám ảnh tôi. Tôi thức trắng làm thơ về chuyện tình của mình. Chuyện hoa tím bằng lăng. Giọng chị Lan vẫn sè sè:

- Mà cậu mết quái gì cái giống cây vô tích sự ấy. Chị ngán nó đến tận cổ. Cậu Trọng biết không? Hôm qua phố bằng lăng của chị có đám cưới rõ to.

Tôi muốn cười mà không cười được. Tôi đưa chị Lan tờ đơn. Chị hớn hở đi ngay. Chị đi với tình yêu của chị. Tôi lẩm nhẩm đọc lại bài thơ. Được đấy chứ. Bây giờ đang là mùa đông. Thơ ca chắc cũng phải theo mùa. Sang năm, khi bằng lăng nở hoa, tôi sẽ gửi bài thơ đi. Biết đâu nó lại được đăng thì sao. Sẽ có người nào đó đọc nó. Ai cũng được. Nhưng hãy khoan, từ giờ đến mùa hè sang năm còn dài. Thời gian là thứ duy nhất trên cuộc đời này không biến đảo. Tự nhiên tôi nghĩ đếm đám nan cứng của chiếc chổi tre chị Lan khua mỗi tối. Chị khua cả vào thân bằng lăng xù xì.

Chắc là chị vô tình.

Theo Phạm Ngọc Tiến