Chiều chiều, cứ tầm mặt trời vừa lặn, cơm nước dọn dẹp xong, bà lại đẩy cụ ra đầu ngõ. Cả hai ngồi nép dưới tấm bạt của ngôi nhà đầu xóm. Khuya lắc khuya lơ, họ mới trở vô nhà. Ngôi nhà nhỏ nằm sâu tuốt trong một ngõ cụt hình chữ V, hai đầu chữ V cách nhau chừng mét rưỡi, còn cái đuôi chấm dứt bằng ngôi nhà lụp xụp của họ.

Con hẻm hẹp như thế, nhỡ có cháy nhà, chắc người ta phải chịu chết vì chẳng có chỗ để xe cứu hỏa chui vào.

Thời gian đầu, khi họ mới dọn về dọn về, hàng xóm lấy làm lạ vì hai mẹ con bất kể nắng mưa, cứ chiều đến là xuất hiện nơi đầu ngõ. Lâu dần, người ta cũng quen cảnh ấy. Họ nghiễm nhiên trở thành biểu tượng của cái xóm nhỏ này.

Nếu ai đó đi trên con đường Tôn Thất Thuyết, đoạn gần ngã ba Nguyễn Khoái, hỏi thăm con hẻm xóm Chùa ở đâu, các tay xe ôm ngồi túm tụm ở bất cứ góc phố nào cũng nhiệt tình với lời hướng dẫn nghe là lạ: "Đi thẳng đầu hẻm có cái cột đèn to tướng, thêm hai bà cụ, người trên xe lăn, người dưới đất, đúng là hẻm xóm Chùa".

Nếu có ai cắc cớ vặc lại: "Chẳng lẽ lúc nào hai cụ cũng ngồi chỗ ấy?", thế nào cũng nhận được câu trả lời nửa Tây nửa ta, chắc như đinh đóng cột của các bác tài: "Xua (sure) mà".

Tất nhiên là lời chỉ dẫn ấy chỉ áp dụng vào giấc chiều tối, trời nhá nhem, không thể đọc được số nhà dưới ngọn đèn vàng vọt duy nhất trên con đường này.

Mai trọ trên gác xép của căn nhà ở đầu con hẻm ấy. Bên dưới hàng hiên, chủ nhà giăng tấm bạt xanh lấn chiếm hết không gian con hẻm để bán cà-phê buổi sáng. Tấm bạt hứng hết nắng, rồi hất ngược cái nóng kinh người lên cho căn gác lãnh trọn.

Mỗi chiều, ngồi học trong cái "lò nung" ấy, chỉ cách họ một tấm bạt mỏng, nên dù không muốn, Mai cũng nghe lỏm được những câu chuyện không đầu không đuôi của hai mẹ con. Cô biết họ đang chờ mong người thân trở về, một người mà cụ Hai kêu là "thằng Bảo", còn bà Vân trìu mến gọi là "anh Bảo".

Bà cụ có mái tóc bạc phơ, cái miệng móm mém nhai trầu đỏ tươi, giọng nói hiền từ mang âm hưởng người miền ngoài, giống ngoại cô lạ lùng. Mỗi lần nhìn thấy cụ, Mai nhớ ngoại, nhớ quê da diết. Cô thường sang chơi với cụ những lúc rảnh và cũng sẵn lòng trông giúp khi bà Vân nhờ cậy. Cô gọi cụ là ngoại, còn cụ gọi cô khi là Mai, khi là Ngọc.

Bà Vân từng bảo, Ngọc là con gái của bà, cháu nội cụ. Lúc ấy Mai tròn xoe mắt: "Cháu nội? Vậy bác là dâu của ngoại à?". "Ừ!", bà Vân gật gù. Mai vẫn còn chưa hết ngạc nhiên: "Vậy mà lâu nay, cháu cứ tưởng hai người là mẹ con ruột. Cô chủ nhà trọ cũng nói thế". Bà Vân thở dài, đăm chiêu, dường như không muốn nói tiếp.

Cô chủ nhà trọ nghe Mai thuật lại câu chuyện, tỏ vẻ không tin, nhưng sau vài ngày lại hồ hởi bảo: "Mai, hai người đó đúng là mẹ chồng nàng dâu. Vậy mà mấy năm nay, từ ngày họ dọn về xóm này, ai cũng nghĩ họ là mẹ con ruột. Lạ thật, không con trai, không cháu, chỉ có hai bà già với nhau... Lạ thật".

Cô chủ nhà trọ sau một hồi nghiền ngẫm hai chữ "lạ thật", vẫy Mai lại gần, thì thào: "Cô thấy con thân với họ, dò la thử xem".

Ừ lạ thật, mẹ chồng nàng dâu mà chăm sóc nhau hơn cả ruột thịt. Chẳng khi nào hàng xóm thấy họ cãi cọ với nhau hay nghe được lời than vãn, kêu ca của bà Vân.

Bà một tiếng má, hai tiếng má, dịu dàng săn sóc bà cụ một cách kiên nhẫn. Cứ nhìn cảnh bà ngồi xổm nơi đầu ngõ, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn đường, đôi tay xoa bóp cho cụ, miệng kể nhảy cóc những câu chuyện vui, ai cũng nhận thấy được lòng yêu thương của bà Vân dành cho mẹ chồng.

Trong chiếc túi vải nâu cũ kỹ bà Vân luôn mang theo bên mình, lúc nào cũng có trầu cau têm sẵn, chai nước kèm chiếc ống hút, chút bánh trái... Đấy là phòng khi cụ Hai cần dùng đến.

Câu chuyện của họ thường bị gián đoạn vì nhiều lý do, một người dừng bước, nghiêng ngó tìm số nhà hay tiếng xe máy đỗ xích lại thả khách xuống... Bất cứ tiếng động nào cũng làm đôi mắt cụ Hai ngời lên niềm hy vọng. Thế rồi khi người khách kia dời bước, chiếc xe nọ rồ máy vụt đi, tia hy vọng vừa chớm đã vụt tắt ngấm trong đôi mắt già nua mỏi mệt ấy.

Mỗi lần như vậy, gần như Mai có thể cảm nhận được hơi thở dài ráng nén lại của bà Vân. Thế nhưng, bà Vân vẫn làm ra vẻ bình thường nói tiếp câu chuyện vừa đứt đoạn, cốt để mẹ chồng quên đi nỗi thất vọng vừa rồi: "Má à, hồi sáng con đi chợ, có mua bánh ít lá gai quê mình nè, con lột má ăn nha".

Bà Vân gợi Mai nhớ đến câu chuyện của Lão Lai Tử, đời Chu, một đời hiếu kính với cha mẹ, biết đoán trước ý để chiều cho cha mẹ vui. Đã bảy mươi tuổi mà ông vẫn mặc áo sặc sỡ, bắt chước bộ điệu trẻ con chơi đùa, nhảy múa, làm trò cho cha mẹ cười.

Còn một điểm lạ ở người phụ nữ ấy mà Mai chưa tiện hỏi, dù rất thắc mắc, đấy là chuỗi ngọc trai bà mang. Nó lóng lánh nổi bật so với bộ bà ba tồi tàn của bà Vân khi đi bán rau suốt ngày, lam lũ ngoài chợ. Mỗi tối, Vân lại thấy bà lê la nơi đầu hẻm, mặc đồ bộ nhưng vẫn đeo chuỗi ngọc. Điều đó khiến bà Vân trở nên dị thường hơn trong mắt xóm giềng.

Mai thường thấy bà cụ mân mê xâu chuỗi trên cổ con dâu hàng giờ. Đôi mắt cụ đục lờ, thỉnh thoảng lại ứa ra vài giọt nước mắt cũng đục lờ.

Khi ấy, người con dâu ngồi bệt xuống đất, đầy vẻ cam chịu, mắt cũng ngân ngấn nước. Dường như chuỗi ngọc ấy đã buộc chặt đời họ với nhau, không thể nào chia cắt. Cả hai như đắm chìm vào quá khứ...

Bà Vân được gả về nhà chồng khi vừa tròn đôi mươi. Bố chồng mất sớm, nhà có mỗi mình chồng bà nên được mẹ chồng cưng chiều hết mực. Vậy mà ngay sau đêm tân hôn, chồng bà đã âm thầm ra đi, không lời từ biệt mẹ và người vợ mới cưới. Hai người phụ nữ ấy từng ngày vẫn ngóng trông mỗi ngày.

Rất lâu sau này, khi nhận được thư chồng, tấm giấy nhàu bẩn ghi vội vài dòng giữa những trận hành quân, bà mới biết chồng được tổ chức bí mật sắp xếp trốn ra bưng. Ngặt nỗi, nhà một mẹ một con, nên anh chiều lòng mẹ cưới vợ. Trong thư, anh cầu xin hai người tha thứ, anh gởi gắm mẹ già lại cho vợ, hẹn nếu có ngày gặp lại sẽ đáp đền.

Nhận được thư, hai mẹ con ôm nhau khóc thảm thiết. Rồi cũng không thể khóc lóc mãi, họ động viên, an ủi nhau cố gắng sống, đợi ngày anh trở về.

Trên chiếc giường cô đơn lạnh lẽo, chưa ấm hơi chồng, bà khóc thầm không biết bao đêm. Khóc mà phải cắn chặt chéo mền, để không bật ra tiếng nức nở, sợ mẹ chồng bên kia vách nghe thấy. Tiếng khóc tức tưởi bị nghẹn lại, nỗi nhớ mong cứ đọng trong lòng, cứ chực bực ra khi có ai động đến.

Có những buổi sáng, bà Vân đạp xe đi làm khi những ngọn đèn đường chưa tắt, thành phố còn "ngái ngủ", đường sá vắng tanh. Ngang qua chiếc cầu gần nhà, gió sông lồng lộng, bà dựng xe đạp, đứng tựa thành cầu gào khóc thật lớn.

Những lời thương nhớ, trách móc người chồng một đêm được tuôn ra. Không phải kìm giữ, những giọt nước mắt nóng hổi, uất nghẹn giấu trong lòng được dịp tràn dâng. Khi đã thực sự cảm thấy nhẹ nhõm, sau những phút giây mở lòng với trời đất, bà lên xe đạp đến chỗ làm.

Cụ vui mừng đặt tên cho cháu là Ngọc, khi bà bảo mình có thai. Hai mẹ con vui mừng hồi hộp trông đợi ngày bé ra đời. Nhưng rồi một hôm, bà bất cẩn té xe, máu ra lênh láng, cái thai hơn bốn tháng không thể giữ được.Đau đớn, ân hận, bà tưởng có thể chết được.

Bà cứ ngỡ mẹ chồng sẽ giận lắm, nhưng cụ không một lời trách mắng, chỉ dịu dàng săn sóc, an ủi: "Thôi con đừng buồn, mai mốt thằng Bảo về, bây tha hồ".

Mai mốt, ừ thì mai mốt. Thoáng chốc, hai mái đầu đã bạc trắng vậy mà anh Bảo của bà vẫn biền biệt nơi nào.

Gia đình chồng suy sụp, từ căn nhà to ở quận Ba bán xuống thành căn nhà nhỏ hơn, bán riết thành căn nhà nhỏ xíu, nơi con hẻm nhỏ ở quận Tư này. Mẹ chồng bà mắc hàng tá bệnh không tên không tuổi của người già, phần lại thêm nỗi nhớ con khôn nguôi, bệnh lại càng nặng hơn.

Hai mẹ con lưu lạc khắp nơi, làm đủ thứ nghề. Thế nhưng, cứ đến mỗi đầu tháng là cụ khăng khăng bảo bà nghỉ một buổi, đưa cụ về căn nhà cũ, nghe ngóng tin tức anh.

Lần nào chuyển chỗ ở, bà cũng ghi lại địa chỉ cho người chủ mới căn nhà đó. Đường xa, lại không thể đi một mạch, phải dừng nhiều chặng để mẹ nghỉ ngơi, lần nào bà Vân đẩy cụ đến nơi cũng đã quá trưa, cả hai đều mệt rã rời.

Chủ nhà từ một thanh niên trai tráng, giờ đây mái tóc đã điểm sương, bao nhiêu năm rồi vẫn vui vẻ với họ, không chút phiền lòng. Ông thường mời hai mẹ con tách trà nóng, đĩa bánh ngọt. Khi tiễn họ, lúc nào ông cũng động viên với nụ cười: "Cứ yên tâm, có tin gì của anh ấy, tôi báo cho cụ và chị hay liền".

Nhiều lần, hai mẹ con đã đi với niềm hy vọng ngập tràn nên xa mấy cũng không ngại. Đến lúc về, trong lòng họ trĩu nặng nỗi thất vọng, đường xa càng thêm xa. Hai mẹ con về đến nhà thường đã nửa khuya. Bà tắm rửa, thay đồ cho cụ, bón chút cháo. Khi bà xong việc cũng là lúc trời gần sáng. Hôm sau, mọi chuyện lại theo nếp cũ. Sáng, bà đi bán rau ở chợ, chiều đẩy cụ ra đầu ngõ, ngóng chờ một người đi mãi chưa về.

Sau một tuần về quê, Mai sang nhà chơi. Cô giật mình thảng thốt khi thấy cụ Hai mặc bộ đồ lụa trắng nằm trên giường, bà Vân quỳ dưới sàn nhà, nức nở: "Sao má nỡ bỏ con lại một mình, má ơi!".

Mấy hôm trước, hai mẹ con về thăm nhà cũ. Cả ngày ở ngoài đường thêm cơn mưa nặng hạt buổi chiều làm cụ Hai lạnh run, sốt cao. Thuốc thang vẫn không đỡ, cụ lịm dần, lịm dần, rồi cứ thế mà đi.

Đám tang tuy đơn sơ nhưng ấm cùng, bà con hàng xóm mỗi người một tay giúp đưa cụ đi hỏa táng.

Gian phòng nhỏ bây giờ có thêm chiếc bàn con trưng tấm hình cụ Hai mặc áo dài hoa, mang chuỗi ngọc trai, cười thật tươi. Bên cạnh là chiếc bình màu xanh rêu đựng tro cốt nằm lặng lẽ. Xâu chuỗi bà Vân thường đeo giờ đây được choàng vào chiếc bình.

Thắp nén nhang cho cụ, Mai thấy cay cay nơi khóe mắt, chẳng hiểu vì khói nhang hay vì thương nhớ người vừa mất.

Bất chợt bà Vân ngẩng lên nhìn cô: "Mai cháu rảnh không, đi với bác một chuyến".

Hai bác cháu đón xe đi Vũng Tàu. Ra đến nơi, bà Vân đi dọc bãi biển tìm được một ghềnh đá hẻo lánh nằm nhô hẳn ra biển. Những tảng đá to, đầy góc cạnh, rải rác xung quanh. Bà thận trọng nghiêng chiếc bình, lắc nhè nhẹ. Tro rơi ra khỏi miệng bình, vẽ những vệt xám ngoằn ngoèo trong không khí. Rồi từng chút, từng chút một, đám tro tàn theo cơn gió bay xa.

Chiếc bình gốm cũng được những cơn sóng cuốn đi, sau một lúc dập dềnh trên biển. Cát bụi lại trở về với cát bụi.

Bà mở túi lấy chuỗi ngọc trai nhẹ nhàng thả xuống biển. Nó đong đưa trên sông, lấp lánh trong ánh chiều tà.

Giọng bà Vân nghẹn ngào hòa với tiếng sóng biển vỗ vào bờ đá: "Cháu biết không, đời bác nói dối cụ hai chuyện, ngồi xuống đây bác kể cho nghe. Cụ trên trời linh thiêng hiểu được, chắc cũng tha thứ cho bác", giọng bà Vân còn nghẹn ngào.

"Sau ngày đất nước hòa bình, hai mẹ con chờ mãi chẳng thấy bác trai trở về. Cụ sốt ruột ngóng trông mãi nên báo bác đi dò la tin tức.

Bác tìm đến đúng đơn vị, nhưng tiểu đội bác trai chẳng còn một ai. Tất cả đều nằm lại đâu đó dưới lớp đất đỏ quạch, trong những cánh rừng bạt ngàn của chiến khu Đ sau một trận càn dữ dội của Mỹ. Bác bàng hoàng khi nhìn thấy giấy báo tử của chồng, nhưng điều đau đớn nhất là ngay cả một nấm mộ sơ sài để thắp hương cũng không có".

"Bác không thể tin được đó là sự thật. Mọi hy vọng, mong chờ suốt bao năm bỗng chốc sụp đổ tan tành. Bác khóc đến ngất đi, tỉnh rồi lại ngất, ngất rồi lại tỉnh, người cứ say say, mụ mị, chẳng còn biết gì nữa".

"Chỉ huy cho xe đưa bác về tận nhà. Trên đường về, bác suy nghĩ, chẳng biết ăn nói sao với cụ, cứ phân vân, lưỡng lự mãi. Phần bác đau đớn dã đành, còn cụ đang nằm trên giường bệnh, nói ra sự thật đau lòng này liệu cụ có chấp nhận được không?".

"Trước khi bước vô nhà, bác kéo sụp chiếc nón xuống, giấu đôi mắt sưng húp Vừa trông thấy bác, cụ đã níu tay hỏi dồn dập: Sao con, sao con, có gặp được thằng Bảo không? Bác quýnh quáng nên trả lời đại: Chỉ huy bảo ảnh bận đi công tác. Bà hỏi tiếp: Chừng nào nó mới về? Bác đành nói dối: Con chẳng biết nữa, công việc còn bừa bộn lắm. May sao bà cụ tin và bảo: Ừ thế cũng được, miễn nó còn sống là mừng rồi, mà chỉ sợ...".

"Cụ bỏ lửng câu nói, buông tiếng thở dài. Bác bước vội vào bếp. giấu đi những giọt nước mắt, sợ cụ thấy được, tra gạn sẽ biết chuyện. Nói dối cụ, nên vài ba tháng bác phải viết giả một lá thư của bác trai, viện đủ lý do chưa về thăm nhà được. Bác tính lựa lúc thích hợp sẽ thưa chuyện, nhưng cháu biết đấy, cụ ngày bệnh nhiều hơn ngày khỏe".

"Lần lữa mãi rồi cũng qua mấy chục năm. Bác không biết làm vậy có đúng không, nhưng bác nghĩ cụ sống cũng vì hy vọng con trai mình sẽ trở về, nếu niềm hy vọng ấy cũng không còn nữa, có lẽ cũ không thể gắng gượng cho đến bây giờ.

Mai lắng nghe, trong lòng cảm thương cho hoàn cảnh của bà và không khỏi thắc mắc: "Thế còn xâu chuỗi ngọc, sao bác lại thả xuống biển, không giữ lại làm kỷ vật?"

"Chuỗi ngọc lâu nay cháu trông thấy chỉ là đồ giả. Xâu chuỗi cụ đeo trong hình mới là thật. Nó là của gia bảo gia đình chồng bác truyền lại từ đời này sang đời khác, chỉ con dâu cả của dòng họ mới được nhận".

"Ngày về làm dâu, bên cạnh những món nữ trang thông thường bác còn được trao cho xâu chuỗi ấy. Cụ dặn dò, gia đình dù nghèo cũng không được phép bán nó".

"Nhiều năm trước, cụ bệnh rất nặng, di chứng trận ốm đó khiến cụ phải ngồi xe lăn, tâm trí bắt đầu lẫn, khi quên khi nhớ. Lúc ấy, tiền bạc trong nhà đã cạn kiệt, nên bác đem xâu chuỗi đi cầm lấy ít tiền thuốc thang, nghĩ rằng sau một thời gian sẽ cố kiếm tiền chuộc lại".

"Thế nhưng cuộc sống ngày càng túng quẫn, đến hạn rồi vẫn không chuộc được, bác đành để mất chuỗi ngọc. Bác ân hận, ray rứt mãi, nhưng có cách nào khác hơn trong hoàn cảnh ấy. Sợ cụ biết được, nên bác đành phải mua xâu chuỗi giả thế vào. Có lẽ vì nó là một kỷ vật nhắc nhớ đến quá khứ hạnh phúc, khi gia đình còn sung túc, đủ đầy, nên cụ quý nó vô cùng, chẳng lúc nào muốn rời.

Lúc sinh thời, cụ bảo sau khi mất, muốn được tự do đi đây đi đó, biết đâu lại gặp con trai. Vì thế, bác rải tro và chuỗi ngọc của cụ xuống biển. Chỉ hy vọng, cụ có thể cùng nó nương theo những con sóng, đi khắp nơi cho thỏa lòng...".

Chiều muộn. Nắng đã tắt. Biển thẫm một màu. Từng đàn hải âu lông xám xoải cánh bay về đất liền. Gió biển lành lạnh thốc vào làm Mai rùng mình. Sóng vỗ vào ghềnh đá từng đợt trắng xóa.

Bà Vân vịn cô đứng lên: "Thôi, bác cháu mình về, kẻo trễ chuyến xe". Nói rồi, bà chầm chậm bước đi. Bóng bà thành một vệt dài dưới ánh chiều tà, lẻ loi...

Mai không nói được lời nào vì chẳng thể tìm đủ ngôn từ cho sự cảm thông. Nhưng Mai hiểu, với bà Vân, đây chính là giây phút thanh thản nhất. Thật ngạc nhiên vì bà đã chôn kín sự thật ấy, âm thầm chịu đựng suốt bấy nhiêu năm qua, nhẫn nhịn làm người con dâu hiếu thảo. Lòng Mai, vừa cảm thương vừa khâm phục. Mai tin, ở một nơi nào đó, cụ sẽ gặp người con trai mình luôn mong ngóng.

Xa tít ngoài khơi, Mai trông thấy một đốm sáng lấp lánh, đong đưa trên sóng. Chuỗi ngọc lưu luyến, không nỡ rời người phụ nữ kiên cường bên cạnh cô chăng, hay chỉ là một vệt sáng hư ảo của mặt trời còn sót lại? Chẳng thể nào biết được.

Mai vẫy tay chào từ biệt. Biển đáp lại bằng điệp khúc ngàn đời sóng vỗ, rì rào, rì rào...

Theo Hoàng Hoa DC